Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tỉnh Kon Tum thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050

T.Hợp - 13:05, 05/01/2024

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1756/QĐ-TTg ngày 31/12/2023 phê duyệt Quy hoạch tỉnh Kon Tum thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, phạm vi lập quy hoạch tỉnh Kon Tum bao gồm toàn địa phận tỉnh Kon Tum với diện tích tự nhiên 9.677,3 km2; 10 đơn vị hành chính cấp huyện gồm thành phố Kon Tum và các huyện: Đăk Hà, Đăk Tô, Đăk Glei, Sa Thầy, Ia H'Drai, Ngọc Hồi, Kon Plông, Kon Rẫy, Tu Mơ Rông.

Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tỉnh Kon Tum thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Ảnh minh họa
Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tỉnh Kon Tum thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Ảnh minh họa

Quyết định nêu rõ, quan điểm phát triển cụ thể của quy hoạch tỉnh Kon Tum là phát triển tỉnh Kon Tum thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 phải bảo đảm phù hợp, thống nhất, đồng bộ với mục tiêu, định hướng của các quy hoạch cấp quốc gia, cấp vùng và phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên. Phát triển kinh tế - xã hội dựa trên nền tảng phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất, chất lượng tăng trưởng. Đổi mới mạnh mẽ tư duy và hành động. Phát huy tối đa nhân tố con người, lấy đầu tư, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và phát triển giáo dục - đào tạo là nền tảng cho sự phát triển bền vững. Chủ động, tích cực tiếp cận và khai thác triệt để những cơ hội và thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng, đem lại hiệu quả thiết thực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Phát triển kinh tế theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực, toàn diện, nhanh và bền vững; chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, với nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, quy mô lớn, giá trị gia tăng cao là nền tảng; các ngành công nghiệp năng lượng, khai khoáng, chế biến, chế tạo và du lịch là mũi nhọn đột phá.

Phát triển xã hội văn minh, thân thiện trên cơ sở đảm bảo các chỉ tiêu và kết cấu hạ tầng xã hội; trong đó sắp xếp lại hệ thống đô thị, các điểm dân cư nông thôn trên cơ sở ưu tiên phát triển các đô thị có sức hút lớn, có nhiều việc làm và dịch vụ xã hội, gắn với các khu, điểm kinh tế chuyên ngành, tạo lực kéo đẩy mạnh, nhằm đẩy nhanh tốc độ và mức độ đô thị hóa, công nghiệp hóa và hiện đại hóa đô thị; sắp xếp và bảo tồn hệ thống các điểm dân cư nông thôn theo hướng nông thôn mới và đề cao sắc thái dân tộc.

Quyết định cũng nêu rõ, tỉnh Kon Tum đặt mục tiêu tổng quát: phấn đấu đến năm 2030, trở thành tỉnh phát triển nhanh, toàn diện, bền vững và công bằng dựa trên kinh tế xanh, tuần hoàn, giàu bản sắc văn hóa dân tộc. Phấn đấu đưa tỉnh trở thành một trong những tỉnh trung bình khá của cả nước; là vùng dược liệu trọng điểm quốc gia và trung tâm sản xuất dược liệu lớn của cả nước; là trọng điểm du lịch tầm cỡ quốc gia và khu vực gắn với khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y và khu du lịch Măng Đen. Kết nối thuận lợi với các trung tâm kinh tế - xã hội lớn của vùng, cả nước, khu vực quốc tế thuộc tiểu vùng Mê Công, các nước láng giềng và ASEAN. Tiếp tục phát triển tỉnh Kon Tum theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực bao gồm: Công nghiệp, Dịch vụ, Nông nghiệp, Đô thị và Nông thôn.

Về mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể đến năm 2023, về kinh tế: Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân đạt trên 9,5%/năm. GRDP bình quân đầu người: Đạt khoảng trên 110 triệu đồng/người. Cơ cấu ngành kinh tế trong GRDP: Ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản khoảng 18 - 17%, công nghiệp - xây dựng khoảng 33 - 35% và dịch vụ khoảng 43 - 45%.

Tổng huy động vốn đầu tư toàn xã hội: giai đoạn 2021 - 2025 đạt trên 118.000 tỷ đồng và 2026 - 2030 đạt trên 155.000 tỷ đồng. Tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân trên 6,5%/năm. Đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng đạt khoảng trên 45%. Tỷ lệ đô thị hóa khoảng 52%.

Về xã hội, tốc độ tăng trưởng dân số bình quân đạt 4,7%/năm. Chỉ số phát triển con người (HDI) đạt mức 0,7. Tuổi thọ trung bình tính từ lúc sinh khoảng 70 tuổi. Trên 85% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 40% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; có 07 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn huyện nông thôn mới hoặc hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, trong đó có 10% số đơn vị hành chính cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.

Về tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh Kon Tum là một cực phát triển quan trọng của kinh tế vùng Tây Nguyên và hành lang kinh tế Đông - Tây với các nước tiểu vùng sông Mê Kông, là điểm kết nối quan trọng trong ngã tư kinh tế Bắc - Nam, Đông - Tây; có hệ thống kết cấu hạ tầng phát triển đồng bộ và hiện đại; có nền tảng kinh tế đủ sức cạnh tranh bình đẳng trên trường quốc tế.

Phát triển “Ổn định, bền vững và công bằng”; xây dựng hoàn chỉnh nền kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn; sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên và các nguồn lực tăng trưởng; có môi trường đầu tư năng động, thông thoáng, minh bạch, thân thiện. Người dân có thu nhập cao, cuộc sống thịnh vượng hạnh phúc. Bảo đảm môi trường sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu. Quốc phòng, an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được giữ vững.

Quy hoạch tỉnh Kon Tum đưa ra các đột phá phát triển ở các ngành, lĩnh vực kinh tế như phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với công nghiệp chế biến.

Phát triển du lịch với nhiều loại hình theo định hướng “ba quốc gia, một điểm đến”; sản phẩm dịch vụ với trọng tâm là du lịch sinh thái, nông nghiệp; du lịch văn hóa, lịch sử; du lịch nghỉ dưỡng, chữa bệnh; du lịch cộng đồng; du lịch chuyên đề khác. Tập trung phát triển hạ tầng Khu du lịch sinh thái Măng Đen đạt các tiêu chí của Khu du lịch sinh thái mang tầm cỡ quốc gia và là điểm đến hấp dẫn, có thương hiệu của khu vực Tây Nguyên, trong nước và quốc tế.

Phát triển kinh tế đô thị - công nghiệp - dịch vụ dựa trên tập trung đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng tại các khu vực trọng điểm (đô thị, các khu, cụm công nghiệp - đô thị - dịch vụ).

Ngoài ra, phát triển 03 trung tâm đô thị động lực: Đô thị trung tâm (thành phố Kon Tum và các đô thị vệ tinh, cửa ngõ); Trung tâm đô thi phía Bắc (Ngọc Hồi - Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y); Trung tâm đô thị phía Đông (thị trấn Măng Đen và Khu du lịch sinh thái Măng Đen).

Phát triển 03 hành lang kinh tế - kỹ thuật - đô thị động lực chủ đạo gồm: Hành lang đường Hồ Chí Minh (quốc lộ 14) và cao tốc Bắc Nam; Hành lang quốc lộ 24 và cao tốc Quảng Ngãi - Kon Tum; Hành lang quốc lộ 40B.