Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19

PV - 09:53, 13/09/2022

Sáng 13/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính – Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, chủ trì Phiên họp lần thứ 17 của Ban Chỉ đạo.

Thủ tướng Phạm Minh Chính – Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, chủ trì Phiên họp lần thứ 17 của Ban Chỉ đạo - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Thủ tướng Phạm Minh Chính – Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, chủ trì Phiên họp lần thứ 17 của Ban Chỉ đạo - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Tham dự phiên họp tại điểm cầu trụ sở Chính phủ có các đồng chí: Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Vũ Đức Đam, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; Đào Hồng Lan, Ủy viên Trung ương Đảng, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế; lãnh đạo các bộ, ban, ngành, cơ quan Trung ương.

Lãnh đạo các địa phương tham dự phiên họp được kết nối trực tuyến đến các điểm cầu 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Phát biểu ý kiến khai mạc phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhắc lại, thực hiện Kết luận của Trung ương, ngày 11/10/2021, Chính phủ ban hành Nghị quyết 128 về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19. Sau gần 1 năm thực hiện Nghị quyết, nhiều chuyên gia, nhà khoa học, tổ chức quốc tế đánh giá, thực tế đã khẳng định chủ trương đúng đắn của Đảng và Nghị quyết 128 đóng vai trò quyết định với những kết quả trong công tác phòng chống dịch, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội thời gian qua.

Đến thời điểm này, chúng ta giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, phục hồi kinh tế và thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn (thu – chi, xuất – nhập khẩu, lương thực – thực phẩm, năng lượng, cung cầu lao động); bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, tăng cường, mở rộng các hoạt động đối ngoại và hội nhập phù hợp tình hình; đời sống nhân dân được cải thiện, theo điều tra sơ bộ, tỉ lệ hộ có thu nhập không đổi và tăng lên là 82,2%.

Thủ tướng: Chúng ta đã thực hiện thành công chiến lược vaccine; tổng kết kinh nghiệm, xác định các trụ cột và công thức phòng chống dịch - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Thủ tướng: Chúng ta đã thực hiện thành công chiến lược vaccine; tổng kết kinh nghiệm, xác định các trụ cột và công thức phòng chống dịch - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Những kết quả nói trên là nhờ sự lãnh đạo đúng đắn, sâu sát, kịp thời của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, trực tiếp, thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; sự đồng hành, hỗ trợ, phối hợp chặt chẽ của Quốc hội, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm của Chính phủ, các cấp, các ngành, các địa phương; sự đồng tình, ủng hộ và tham gia tích cực của cộng đồng doanh nghiệp, nhân dân cả nước; sự hỗ trợ, giúp đỡ hiệu quả của bạn bè quốc tế.

Chúng ta đã thực hiện thành công chiến lược vaccine; tổng kết kinh nghiệm, xác định các trụ cột và công thức phòng chống dịch. Tuy nhiên, tình hình vẫn diễn biến phức tạp, xuất hiện tâm lý lơ là, chủ quan với dịch bệnh.

Thủ tướng đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận về tình hình và các nhiệm vụ, giải pháp để đẩy nhanh hơn nữa công tác tiêm chủng vaccine hiện vẫn chưa đạt mục tiêu đề ra; khắc phục tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế; bảo đảm nhân lực y tế; tăng cường tuyên truyền, nâng cao hơn nữa ý thức phòng chống dịch của nhân dân…

Việt Nam đã tiêm 258,7 triệu liều vaccine

Theo báo cáo của Bộ Y tế - cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo, đến 11/9/2022, thế giới ghi nhận trên 613 triệu ca mắc, trên 6,5 triệu trường hợp tử vong do COVID-19. Biến thể Omicron đang chiếm ưu thế so với các biến thể khác; trong đó đã ghi nhận các biến thể phụ như BA.4, BA.5, mới nhất là các biến thể dòng phụ thế hệ thứ hai của biến thể Omicron như BA.2.74, BA.2.75, BA.2.76, các biến thể phụ có khả năng lây lan nhanh hơn so với biến thể gốc và có thể làm gia tăng số ca mắc trở lại.

Lãnh đạo các địa phương tham dự phiên họp được kết nối trực tuyến đến các điểm cầu 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Lãnh đạo các địa phương tham dự phiên họp được kết nối trực tuyến đến các điểm cầu 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

WHO cho biết sẽ công bố một số chính sách để các quốc gia triển khai, bao gồm: (1) Xét nghiệm, (2) quản lý lâm sàng, (3) tiêm chủng, (4) truyền thông nguy cơ cũng như sự tham gia của cộng đồng, và (5) quản lý dịch bệnh nhằm bảo vệ những người có nguy cơ, giảm thiểu bệnh trở nặng, tử vong.

Việt Nam đã ghi nhận trên 11,4 triệu ca mắc, có 10,3 triệu người khỏi bệnh (90,2%) và trên 43 nghìn ca tử vong (0,38%). So với tháng 7/2022, tháng 8/2022 ghi nhận 72.324 ca mắc (tăng 2,4 lần), 24 ca tử vong (tăng 18 ca).

Trong nước đã ghi nhận các trường hợp nhiễm biến thể phụ BA.4, BA.5, BA.2.74 trong cộng đồng, nhất là biến thể phụ BA.5 đang tiến tới chiếm ưu thế trong số các ca mắc.

Trong 7 ngày qua (5/9-11/9/2022) cả nước ghi nhận trung bình khoảng 2.900 ca mắc mới mỗi ngày (ngày 7/9 ghi nhận 3.878 ca, cao nhất trong gần 4 tháng qua), số ca mắc đang có xu hướng gia tăng trở lại.

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 liên tục có các chỉ đạo tăng cường thực hiện quyết liệt công tác phòng, chống dịch COVID-19; ban hành các văn bản yêu cầu các ngành, các cấp, địa phương tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác và yêu cầu thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch với mục tiêu kiểm soát dịch, không để bùng phát trở lại, đặc biệt tập trung đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine phòng COVID-19; đảm bảo thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế và nhân lực y tế phục vụ công tác phòng, chống dịch và tiếp tục triển khai hiệu quả Nghị quyết 38/NQ-CP của Chính phủ.

Các bộ, ngành, địa phương tiếp tục tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức triển khai thực hiện các chỉ đạo của của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia về công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Tính đến hết ngày 11/9/2022, Việt Nam đã triển khai tiêm được 258,7 triệu liều vaccine phòng COVID-19. Tỉ lệ tiêm mũi 1, mũi 2 cho người từ 12 tuổi trở lên đạt xấp xỉ 100%. Tỉ lệ tiêm mũi 3 cho người từ 18 tuổi trở lên đạt 77,0% và tỉ lệ tiêm mũi 3 người từ 12 đến dưới 18 tuổi là 55,2% (so với tổng dân số tỉ lệ này là 56%, cao gấp đôi tỉ lệ trung bình trên thế giới (28,0%)). Tỉ lệ tiêm mũi 4 là 77,0%.

Tỉ lệ tiêm mũi 1 cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi đạt 85,8%; tỉ lệ tiêm mũi 2 đạt 57,6%.

Trong tháng 8, cả nước tiêm được khoảng 11 triệu liều vaccine, trung bình mỗi ngày tiêm được 360.000 liều (ngày thấp nhất tiêm được gần 100.000 liều, ngày cao nhất tiêm được hơn 800.000 liều)./.