Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Thiết lập chính sách tài chính vi mô: Thúc đẩy giảm nghèo, đẩy lùi “tín dụng đen”

PV - 10:38, 09/03/2018

Hiện nay, chính sách tín dụng ở khu vực nông thôn, miền núi còn nhiều bất cập, việc cung cấp tín dụng đến các hộ nghèo, hộ DTTS còn hạn chế. Đây là một trong những nguyên nhân khiến “tín dụng đen” hoành hành, gây nhiều hệ lụy.

Vì “tín dụng đen”, nhiều nông dân phải bán trâu, bò để trả nợ. Ảnh: MH Vì “tín dụng đen”, nhiều nông dân phải bán trâu, bò để trả nợ. Ảnh: MH

 

Vay 1 triệu đồng, trả 1,5 triệu đồng

Năm 2008, dự án Hồ Nước Trong, hồ chứa nước thủy lợi lớn nhất tỉnh Quảng Ngãi, được triển khai. Để thực hiện dự án, 450 hộ đồng bào DTTS thuộc hai huyện Tây Trà và Sơn Hà phải di dời, được hỗ trợ đền bù giải phóng mặt bằng với số tiền lên tới 342 tỷ đồng.

Riêng xã Trà Thọ (huyện Tây Trà) có 158 hộ, nhận đền bù với tổng số tiền là 39 tỷ đồng. Trong đó, 19 tỷ đồng đầu tư khu tái định cư, 20 tỷ đồng được trao trực tiếp cho người dân. Ban quản lý dự án cùng chính quyền địa phương đã niêm yết công khai danh sách các hộ nhận bồi thường tại trụ sở UBND xã.

Điều này là hoàn toàn đúng quy định, nhưng lại vô tình “vẽ đường” cho các đối tượng cho vay nặng lãi tìm đến trục lợi. Biết các hộ dân di dời có nhu cầu tiền mặt trong khi chờ nhận tiền bồi thường, các đầu nậu đã “chi trước”; chỉ cần giao dịch “ngầm” là xong, khi nào có tiền thì trả. Dù lãi suất rất cao (50%, vay 1 triệu đồng thì trả 1,5 triệu đồng-PV) nhưng bà con vẫn cứ vay.

Như anh Đinh Văn Khánh (30 tuổi) không nhớ đã vay bao nhiều lần, chỉ nhớ lần ít nhất 7 triệu đồng, lần nhiều nhất 50 triệu đồng. Đến khi nhận được tiền bồi thường, người cho anh vay tới tận nhà đòi anh phải trả 400 triệu đồng. Tiền nhận được không đủ trả tiền vay, anh Khánh buộc phải rao bán 2ha rừng sản xuất với giá 100 triệu đồng để trả.

Theo thống kê của UBND xã Trà Thọ, trong số 158 hộ nhận bồi thường trên địa bàn, có tới 80% hộ vay “tín dụng đen” lãi suất 50%. Nhiều người trả nợ xong lâm vào cảnh tay trắng.

Các trường hợp vay nặng lãi chủ yếu để tiêu dùng (xây nhà, mua xe máy, điện thoại,…). Nhưng cũng có một số hộ vay để đầu tư sản xuất tại nơi ở mới. Nhưng họ vẫn không thoát được chiếc thòng lọng của “tín dụng đen”.

Như trường hợp ông Hồ Văn Tập, ở thôn Tre (xã Trà Thọ). Khi biết gia đình sẽ được nhận 600 triệu đồng tiền bồi thường di dời, dù lãi suất 50% nhưng ông vẫn quyết “vay nóng” để mua 2ha rẫy, mua thêm bò về nuôi và xây thêm nhà cho con. Trong khi chờ bò lớn, rẫy cho thu hoạch, ông lại phải vay để chi tiêu sinh hoạt hằng ngày. Để rồi, tháng 9/2017, nhận 600 triệu đồng tiền bồi thường, không kịp cất vào tủ thì ông đã phải trao cho người khác để trả nợ.

Theo ông Hồ Tấn Vũ, Chủ tịch UBND xã Trà Thọ, dù chính quyền địa phương đã nhiều lần giải thích, khuyên bà con không vay trước trả sau, không vay nặng lãi nhưng người dân vẫn làm liều. Do vậy, khi nhận tiền cũng là lúc các chủ nợ vây quanh. Dự định mua đất trồng rừng, chăn nuôi, làm kinh tế khi đến nơi ở mới vì thế cũng dở dang. Nhiều hộ đồng bào rẻo cao tái nghèo trên vùng đất mới.

