Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Thế giới vượt ngưỡng 271 triệu ca nhiễm COVID-19

PV - 09:41, 15/12/2021

Tính đến sáng 15/12, thế giới ghi nhận 271.700.619 trường hợp mắc COVID-19, với 5.336.310 ca tử vong. Nhiều nước vẫn đang trong lộ trình mở cửa thận trọng, song nguy cơ tái bùng phát dịch vẫn chưa được đẩy lùi cùng với sự xuất hiện của biến thể Omicron dễ lây lan hơn.

Các chuyên gia y tế nghiên cứu về biến thể Omicron tại một phòng thí nghiệm ở thủ đô Ankara, Thổ Nhĩ Kỳ, ngày 14/12/2021. (Ảnh: Xinhua)
Các chuyên gia y tế nghiên cứu về biến thể Omicron tại một phòng thí nghiệm ở thủ đô Ankara, Thổ Nhĩ Kỳ, ngày 14/12/2021. (Ảnh: Xinhua)

Còn về diễn biến dịch bệnh, số liệu thống kê cụ thể trên worldometers.info vào sáng 15/12 cho thấy, hiện toàn thế giới có 244.198.698 ca nhiễm COVID-19 được công bố khỏi bệnh (chiếm 98% tổng số ca mắc). Trong số 22.165.611 ca bệnh đang điều trị thì có 22.076.206 ca ở thể nhẹ (chiếm 99,6%) và 89.405 ca (chiếm 0,4%) còn lại trong tình trạng nghiêm trọng.

Xét theo quy mô toàn khu vực, số liệu mới cập nhật trên worldometers.info cho thấy tổng số ca nhiễm COVID-19 tại châu Âu là 78.785.196 trường hợp, trong đó có 1.468.954 ca tử vong và 68.948.596 ca được điều trị khỏi. Trong 24 giờ qua, số ca nhiễm và tử vong mới vì COVID-19 tại châu Âu cao nhất thế giới, lần lượt là 360.537 và 4.239 trường hợp. Cùng với sự lây lan đáng lo ngại của biến thể Omicron, Châu Âu hiện là tâm dịch của thế giới với số ca mắc mới tăng mạnh ở nhiều nước thuộc châu lục.

Ngày 14/12, chuyên gia của Bộ Y tế Italy Walter Ricciardi dự báo số ca nhiễm biến thể Omicron mới và dễ lây nhiễm hơn của virus SARS-CoV-2 có khả năng tăng cao ở quốc gia này. Ông Ricciardi lưu ý rằng chủng vi khuẩn mới sẽ phổ biến ở Anh và Đan Mạch vào cuối tuần này, bởi vì hiện đã chiếm 40% số ca nhiễm COVID-19 mới tại Anh và dự báo số ca nhiễm tại Italy cũng có thể tăng cao bởi vì "xu hướng tăng trưởng của biến thể này trên thực tế được chứng minh là giống nhau ở tất cả các quốc gia ".

Theo số liệu do trang web ourworldindata.org công bố vào sáng 15/12, hiện 56,1% - tức hơn một nửa dân số thế giới đã được tiêm chủng ít nhất 1 liều vaccine. Tính cho đến nay, đã có 8,52 tỷ liều vaccine được sử dụng trên toàn thế giới, với 36,15 triệu liều được tiêm mỗi ngày. Tuy nhiên, tỷ lệ tiêm chủng vẫn diễn ra không đồng đều, khi số người được chủng ngừa ít nhất 1 liều vaccine tại các nước thu nhập thấp chỉ được cải thiện chậm chạp, ở mức 7,3 %.

Trong một thông điệp phát đi ngày 14/12, Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 76 Abdulla Shahid khẳng định, mục tiêu đầu tiên của ông trong năm mới 2022 là tiêm chủng cho thế giới và đạt được sự công bằng về vaccine để thế giới sớm quay trở lại cuộc sống bình thường mới.

