Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự Diễn đàn cấp cao ASEAN vì phát triển bền vững và tăng trưởng bao trùm

Thúy Hồng - 14:41, 30/11/2021

Sáng 30/11/2021, tại Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự và phát biểu tại phiên khai mạc Diễn đàn cấp cao ASEAN về hợp tác tiểu vùng vì sự phát triển bền vững và tăng trưởng bao trùm được tổ chức theo hình thức trực tuyến.

Phát biểu khai mạc tại Diễn đàn, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết: Cùng với quá trình liên kết khu vực được thúc đẩy nhanh và sâu rộng của ASEAN, việc gắn kết và đảm bảo các vùng, miền theo kịp với tiến trình phát triển chung của khu vực ngày càng có ý nghĩa quan trọng. Tôi vui mừng nhận thấy các nước ASEAN ngày càng ý thức rõ vấn đề này và dành quan tâm nhiều hơn thúc đẩy hợp tác, phát triển ở các tiểu vùng. Diễn đàn hôm nay sẽ là dịp để các nước trong khu vực, trong đó có các nước nằm ở tiểu vùng, các Đối tác, các tổ chức quốc tế, giới chuyên gia, cộng đồng doanh nghiệp… cùng trao đổi, đề ra phương hướng hợp tác, các giải pháp phù hợp nhằm thúc đẩy phát triển ở các tiểu vùng, qua đó, đóng góp cho tăng trưởng chung của Cộng đồng ASEAN và cả khu vực.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Diễn đàn cấp cao ASEAN về hợp tác tiểu vùng vì sự phát triển bền vững, sáng 30/11/2021
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Diễn đàn cấp cao ASEAN về hợp tác tiểu vùng vì sự phát triển bền vững, sáng 30/11/2021

“Chúng tôi kêu gọi các nước ASEAN, các nước Đối tác, các tổ chức khu vực, quốc tế và cộng đồng doanh nghiệp trong khu vực tích cực ủng hộ, hợp tác và đóng góp cho nỗ lực phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao hơn nữa chất lượng cuộc sống người dân ở các tiểu vùng trong khu vực và năng lực đối phó với các vấn đề liên khu vực và toàn cầu” Thủ tướng cho biết.

Chúng ta cần xây dựng cách tiếp cận tổng thể. Một mặt, hỗ trợ các tiểu vùng tăng cường kết nối, thu hẹp khoảng cách phát triển, nâng cao năng lực ứng phó hữu hiệu các thách thức đặt ra. Mặt khác, cần khai thác hiệu quả các tiềm năng phát triển còn rộng mở ở các tiểu vùng, tạo điều kiện kinh doanh, đầu tư cho các doanh nghiệp và hợp tác công - tư. Các Chính phủ sẽ đồng hành, hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tìm kiếm, khai thác cơ hội kinh doanh, đầu tư tại các tiểu vùng.

Với tinh thần này, tôi đề nghị hợp tác tiểu vùng trong giai đoạn tới cần tập trung vào các ưu tiên sau:

Thứ nhất, cần lấy người dân làm chủ thể, làm trung tâm, là mục tiêu và là động lực cho sự phát triển trong chính sách, kế hoạch hợp tác phát triển ở các tiểu vùng. Trong đó, tập trung quan tâm, hỗ trợ người dân ổn định cuộc sống, duy trì sinh kế bền vững; đào tạo nghề, tạo việc làm cho người lao động; đảm bảo cơ hội được tiếp cận giáo dục, chăm sóc y tế đầy đủ, nhất là ở các vùng sâu, vùng xa, kịp thời hỗ trợ người dân và giảm thiểu tác động của thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường… Ưu tiên cao giai đoạn hiện nay là áp dụng triệt để cách tiếp cận toàn dân, hỗ trợ thiết thực và hiệu quả các tiểu vùng vượt qua khó khăn do tác động của đại dịch COVID-19 và phục hồi phát triển kinh tế-xã hội.

