Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Thiêng liêng Gạc Ma những ngày tháng Ba

PV - 11:57, 14/03/2023

Những ngày tháng Ba này, muôn triệu trái tim Việt Nam hướng về Gạc Ma, quần đảo Trường Sa - một phần lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc.


Toàn cảnh khu tưởng niệm Gạc Ma, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa
Toàn cảnh khu tưởng niệm Gạc Ma, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa

Nhớ 14/3/1988 - ngày Biển Đông dậy sóng, thành kính tri ân 64 người con ưu tú của Tổ quốc đã anh dũng hy sinh vì chủ quyền đất nước, lại đau đáu nỗi niềm "Một tấc biển cắt rời, vạn tấc đất đớn đau"... Và suốt 35 năm qua, dù bão tố dập dờn, nhưng Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam vẫn hiên ngang giữa muôn trùng ngọn sóng.

Tàu Cảnh sát biển 2012 của Hải đội 202, Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 2, neo đậu ở cảng Cửa Việt, tỉnh Quảng Trị. Đứng trên mũi tàu, Thiếu tá Trần Văn Hồng nhìn ra khơi xa, nơi đơn vị của anh có trách nhiệm quản lý, bảo vệ. Đó là vùng biển từ phía Nam huyện đảo Cồn Cỏ (Quảng Trị) đến cù lao Xanh (Bình Định), toàn bộ Hoàng Sa và một phần phía Bắc của Trường Sa. Đó cũng là nơi Thiếu úy Trần Văn Phương - anh trai của Thiếu tá Trần Văn Hồng, cùng 63 đồng đội đã hy sinh ngày 14/3/1988 trong trận hải chiến bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc tại các đảo Gạc Ma, Cô Lin, Len Đao.

"Khi đó, tôi vừa mới học xong cấp 3, đang có ý định đi lao động ở nước ngoài. Khi được biết anh Phương chỉ huy đồng đội trên đảo quyết giữ quốc kỳ, dũng cảm kiên trung, tôi thay đổi quyết định. Tôi muốn làm một điều gì đó ở khu vực anh hy sinh,... bảo vệ Tổ quốc từ nơi đầu sóng, ngọn gió"- Thiếu tá Trần Văn Hồng trầm giọng nói.

Nhớ lại những ngày tháng 3 năm 1988 khi hung tin từ Trường Sa bay về mảnh đất Ba Đồn, Quảng Bình, Thiếu tá Trần Văn Hồng kể bằng chất giọng trầm lắng: Khi biết tin kẻ thù nổ súng đánh chiếm Gạc Ma, gia đình chưa biết anh Phương và các đồng đội đã vĩnh viễn nằm lại giữa biển khơi. "Đến hôm sau, chúng tôi mới biết tin. Các anh bên quân đội đến nhà thông báo danh sách những người hy sinh, trong đó có anh Phương. Lúc đó, cả gia đình sốc, khóc không thành tiếng" - Thiếu tá Trần Văn Hồng nói.

Sau giây phút trầm tư, Thiếu tá Trần Văn Hồng chia sẻ, gia đình có bốn anh em trai. Anh Phương là lớn nhất và rất thương yêu các em. Nhà làm nông, kinh tế khó khăn, hiểu hoàn cảnh, mọi công việc vất vả trong nhà, anh đều gánh hết. Mùa Đông, bốn anh em ngủ chung một giường, đắp chung một chăn. Thấy các em nằm lạnh cứ kéo chăn bên này lại kéo chăn bên kia, anh nhường chăn cho các em, chỉ lấy tờ báo cũ đắp lên người mình. Rồi bữa cơm, anh nhường một phần cơm độn khoai của mình cho các em đủ no.

"Càng nhớ lại càng thương anh…", Thiếu tá Trần Văn Hồng mắt ngấn lệ.

Hồi tưởng những ngày sau đó, Thiếu tá Trần Văn Hồng kể, anh đã tình nguyện viết đơn tham gia nghĩa vụ quân sự. Khi nghe anh trình bày nguyện vọng của mình, các thủ trưởng của Quân chủng Hải quân đã đồng ý cho Trần Văn Hồng nhập ngũ. Đầu năm 1989, anh nhập ngũ và nhận nhiệm vụ tại Lữ đoàn 146, Vùng 4 Hải quân - đơn vị của anh Phương trước đây.

