Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Thoát nghèo nhờ an cư lạc nghiệp

Văn Phong và CTV - 09:30, 15/12/2023

Sơn Hà là huyện vùng sâu, vùng xa, giao thông không thuận lợi của tỉnh Quảng Ngãi. Người dân thường sinh sống phân tán, tiềm năng thế mạnh không có gì đáng kể, vì thế kinh tế còn kém phát triển, đặc biệt là đời sống của bà con dân tộc thiểu số.

Gia đình ông Tôn được hỗ trợ vốn để xây mới căn nhà kiên cố trước mùa mưa bão
Gia đình ông Tôn được hỗ trợ vốn để xây mới căn nhà kiên cố trước mùa mưa bão

Giúp đồng bào dân tộc thiểu số an cư lạc nghiệp

Là một trong những địa phương có đông đồng bào DTTS sinh sống, huyện Sơn Hà có khoảng 64.398 nhân khẩu với hơn 87% là đồng bào DTTS. Do địa hình giao thông đi lại ở nhiều thôn, xã còn vất vả, đời sống bà con chủ yếu dựa vào nương rẫy nên nhiều hộ DTTS trên địa bàn huyện vẫn còn khó khăn, chưa đủ ăn, đủ mặc. Thời gian qua, các chính sách, chương trình, dự án ưu tiên giảm nghèo, đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS được triển khai trên địa bàn huyện bước đầu đã cho thấy những tín hiệu đáng mừng.

Triển khai Dự án 1 “Giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt” thuộc Chương trình MTQG 1719 giai đoạn 2021 – 2025, huyện Sơn Hà đã lên kế hoạch hỗ trợ xây dựng nhà ở cho gần 1.180 hộ nghèo. Chỉ tính riêng năm 2023, huyện Sơn Hà đã phân bổ kinh phí trên 8,8 tỷ đồng để hỗ trợ nhà ở cho gần 200 hộ nghèo trên địa bàn huyện.

Trước đây, gia đình ông Phan Tôn, xã Sơn Linh thuộc diện hộ nghèo của xã, vợ chồng ông lại hết khả năng lao động, nhiều năm nay phải sống trong căn nhà tạm bợ đã xập xệ có nguy cơ sụp đổ mỗi khi mùa mưa bão tới. Nay gia đình vợ chồng ông được hỗ trợ 40 triệu đồng cùng vay vốn lãi suất ưu đãi để xây dựng căn nhà mới khang trang, kiên cố. Cũng thuộc hoàn cảnh khó khăn trong xã Sơn Giang, gia đình chị Đinh Thị Mỳ không khỏi vui mừng khi được hỗ trợ để xây dựng căn nhà mới kiên cố, rộng rãi. Nhờ có căn nhà mới an toàn, khả năng chống chịu tác động thiên tai, đồng bào DTTS ở huyện Sơn Hà yên tâm sản xuất, canh tác, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống.

Người dân tộc thiểu số H’re được hỗ trợ vốn, kiến thức để nâng cao hiệu quả chăn nuôi. Ảnh: baoquangngai
Người dân tộc thiểu số H’re được hỗ trợ vốn, kiến thức để nâng cao hiệu quả chăn nuôi. Ảnh: baoquangngai

Ông Đỗ Văn Kiều, Chủ tịch xã Sơn Giang cho biết, đây là hành động vô cùng kịp thời cho đồng bào DTTS, đặc biệt là việc hỗ trợ xây dựng nhà ở được thực hiện trước mùa mưa lũ. UBND xã sẽ ưu tiên những gia đình phải sống trong cảnh tạm bợ có nguy cơ sụp đổ trước.

Hỗ trợ phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo

Bên cạnh việc hỗ trợ nhà ở cho đồng bào DTTS có hoàn cảnh khó khăn, huyện Sơn Hà đã sử dụng nguồn kinh phí được phân bổ vào việc hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi nhằm giúp nhiều hộ đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo.

Thôn Xà Ây, xã Sơn Cao có tới 91/226 hộ dân là hộ nghèo, đời sống của bà con dân tộc H’re còn nhiều khó khăn, vất vả. Nguồn thu nhập chính của các gia đình chủ yếu dựa vào nông, lâm nghiệp, tuy nhiên cũng không đủ trang trải cuộc sống. Gia đình anh Đinh Văn Kiếp là một trong những hộ nghèo của thôn, nguồn thu chủ yếu nuôi sống gia đình chỉ phụ thuộc vào 1ha keo và mấy sào lúa nước. Có đất, có nhân lực nhưng không có vốn đầu tư, cái nghèo vẫn bám lấy gia đình anh. Nay nhờ được hỗ trợ vay vốn và trang bị kiến thức, gia đình anh đã tham gia vào tổ chăn nuôi gà của xã (gồm có 10 thành viên và 2.800 con gà). 

Hiện tại, đàn gà phát triển rất tốt, anh Kiếp hy vọng nhờ số vốn có được từ việc bán gà, anh có thể mở rộng quy mô chăn nuôi, có thêm thu nhập cho gia đình. Với ưu thế là diện tích đất đai rộng lớn, xã Cao Sơn có đủ lợi thế để phát triển đàn bò, heo, chăn nuôi gia cầm. Tuy nhiên, thời gian qua người dân không có kinh phí để mua giống đầu tư cũng như không được trang bị kiến thức. Nhờ việc cho vay vốn kịp thời và hiệu quả, nhiều gia đình DTTS trên địa bàn xã đã có cơ hội để thoát nghèo.

Với nhiều gia đình dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn việc xây dựng được ngôi nhà mới có ý nghĩa rất lớn.
Với nhiều gia đình dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn việc xây dựng được ngôi nhà mới có ý nghĩa rất lớn.

Cũng nhờ Chương trình MTQG 1719, chị Đinh Thị Quy, thị trấn Di Lăng cũng đã thoát nghèo, cuộc sống bớt chật vật nhờ được hướng dẫn hái rau rừng về cung ứng cho siêu thị. Trước đây, thu nhập của gia đình chị chủ yếu phụ thuộc vào diện tích keo, trồng lúa nước. Nay mỗi tháng chị đã có thêm thu nhập hơn 2 triệu đồng giúp trang trải thêm chi phí cho cuộc sống, cho con cái học hành.

Tại Quảng Ngãi, Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi được triển khai thực hiện từ giữa cuối năm 2022 đến nay. Mặc dù chỉ trong thời gian ngắn nhưng tỉnh đã có nhiều tác động tích cực đến kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi trên địa bàn tỉnh.

Thông qua chương trình, các huyện miền núi tỉnh Quảng Ngãi đã sử dụng nguồn kinh phí được phân bổ để đầu tư mua cây trồng, vật nuôi, đồng thời nuôi hỗ trợ nhiều hộ đồng bào DTTS phát triển kinh tế. Nhiều dự án của Chương trình phát huy hiệu quả, giúp đồng bào ở các huyện miền núi Quảng Ngãi vươn lên thoát nghèo.