Thứ hai, cần hỗ trợ nâng cao năng lực đảm bảo phát triển bền vững ở các tiểu vùng. Nỗ lực bảo tồn các nguồn tài nguyên tự nhiên quý giá hiện có, đồng thời xử lý hiệu quả các thách thức đe dọa phát triển bền vững ở các tiểu vùng, trong đó có biến đổi khí hậu, suy thoái môi trường, cạn kiệt các nguồn tài nguyên…

Thứ ba, cần tăng cường kết nối, nhất là kết nối hạ tầng, tạo điều kiện thuận lợi, thông thoáng cho di chuyển của người dân và lưu chuyển hàng hóa hơn nữa, gắn kết các vùng sâu, vùng xa của các tiểu vùng với các đô thị, trung tâm kinh tế lớn của mỗi quốc gia và khu vực. Đồng thời, cần thúc đẩy các hoạt động kết nối văn hóa và giao lưu nhân dân để gia tăng sự gắn kết, gắn bó bền chặt giữa người dân trong khu vực.

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Diễn đàn
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Diễn đàn

Chúng tôi đề nghị các chương trình hợp tác khu vực của ASEAN, nhất là Kế hoạch tổng thể về Kết nối ASEAN, Sáng kiến Hội nhập ASEAN, các Kế hoạch tổng thể xây dựng Cộng đồng Kinh tế và Văn hóa-xã hội ASEAN… cũng như các kết quả hợp tác giữa ASEAN với các Đối tác cần được lan tỏa đến các tiểu vùng và gắn kết nhịp nhàng với các nỗ lực hợp tác ở các khuôn khổ tiểu vùng. Chúng tôi mong muốn các nước Đối tác, các tổ chức khu vực và quốc tế tích cực hỗ trợ về tài chính, chuyển giao công nghệ, phát triển nguồn nhân lực… là những nội dung đặc biệt quan trọng trong nỗ lực thúc đẩy phát triển bền vững ở các tiểu vùng. Chúng tôi cũng khuyến khích cộng đồng doanh nghiệp tăng cường đầu tư vào các lĩnh vực phù hợp kể trên.

“Chúng tôi tin tưởng rằng thông qua Diễn đàn đầu tiên về hợp tác tiểu vùng lần này, chúng ta sẽ tiếp tục duy trì và thúc đẩy nỗ lực hợp tác, phát triển các tiểu vùng trong ASEAN trong tương lai, góp phần hiện thực hóa các mục tiêu xây dựng một Cộng đồng ASEAN phát triển đồng đều, bền vững, thịnh vượng” Thủ tướng nhấn mạnh.

Tại diễn đàn, lãnh đạo các nước đã trao đổi về các nỗ lực xây dựng cộng đồng và tăng cường nỗ lực kết nối với các quốc gia trong khu vực thúc đẩy hợp tác và phát triển cộng đồng ASEAN.

Trong khuôn khổ diễn đàn các đại biểu đã có 2 phiên thảo luận gồm: Thúc đẩy hợp tác tiểu vùng trong ASEAN hướng tới phục hồi để đưa ra cái nhìn tổng quát về các cơ hội, thách thức trong thu hẹp khoảng cách phát triển và hợp tác tiểu vùng, đồng thời chỉ ra các định hướng thúc đẩy hơn nữa vai trò của ASEAN trong tiến trình này, đặc biệt trong bối cảnh đảm bảo phát triển bền vững và phục hồi toàn diện sau các tác động của dịch Covid-19; Tăng cường quan hệ giữa ASEAN và các đối tác, các bên liên quan trong phát triẻn tiểu vùng và thu hẹp khoảng cách phát triển trong đó tập trung trao đổi về quan điểm và các khuyến nghị về tăng cường sự tham gia của các đối tác, các bên liên quan trong hỗ trợ các nỗ lực của ASEAN trong thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các tiểu vùng vì sự phát triển bền vững và bao trùm.