Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Thiếu việc làm vì dịch Covid -19- Cảnh báo hệ lụy

Thiên Đức - 11:36, 13/07/2021

Thời gian qua, tình hình dịch Covid -19 diễn biến phức tạp, nhiều địa phương buộc phải giãn cách xã hội, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sản xuất, kinh doanh, lao động việc làm. Đặc biệt là ở địa bàn có đường biên, cửa khẩu, nhiều người lao động lao đao vì thiếu việc làm, từ đó gây ra không ít hệ lụy.


Đối tượng H.H.G tại cơ quan công an huyện Hà Quảng
Đối tượng H.H.G tại cơ quan công an huyện Hà Quảng

Thiếu việc làm và những hệ luỵ

Bà Lã Thị Hôm, ở xã Bắc Lãng, huyện Đình Lập (Lạng Sơn) có 3 người con đều đi làm ăn xa; trong đó có anh H.V.B. làm việc ở cửa khẩu Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh cách nhà 100 cây số. Thời điểm trước khi bị ảnh hưởng của dịch Covid 19, anh B. có thuê 1 cửa hiệu cắt tóc khá lớn nên thu nhập rất tốt. Mỗi tháng anh có thể kiếm được 20 – 30 triệu đồng. 

Tuy nhiên, từ đầu năm 2020, khi dịch Covid 19 xâm nhập vào Việt Nam, cửa khẩu lúc mở lúc đóng, tiền anh B. làm ra không đủ để bù lỗ cho việc thuê nhà, thuê nhân công và đầu tư máy móc. Vì thế đầu năm 2021, anh B phải đóng cửa hàng, về địa phương sinh sống.

Về lại địa phương, anh B không những không có thu nhập mà còn nợ ngân hàng gần 200 triệu đồng (tiền đầu tư cửa hàng cắt tóc). Anh B. tỏ ra chán trường, thường hay rượu chè. 

Vào đầu tháng 2/2021 vừa qua, anh B. cùng nhóm bạn tụ tập uống rượu rồi va chạm giao thông buộc phải vào bệnh viện. Không dừng lại ở đây, khi vào bệnh viện nhóm người này còn gây rối trật tự công cộng, hành hung bác sĩ. Theo đó, nhóm của anh B. đã bị tòa án xét xử về tội cố ý gây rối trật tự công cộng theo điều 245 Bộ luật Hình sự.

Không riêng trường hợp anh B., ở các địa bàn biên giới, nhiều trường hợp "nhàn cư" do bị ảnh hưởng bởi dịch, cũng đã gây ra những hành vi vi phạm pháp luật. Đơn cử, đầu tháng 6 vừa qua, Công an huyện Hà Quảng (Cao Bằng) đã bắt giữ đối tượng H.H.G., trú tại xã Sóc Hà, huyện Hà Quảng, về hành vi trộm cắp tài sản và tàng trữ trái phép chất ma túy. 

Theo khai nhận của G. tại cơ quan công an, trước đây, G vẫn thường xuyên làm cửu vạn tại khu vực đường biên tỉnh Cao Bằng. Tuy nhiên, từ đầu năm 2020 đến nay, cửa khẩu thường xuyên bị đóng cửa, G. lang thang không có việc làm, từ đó sinh ra nghiện ma túy. Khi không có tiền đối tượng này đành liều đi ăn cắp và sa lưới pháp luật.

Trong mùa dịch, người lao động vùng biên tỉnh Quảng Ninh có việc làm không còn nhiều. Ảnh: Tư liệu
Trong mùa dịch, người lao động vùng biên tỉnh Quảng Ninh có việc làm không còn nhiều. Ảnh: Tư liệu

Chú trọng tới đối tượng yếu thế

Theo báo cáo của Tổng cục thống kê, làn sóng dịch Covid-19 bùng phát trở lại vào những ngày cuối tháng Tư, đã ảnh hưởng đến đà khôi phục việc làm và cải thiện thu nhập của người lao động trong quý II/2021. Theo đó, quý II/2021, cả nước có 12,8 triệu người từ 15 tuổi trở lên, trong đó có rất nhiều lao động ở vùng biên giới bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19. 

Tình trạng lao động phi chính thức (lao động tự do) ở mức 57,4%, cao nhất trong 3 năm trở lại đây. Tỷ lệ lao động phi chính thức khu vực thành thị là 48,6%; khu vực nông thôn là 64,5%.

Ông Nguyễn Trung Tiến, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết, bức tranh về tình hình lao động việc làm quý II năm 2021, đã phản ánh những khó khăn và biến động của nền kinh tế nói chung và thị trường lao động Việt Nam nói riêng, trong đó có lao động vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới.

Thời gian qua, Tổng cục Thống kê đề xuất một số giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho thị trường lao động. Cụ thể như, trong đợt bùng phát dịch Covid -19 lần này, thay vì áp dụng các biện pháp khẩn cấp, tạm thời, Việt Nam đã tiến hành mục tiêu kép, vừa quyết liệt phòng chống dịch hiệu quả, vừa tháo gỡ khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp và người lao động.

Đặc biệt, vừa qua, Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 68/NQ-CP ngày 1/7/2021 về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn trong đại dịch Covid- 19, với gói hỗ trợ 26 nghìn tỷ đồng.

Tuy nhiên, cùng với các giải pháp của Trung ương, thì thời gian này, các địa phương, nhất là các địa phương vùng DTTS và miền núi, vùng biên giới, cần chủ động hơn nữa việc xem xét, áp dụng các giải pháp cụ thể, phù hợp với tình hình thực tiễn, giúp lao động, nhất là lao động vùng sâu, vùng xa vùng DTTS tìm kiếm việc làm phù hợp. Chú trọng phát triển hệ thống Trung tâm dịch vụ việc làm, nhất là hình thức sàn giao dịch trực tuyến nhằm tăng cường kết nối cung – cầu lao động. 

Đặc biệt, chính quyền các cấp cần quan tâm, tập trung hỗ trợ nhiều hơn đến đối tượng yếu thế trong xã hội (công nhân, buôn bán nhỏ, lao động phi chính thức,…). Đây là những đối tượng dễ bị tổn thương khi việc thực hiện giãn cách xã hội. Đồng thời, việc triển khai gói hỗ trợ của Chính phủ tới các đối tượng cần có sự công bằng, minh bạch đảm bảo đúng người đúng việc, qua đó giải quyết những khó khăn trước mắt cho đối tượng mất việc làm, đối tượng yếu thế...