Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Thổ cẩm Xơ Đăng rực rỡ trên vùng cao Trà Mai

Hồng Phúc - Văn Sơn - 18:12, 11/05/2025

Trong sinh hoạt thường ngày cũng như những dịp lễ hội truyền thống, đồng bào Xơ Đăng ở huyện Nam Trà My (tỉnh Quảng Nam) luôn ý thức gìn giữ và phát huy trang phục truyền thống – một biểu tượng đặc sắc phản ánh chiều sâu văn hóa dân tộc. Tại xã Trà Mai, nghề dệt thổ cẩm không chỉ là sinh kế mà còn là nhịp sống, là linh hồn của người Xơ Đăng giữa đại ngàn.

Chị Hồ Thị Nhân - phụ nữ Xơ Đăng (ngồi ngoài bên trái) đang chi sẻ kinh nghiệm dệt cùng với Huyền ở làng dệt thổ cẩm Lăng Bốc (thôn 1) xã Trà Mai
Chị Hồ Thị Nhân (ngồi ngoài bên trái) đang chia sẻ kinh nghiệm dệt cùng với chị Huyền ở làng dệt thổ cẩm Lăng Bốc (thôn 1) xã Trà Mai

Từ thị trấn Tắc Pỏ – trung tâm huyện Nam Trà My, chúng tôi men theo con đường bê tông rộng rãi, uốn lượn giữa núi rừng, để đến với làng dệt thổ cẩm truyền thống Lăng Bốc, xã Trà Mai. Trong cái nắng hanh nhẹ trải đều khắp núi rừng, Trà Mai hiện lên thanh bình và đậm sắc văn hóa, như một bức tranh thổ cẩm sống động giữa đại ngàn.

Trên đường đi, anh Hồ Văn Công – Chuyên viên Văn phòng Ủy ban xã Trà Mai giới thiệu với chúng tôi, xã Trà Mai có 3 thôn; dân số 5.222 người. Cơ cấu dân số theo tỷ lệ đồng bào dân tộc Xơ Đăng chiếm hơn 77,2%, còn lại dân tộc Kinh và các dân tộc khác chiếm 22,8% sinh sống rải rác tại thôn 1, thôn 2 và thôn 3. Nghề dệt thổ cẩm của người Xơ Đăng nơi đây đã có từ rất lâu đời.

Theo thống kê của Văn phòng Ủy ban xã Trà Mai thì đến nay nhà nào cũng có bộ đồ dùng trong nghề dệt như: dụng cụ tách bông, dụng cụ bật bông, dụng cụ làm tơi bông, xa quay sợi, xa kéo sợi, khung kéo sợi, khung dệt, v.v...

Ngồi bên khung dệt, vừa thoăn thoắt đôi tay vừa dõi mắt chăm chú, chị Hồ Thị Huyền (37 tuổi), một phụ nữ Xơ Đăng ở làng Lăng Bốc (thôn 1, xã Trà Mai) chia sẻ với chúng tôi về nét đẹp văn hoá truyền thống qua từng tấm vải thổ cẩm: Học dệt không khó lắm đâu, chỉ mất khoảng 7 ngày là có thể dệt được một tấm vải với hoa văn cơ bản. Nhưng để làm ra những họa tiết cầu kỳ, đậm chất thẩm mỹ thì phải mất nhiều thời gian hơn – có khi vài năm. Điều quan trọng nhất khi dệt thổ cẩm là phải tỉ mẩn, cẩn thận, khéo tay và biết lắng nghe, học hỏi từ người già trong làng.

Chị Huyền cho rằng, với 1 tấm thổ cẩm rộng 1 mét, dài 3 mét với nhiều dãi màu thì dệt mất từ 1 tháng 3 tháng mới xong
Chị Huyền cho rằng, với 1 tấm thổ cẩm rộng 1 mét, dài 3 mét với nhiều dải màu thì dệt mất từ 1 tháng 3 tháng mới xong

Từ nhỏ, chị Huyền đã yêu thích nghề dệt và được mẹ cùng các bà, các chị trong làng truyền dạy những kỹ thuật, bí quyết để tạo nên một tấm vải đẹp. Nhờ vậy, các sản phẩm thủ công của chị ngày càng được nhiều người yêu thích và tìm mua. Mỗi tấm thổ cẩm đều mang theo một câu chuyện – có thể là tình mẫu tử, tình yêu đôi lứa hay biểu trưng cho sức sống mãnh liệt của người Xơ Đăng nơi vùng cao này. Tùy vào sở thích, cảm hứng hay kinh nghiệm, mỗi người thợ dệt có thể gửi gắm ước vọng, niềm tin, thậm chí lời cầu khấn đến thần linh qua từng đường kim mũi chỉ.

“Không chỉ là kế sinh nhai, nghề dệt thổ cẩm với chúng em còn là cách gìn giữ những giá trị văn hóa đặc sắc của dân tộc. Một ngày công chỉ khoảng 250 - 300 nghìn đồng, nhưng nếu tính bằng công sức và tâm huyết thì chẳng thể định giá được. Chỉ có tình yêu nghề, lòng đam mê truyền từ đời này sang đời khác mới tạo nên những tấm thổ cẩm rực rỡ sắc màu giữa đời sống cộng đồng hôm nay”, chị Hồ Thị Huyền cho biết thêm.