Sau một thời gian, các thủ trưởng ở Vùng 4 Hải quân cử Trần Văn Hồng đi học sơ cấp môn kỹ thuật và biên chế anh về Lữ đoàn tàu vận tải, đổ bộ 955. Lúc đó, đây là đơn vị vận tải chịu trách nhiệm về công tác hậu cần cho Trường Sa. Sau này, Lữ đoàn còn có nhiệm vụ chi viện, tiếp tế, cứu hộ, cứu nạn... rồi tuần tiễu, quản lý, bảo vệ các hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí, bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Đăm đăm ánh mắt về phía mênh mông biển trời xanh ngắt, Thiếu tá Trần Văn Hồng hồi tưởng những hải trình thực hiện nhiệm vụ ở vùng biển Trường Sa. Từ trên tàu thấy rõ đảo Sinh Tồn, đảo chìm Cô Lin, đảo chìm Len Đao, gần đó là căn cứ quân sự mà quân xâm lược ngang ngược xây dựng trái phép trên đảo Gạc Ma của Việt Nam..., Thiếu tá Trần Văn Hồng chia sẻ: Từ xa, nhìn vào khu vực người anh ruột thịt của mình đã hy sinh, cảm giác thật khó tả. Cứ nghĩ đến lúc anh hy sinh như thế nào lại không cầm được nước mắt. Thương nhớ nhiều lắm!

"Hồi anh Phương mất, mộ anh cùng ba đồng đội nằm ở cụm đảo Sinh Tồn. Đến mùa Hè năm 1992, Quân chủng mới đưa được anh và đồng đội về đất liền. Ngày đó, chính tàu của tôi ra đưa anh về. Tới đất liền, xe của đơn vị đưa anh về Nghĩa trang Liệt sỹ xã Quảng Phúc. Được lên đảo thắp hương tại mộ anh, được ra vào, thăm anh, tâm nguyện của tôi đã hoàn thành", Thiếu tá Trần Văn Hồng nhớ lại.

Lặng lẽ nghe sóng vỗ vào mạn tàu, Thiếu tá Trần Văn Hồng hình dung quãng thời gian hơn 30 năm gắn bó với biển đảo Tổ quốc. Đó là 10 năm công tác tại Lữ đoàn 955 rồi từ năm 2001 đến nay, anh chuyển về nhận nhiệm vụ tại Cảnh sát Biển khi lực lượng này được thành lập theo yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Đây là lực lượng có nhiệm vụ đảm bảo an ninh, chủ quyền vùng biển đảo Tổ quốc, đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật trên biển…

Với tàu Cảnh sát biển 2012, Thiếu tá Trần Văn Hồng và đồng đội tham gia đấu tranh ngăn chặn tội phạm trên vùng biển Tây Nam của Tổ quốc. Rồi năm 2014, tàu Cảnh sát biển 2012 tham gia thực thi pháp luật, ngăn chặn giàn khoan HD 981 hoạt động bất hợp pháp trên thềm lục địa của Việt Nam. Hiện nay, anh cùng các đồng đội tàu Cảnh sát biển 2012 và lực lượng Cảnh sát Biển tích cực tuyên truyền, phổ biến pháp luật về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo đúng quy định (IUU) cho ngư dân…

Với Thiếu tá Trần Văn Hồng và các đồng đội của mình, tình yêu sống còn với biển đảo không chỉ là nhiệm vụ của người lính Hải quân nhân dân Việt Nam mà còn là trách nhiệm, là máu thịt của mỗi người dân đất Việt, quyết giữ gìn và bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Tin cùng chuyên mục
Sóc Trăng: Người có uy tín góp sức bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới

Sóc Trăng: Người có uy tín góp sức bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới

Những năm qua, Người có uy tín trong vùng đồng bào DTTS trên địa bàn khu vực biên giới biển của tỉnh Sóc Trăng luôn phát huy vai trò của mình trong các hoạt động tuyên truyền, vận động Nhân dân tích cực tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới. Đồng thời, họ còn là những “cột mốc sống” mẫu mực chung tay xây dựng, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.