Trong một nỗ lực nhằm chặn đứng chiều hướng gia tăng của dịch bệnh, chính phủ Italy vừa ra sắc lệnh mới về phòng chống COVID-19 quy định lực lượng quân đội, cảnh sát, và giáo viên, nhân viên trường học bắt buộc phải tiêm vaccine ngừa COVID-19 kể từ ngày 15/1, bao gồm việc hoàn thành chu kỳ tiêm chủng và các liều nhắc lại phải được thực hiện theo đúng chỉ định và thời hạn trong thông tư của Bộ Y tế Italy. Những trường hợp không chấp hành sẽ bị đình chỉ công tác, không hưởng lương; với lực lượng vũ trang thu hồi tạm thời thẻ, bảng tên, vũ khí cá nhân… Những trường hợp phát hiện không tiêm chủng vẫn làm việc sẽ chịu mức phạt từ 600-1.500 euro, trong khi mức phạt từ 400-1.000 euro cũng được áp dụng với người quản lý không thực hiện kiểm tra nhân viên vi phạm

Hiện Bắc Mỹ có 60.947.156 ca nhiễm bệnh, trong đó có 1.215.778 ca tử vong vì COVID-19.

Mỹ vẫn là nước bị tác động nặng nề nhất trong khu vực và trên thế giới, với tổng số 51.129.120 ca nhiễm và 821.246 ca tử vong vì COVID-19 ở thời điểm hiện tại. Trong 24 giờ qua, Mỹ là nước có số ca nhiễm COVID-19 mới cao nhất thế giới, với 101.244 ca. Ngày 14/12, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) của Mỹ cho biết, chỉ tính riêng trong thời gian từ 4-11/12 vừa qua, biến thể Omicron hiện chiếm gần 3% các trường hợp mắc COVID-19 trong nước, cho thấy biến thể mới đang bắt đầu gia tăng ở Mỹ.

Tại châu Á, tình hình dịch dường như được cải thiện khi số ca nhiễm mới giảm, trong khi tỷ lệ tiêm chủng được mở rộng, giúp các nước tiến tới việc mở cửa và sống chung an toàn với dịch bệnh một cách thận trọng. Hiện tổng số ca nhiễm COVID-19 tại khu vực này là 83.256.752 trường hợp, với 1.234.437 ca tử vong và 80.500.759 ca điều trị khỏi. Trong 24 giờ qua, khu vực này ghi nhận 79.745 ca nhiễm mới.

Với việc tiếp tục duy trì mở cửa đường biên thông qua các Làn đi lại cho người đã tiêm vaccine (VTL), nhà chức trách Singapore đang tiếp tục tăng cường chuẩn bị để sẵn sàng đối phó với kịch bản bùng phát dịch COVID-19 trở lại trong bối cảnh và đã xuất hiện các ca nhiễm biến thể mới Omicron của virus SARS-Cov-2. Ngoài các biện pháp thắt chặt cơ chế xét nghiệm với người nhập cảnh đã và đang thực hiện, giới chức Singapore xác định sẽ đẩy nhanh chương trình tiêm chủng mũi bổ sung để gia tăng sức đề kháng cho người dân; mở rộng chương trình tiêm cho các đối tượng.

Tính đến sáng 15/12, tổng số ca nhiễm COVID-19 tại châu Phi là 9.085.856 trường hợp, trong đó có 225.703 ca tử vong và 8.291.483 ca bình phục. Trong tổng số 568.670 ca đang điều trị thì có 1.363 ca trong tình trạng nguy kịch.

Sau nhiều ngày dẫn đầu bảng thống kê, Nam Phi tiếp tục là nước chịu tác động nặng nề nhất trong khu vực, với 3.204.642 ca nhiễm COVID-19 và 90.172 ca tử vong vì dịch bệnh.

Trong 24 giờ qua, châu Đại Dương có thêm 2.077 ca nhiễm COVID-19. Hiện khu vực này có tổng số 393.585 trường hợp ca mắc COVID-19, với 4.368 ca tử vong. Australia hiện đang có số ca nhiễm cao nhất trong khu vực, với 232.738 ca, tiếp theo sau là Fiji với 52.593 ca./.