Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Thủ tướng dự phiên cấp cao Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam

PV - 10:05, 21/02/2022

Sáng ngày 21/2, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự phiên cấp cao Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) thường niên với chủ đề "Phục hồi kinh tế và phát triển chuỗi cung ứng trong bối cảnh bình thường mới".

Thủ tướng Phạm Minh Chính trực tiếp lắng nghe các kiến nghị, góp ý của cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức quốc tế về phục hồi kinh tế và phát triển chuỗi cung ứng trong bối cảnh bình thường mới. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Thủ tướng Phạm Minh Chính trực tiếp lắng nghe các kiến nghị, góp ý của cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức quốc tế về phục hồi kinh tế và phát triển chuỗi cung ứng trong bối cảnh bình thường mới. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Diễn đàn do Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Thế giới (WB), Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) và Liên minh Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến tại các điểm cầu.

Cùng dự Diễn đàn có Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, bà Carolyn Turk, Giám đốc Quốc gia WB, bà Amy Luinstra, Quyền Giám đốc Quốc gia cấp cao của IFC, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Phạm Tấn Công, lãnh đạo các ban, bộ, ngành, cơ quan Trung ương.

Trước đó, lần đầu tiên sau 24 năm, VBF đã tổ chức phiên kỹ thuật nhằm có nhiều thời gian hơn để thảo luận về các vấn đề kinh tế Việt Nam. Phục hồi kinh tế hậu COVID-19, khôi phục chuỗi cung ứng, kinh tế tuần hoàn hay chuyển đổi số là những vấn đề đã được đưa ra để thảo luận, phản biện và góp ý trước khi trình bày tại phiên cấp cao.

Bà Amy Luinstra, Quyền Giám đốc Quốc gia cấp cao của IFC nhấn mạnh những kết quả rất tích cực của Việt Nam trong năm 2021 khi dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhất là xuất nhập khẩu tiếp tục tăng trưởng mạnh và đạt kỷ lục, xuất siêu gần 4 tỷ USD, môi trường đầu tư trong nước được cải thiện đáng kể, những cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong thúc đẩy tăng trưởng xanh…

Nêu những thách thức của Việt Nam trong năm 2022, bà bày tỏ tin tưởng dưới sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, nền kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển, nâng cao đáng kể khả năng chống chịu, tăng trưởng xanh hơn, đổi mới hơn, bao trùm hơn.

Chính phủ, Thủ tướng đã có những chỉ đạo kịp thời, quyết liệt, hiệu quả, giúp doanh nghiệp và nền kinh tế vượt qua các khó khăn thách thức do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Chính phủ, Thủ tướng đã có những chỉ đạo kịp thời, quyết liệt, hiệu quả, giúp doanh nghiệp và nền kinh tế vượt qua các khó khăn thách thức do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công nhắc lại cách đây 5 tháng, cộng đồng doanh nghiệp đã hết sức lo lắng do những diễn biến phức tạp và tác động của dịch bệnh tới hoạt động sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, Chính phủ, Thủ tướng đã có những chỉ đạo kịp thời, quyết liệt, hiệu quả, giúp doanh nghiệp và nền kinh tế vượt qua các khó khăn thách thức. Thủ tướng đã liên tục có các cuộc gặp gỡ, làm việc, đối thoại với doanh nghiệp, khảo sát thực tế, kiểm tra tại tâm dịch, lập các tổ công tác tháo gỡ khó khăn... Đặc biệt, việc thực hiện thành công chiến lược vaccine, đưa Việt Nam trở thành một trong những nước có tỉ lệ bao phủ vaccine cao nhất thế giới đã tạo sự yên tâm, tin tưởng cho doanh nghiệp trong nước và quốc tế trong đầu tư, kinh doanh.

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, năm 2021, môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam tiếp tục được cải thiện.

Trong năm 2021, gần 160 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động. Tổng vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội ước đạt trên 2,89 triệu tỷ đồng, tăng 3,2% so với năm 2020. Tuy đây là mức tăng thấp nhất trong nhiều năm qua nhưng là kết quả khả quan trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp và có những tác động tiêu cực tới trong nước và trên thế giới. Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài phục hồi, tổng vốn đăng ký đạt trên 31 tỷ USD, tăng 9,2% so với năm 2020, cho thấy nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục tin tưởng vào kết quả phòng, chống dịch COVID19 của Chính phủ, cũng như môi trường đầu tư tại Việt Nam.

Về đổi mới sáng tạo, thương mại điện tử, chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ số, công nghiệp văn hóa, các mô hình, hoạt động kinh doanh mới ngày càng được quan tâm đầu tư phát triển mạnh mẽ và sâu rộng. Hội nghị sẽ là cơ hội để cộng đồng doanh nghiệp đóng góp ý kiến, đề xuất những giải pháp nhằm triển khai Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội; đồng thời, xác định trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp trong việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy phát triển khu vực kinh tế tư nhân và đóng góp tích cực vào sự phát triển bền vững của Việt Nam; thể hiện sự đồng hành của Chính phủ cùng cộng đồng doanh nghiệp vượt qua khó khăn, ổn định và phục hồi sản xuất kinh doanh./.