Giải pháp đầy lùi “tín dụng đen”

Không chỉ riêng xã Trà Thọ mà ở nhiều vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS, vấn nạn “tín dụng đen” đang gây ra rất nhiều hệ lụy cho người dân. Hàng vạn hộ gia đình phải vay nợ tư nhân với lãi suất rất cao, khiến cuộc sống mãi ngập trong nợ nần, con đường thoát nghèo bị chặn đứng.

Điều đáng lo ngại bản chất của “tín dụng đen” là giao dịch “ngầm”, mang tính chất dân sự nên chính quyền địa phương, cũng như các cơ quan chức năng rất khó can thiệp. Chính vì vậy, hiện rất ít địa phương có số liệu thống kê cụ thể những gia đình đang điêu đứng vì “tín dụng đen”.

Một nghiên cứu độc lập của tổ chức Liên minh “Vì quyền của nông dân và hiệu quả của nền nông nghiệp Việt Nam” cho thấy, một tỷ lệ rất lớn các hộ nông dân DTTS đang phải gánh các khoản nợ khác nhau, với mức độ nợ từ 50-240 triệu đồng. Đáng chú ý, phần lớn các hộ dân này đang phải vay nặng lãi để đầu tư cho sản xuất, với lãi suất lên tới 50-60%/năm.

Số liệu này cũng phù hợp với nội dung trả lời chất vấn của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng tại Kỳ họp thứ Tư, Quốc hội khóa XIV (ngày 16-17/11/2017). Ông Hưng thừa nhận, vấn nạn “tín dụng đen” đang hoành hành ở nhiều vùng nông thôn, khu vực miền núi là “vùng tối” của ngành Ngân hàng trong những năm qua, là vấn đề đã được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo rà soát, ngăn chặn.

Thống đốc Lê Minh Hưng cho rằng, ngành Ngân hàng phải chủ động tham gia để có giải pháp giảm thiểu tác động tiêu cực của tình hình trên. Ở các vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa, giải pháp đặt ra là tiếp tục xem xét mở rộng thêm mạng lưới ngân hàng thương mại.

Nhận định này hoàn toàn phù hợp với thực trạng hoạt động tín dụng ở vùng nông thôn, khu vực miền núi. Tại Diễn đàn chính sách nông nghiệp Việt Nam do Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (trực thuộc Trường Đại học Kinh tế-Đại học Quốc gia Hà Nội) tổ chức ngày 29/9/2017, các đại biểu cho rằng, chính sách tín dụng nông nghiệp nông thôn ở Việt Nam còn nhiều bất cập, các ngân hàng thương mại chưa thâm nhập được hết khu vực nông thôn rộng lớn, việc cung cấp tín dụng đến các hộ nghèo, hộ DTTS ở vùng sâu, vùng xa, vùng miền núi bị hạn chế. Đây chính là một phần nguyên nhân, khiến vấn nạn “tín dụng đen” có điều kiện để nở rộ, gây nhiều hệ lụy.

Một trong những giải pháp để đẩy lùi “tín dụng đen” được các chuyên gia Ngân hàng đề xuất, là thiết lập chính sách tài chính vi mô (hệ thống tín dụng quy mô nhỏ chuyên nghiệp phục vụ nông nghiệp nông thôn, cho vay theo tổ, nhóm và hợp tác xã,…) đến vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS. Tuy nhiên, hiện chúng ta vẫn chưa định hình một cách rõ ràng về chính sách tài chính vi mô.

Theo cách hiểu hiện nay, tài chính vi mô, là việc cấp cho các hộ gia đình rất nghèo các khoản vay rất nhỏ (gọi là tín dụng vi mô), nhằm mục đích giúp họ tham gia vào các hoạt động sản xuất, hoặc khởi tạo các hoạt động kinh doanh nhỏ.

Thực tế, bản chất của tài chính vi mô không phải chỉ là quy mô của khoản vay, mà còn được định hình bằng cơ chế, cấu trúc khác. Tài chính vi mô hoàn toàn khác với khoản vay thương mại thông qua hệ thống tài chính truyền thống. Tuy nhiên, thực tế đang thiếu vắng những thể chế được khẳng định, thiết lập rõ ràng về tài chính vi mô. Trong tương lai cần gây dựng hệ thống thống tài chính vi mô để tạo sự ổn định, bền vững ở nông nghiệp nông thôn.

SỸ HÀO