Dù cuộc sống có đổi thay, nghề dệt vẫn âm thầm tồn tại, như một mạch nguồn văn hóa chảy mãi trong tim người Xơ Đăng. Để làm ra một tấm thổ cẩm truyền thống của người Xơ Đăng là cả một quá trình dài, công phu và đầy tâm huyết. Không chỉ cần tay nghề cao, người phụ nữ Xơ Đăng còn phải thật tỉ mỉ, khéo léo và kiên nhẫn chăm chút từng sợi tơ, từng đường chỉ.

Một sản phẩm hoàn chỉnh thường phải trải qua ít nhất 5 công đoạn chính: phơi bông, làm bông mịn, nhuộm sợi (thường với các màu truyền thống như đen, đỏ, vàng), phơi sợi và cuối cùng là dệt. Trong đó, giai đoạn dệt là công đoạn mất nhiều thời gian và công sức nhất. Thời gian hoàn thành một sản phẩm phụ thuộc vào độ cầu kỳ của bố cục, họa tiết và kích thước tấm vải. Nhìn vào hoa văn, người Xơ Đăng có thể hiểu được tâm tư, ước vọng mà người dệt gửi gắm. Vì vậy, mỗi cô gái Xơ Đăng không chỉ học cách tách bông, kéo sợi, nhuộm màu mà còn luôn khát khao sáng tạo, tìm kiếm hoa văn mới để thể hiện nỗi lòng qua từng tấm vải.

Trung bình, một người dệt giỏi mất từ 3 đến 5 ngày để hoàn thành một sản phẩm đơn giản, trong khi người mới dệt có thể cần từ 10 đến 15 ngày. Với những tấm vải lớn – rộng từ 60cm đến 1 mét, dài từ 2,5 đến 4 mét và có nhiều dải màu – thời gian hoàn thiện có thể kéo dài từ 1 đến 3 tháng. Riêng những tấm thổ cẩm có hoa văn phức tạp, tinh xảo, thời gian dệt có thể lên đến 5–6 tháng, chưa kể công đoạn chuẩn bị nguyên liệu.

Sản phẩm nghề dệt thổ cẩm của người Xơ Đăng làng Lăng Bốc (thôn 1) xã Trà Mai luôn được lớp trẻ Xơ Đăng mua mặc rất nhiều
Những cô gái Xơ Đăng trong trang phục thổ cẩm

Anh Hồ Văn Công cho biết, từ năm 2017, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Nam Trà My đã phối hợp với Phòng Kinh tế - Hạ tầng tổ chức 3 lớp dạy nghề dệt thổ cẩm cho phụ nữ tại các thôn 1, 2 và 3 của xã Trà Mai, thu hút hơn 60 học viên tham gia. Dù nghề truyền thống vẫn được gìn giữ, song đầu ra cho sản phẩm còn nhiều hạn chế. Sản phẩm chủ yếu được bà con mua để dùng trong các dịp lễ hội, làm quà tặng cho con gái, con trai hay người thân kết hôn, đi ở rể tại các xã khác. Ngoài ra, một số trường dân tộc nội trú trong xã và huyện cũng đặt mua sản phẩm để phục vụ sinh hoạt học đường.

Về giá cả, mỗi tấm áo cột tay dành cho nam sinh có giá từ 200.000 – 250.000 đồng; khố khoảng 350.000 – 400.000 đồng; váy ngắn từ 300.000 – 350.000 đồng; váy dài từ 500.000 – 600.000 đồng; tấm địu trẻ em khoảng 400.000 đồng. Tuy nhiên, so với công sức và thời gian mà người phụ nữ bỏ ra, thu nhập từ nghề dệt vẫn còn khá thấp. Dù vậy, phụ nữ Xơ Đăng ở Trà Mai vẫn ngày ngày bám khung, giữ nghề như giữ một phần hồn cốt văn hóa của dân tộc mình.

Ông Nguyễn Đình Bình – Chủ tịch UBND xã Trà Mai chia sẻ: “Khi huyện Nam Trà My triển khai Đề án Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số giai đoạn 2017–2025, định hướng đến năm 2030, nghề dệt thổ cẩm truyền thống của người Xơ Đăng được xác định là một nét văn hóa cần bảo tồn. Địa phương đang tạo điều kiện để người dân học nghề, đồng thời đẩy mạnh quảng bá, kết nối với các điểm bán hàng lưu niệm và doanh nghiệp du lịch nhằm mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm”.

Tuy nhiên, theo ông Bình, hiện nay số nghệ nhân giỏi, tâm huyết với nghề đang ngày một ít đi. Nghề dệt thổ cẩm truyền thống đứng trước nguy cơ mai một nếu không có sự vào cuộc mạnh mẽ từ các cấp, các ngành. Việc bảo tồn và phát huy nghề dệt không chỉ đơn thuần là gìn giữ một nghề thủ công, mà còn là cách để khẳng định bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số nói chung và người Xơ Đăng ở xã Trà Mai nói riêng.

Tin cùng chuyên mục
Bình Gia (Lạng Sơn): Huy động các nguồn lực ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng

Bình Gia (Lạng Sơn): Huy động các nguồn lực ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng

Trong những năm qua, huyện Bình Gia (Lạng Sơn) đã huy động các nguồn lực để ưu tiên đầu tư để xây dựng cơ sở hạ tầng. Nhiều công trình giao thông, trường học, nước sinh hoạt từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia và các nguồn vốn xã hội hóa đã hoàn thành, đưa vào sử dụng, góp phần thay đổi diện mạo nông thôn và đời sống đồng bào các DTTS trên địa bàn.