Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Phiên họp thứ Nhất của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số

Hoàng Quý - 18:54, 30/11/2021

Ngày 30/11, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính - Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số đã chủ trì Phiên họp thứ Nhất của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số. Tham dự phiên họp có các thành viên của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số; các điểm cầu tại các Bộ, ngành, địa phương và một số doanh nghiệp trên cả nước. Tại điểm cầu Ủy ban Dân tộc, có Bộ trưởng Chủ nhiệm Hầu A Lềnh; Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Y Thông cùng lãnh đạo một số Vụ, đơn vị tham dự Phiên họp trực tuyến.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu kết luận phiên họp
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu kết luận Phiên họp

Mở đầu Phiên họp, các đại biểu đã được nghe công bố Quyết định thành lập Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số. Theo đó, ngày 24/9/2021, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Quyết định số 1619/QĐ-TTg kiện toàn và đổi tên Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử thành Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số. Thủ tướng Chính phủ làm Chủ tịch Ủy ban.

Tại Phiên họp thứ Nhất, Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số đã tập trung thảo luận về Kế hoạch chuyển đổi số năm 2022 và một số kiến nghị về chính sách.

Đối với kế hoạch năm 2022, Chương trình Chuyển đổi số quốc gia, Chiến lược Phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, dự thảo Chiến lược phát triển kinh tế số và xã hội số đặt ra khoảng 53 chỉ tiêu định hướng đến năm 2025. Tất cả 53 chỉ tiêu này cần được tổ chức triển khai đồng bộ ngay từ năm 2022. Trong đó lưu ý, có 18 chỉ tiêu quan trọng đề xuất ưu tiên nguồn lực triển khai thực hiện trong năm 2022.

Dự thảo Kế hoạch đề xuất 34 nhiệm vụ trong năm 2022. Tinh thần là đặt mục tiêu cao, quyết tâm hành động cao, mỗi nhiệm vụ có một đơn vị chủ trì, có kết quả rõ ràng, có chỉ số đo lường cụ thể. Dự thảo Kế hoạch phân công nhiệm vụ cho từng bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các địa phương. Trong đó: Dự thảo kế hoạch đề xuất 8 nhiệm vụ nhằm xây dựng thể chế, chính sách, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho 5 nhóm vấn đề: Giao dịch điện tử; định danh và xác thực điện tử; cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính trong lĩnh vực ngân hàng, thanh toán số, tiền kỹ thuật số; phân bổ và quản lý kinh phí chi cho chuyển đổi số; đại học số.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Hầu A Lềnh cùng lãnh đạo một số Vụ, đơn vị tham gia phiên họp trực tuyến tại điểm cầu Ủy ban Dân tộc
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Hầu A Lềnh cùng lãnh đạo một số Vụ, đơn vị tham gia Phiên họp trực tuyến tại điểm cầu Ủy ban Dân tộc

Đồng thời, dự thảo Kế hoạch đề xuất 18 nhiệm vụ đột phá năm 2022: Phổ cập điện thoại thông minh và cáp quang băng rộng toàn dân; phổ cập danh tính số toàn dân; phổ cập an toàn thông tin mạng toàn dân; phổ cập hồ sơ sức khỏe toàn dân; phổ cập dạy học trực tuyến; phổ cập chuyển đổi số trong doanh nghiệp vừa và nhỏ; phổ cập hóa đơn điện tử; phổ biến nâng cao nhận thức về chuyển đổi số; phổ biến kỹ năng số; thúc đẩy toàn diện tất cả các phương thức thanh toán số; thúc đẩy thương mại điện tử; quy hoạch đô thị thông minh; phát triển Hệ thống thông tin báo cáo; cơ chế đặc thù cho Quỹ phát triển khoa học công nghệ; phát triển Nền tảng dữ liệu số nông nghiệp; phát triển Cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức; điều phối phát triển, kết nối, chia sẻ dữ liệu; điều phối phát triển, sử dụng các nền tảng số.

Thảo luận tại Phiên họp, các đại biểu đều đồng tình với đề xuất Kế hoạch chuyển đổi số năm 2022 và một số kiến nghị về chính sách; một số ý kiến cho rằng Bộ Thông tin và Truyền thông cần phối hợp với các địa phương để xây dựng Nghị quyết của Tỉnh ủy về chuyển đổi số và cử chuyên gia hỗ trợ để triển khai nhiệm vụ trong thời gian tiếp theo; Chính phủ quan tâm hỗ trợ công tác đào tạo nguồn nhân lực tại vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vùng biên giới, vùng đặc biệt khó khăn…

Các điểm cầu tham gia phiên họp trực tuyến
Các điểm cầu tham gia Phiên họp trực tuyến

Kết luận Phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhận định việc chuyển đổi số đang là xu thế mang tính toàn cầu, chính vì vậy cả hệ thống chính trị cần phải đoàn kết, thống nhất bắt tay thực hiện mục tiêu chuyển đổi số. Việc chuyển đổi số có tác động ảnh hưởng đến mọi người dân. Vì vậy, phải lấy người dân làm trung tâm để đặt mục tiêu, mọi chính sách đều hướng về người dân và doanh nghiệp để tạo sự đồng thuận…

Về các công việc cụ thể, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Cần nâng cao nhận thức tầm quan trọng của việc chuyển đổi số ở các cấp, các ngành và địa phương; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho việc chuyển đổi số; tiếp tục hoàn thiện các thể chế, cơ chế chính sách; triển khai chương trình phát triển công dân số; tích cực hợp tác hỗ trợ giữa các địa phương, các bộ ngành và hợp tác quốc tế rộng rãi, tránh tình trạng cục bộ, hình thức…