Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Thế giới ghi nhận hơn 542.000 ca nhiễm COVID-19 chỉ trong một ngày

PV - 13:23, 11/11/2020

Trang thống kê trực tuyến worldometers.info tiếp tục cập nhật các số liệu mới nhất tính đến sáng 11/11 cho thấy, tổng số ca nhiễm COVID-19 trên thế giới hiện là 51.796.749 ca, trong đó 1.278.529 ca tử vong và 36.385.692 ca đã được chữa khỏi.

Một cửa hàng ở thành phố Edinburgh, Scotland trưng biển cảm ơn khách hàng đã đeo khẩu trang để phòng chống COVID-19 (Ảnh: PA)
Một cửa hàng ở thành phố Edinburgh, Scotland trưng biển cảm ơn khách hàng đã đeo khẩu trang để phòng chống COVID-19 (Ảnh: PA)

Chỉ trong ngày hôm qua, thế giới ghi nhận thêm 542.094 ca nhiễm mới, và thêm 9.181 ca tử vong. Mỹ dẫn đầu thế giới với số ca mắc lên đến 10.559.184 ca sau khi nước này có thêm 135.574 ca mắc mới trong ngày hôm qua. Mỹ đã ghi nhận 245.794 ca tử vong, 6.601.331 ca bình phục. Quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề thứ hai là Ấn Độ với 8.635.754 ca nhiễm, 127.615 ca tử vong. Tiếp đến là Brazil với 5.701.283 ca nhiễm, 162.842 ca tử vong.

Châu Á là khu vực ghi nhận nhiều ca nhiễm nhất thế giới với 14.606.205 ca, châu Âu là khu vực bị ảnh hưởng thứ hai với 12.641.448 ca. Tiếp đến là Bắc Mỹ với 12.515.058 ca và Nam Mỹ với 10.075.827 ca. Châu Phi ghi nhận 1.916.173 ca và châu Đại Dương 41.317 ca - đây là hai khu vực ít bị ảnh hưởng nhất bởi dịch COVID-19.

Hiện dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp tại châu Âu. Bộ Y tế Pháp cho biết nước này đã ghi nhận tổng cộng 1.829.659 ca mắc, tăng 22.180 ca trong 24 giờ qua. Trong khi đó, số ca tử vong tại Pháp tăng 472 ca lên 42.207 ca. Tình hình dịch bệnh ở Italy đang diễn biến theo chiều hướng phức tạp. Viện trưởng Viện Y tế cao cấp Italy (ISS) Silvio Brusaferro cho biết hiện các đơn vị điều trị tích cực trong hệ thống bệnh viện ở nước này đang có nguy cơ quá tải do số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 đang tăng mạnh. Tính đến sáng 11/11, Italy ghi nhận tổng cộng 995.463 ca mắc, trong đó 42.330 ca tử vong.

Số ca mắc COVID-19 ở châu Á đã lên tới 14.606.205 ca, trong đó 258.412 ca đã tử vong. Riêng trong ngày hôm qua, khu vực này ghi nhận thêm 95.435 ca nhiễm mới. Tại Campuchia, Thủ tướng Samdech Techo Hun Sen đã kêu gọi những người tiếp xúc với Bộ trưởng Ngoại giao và Thương mại Hungary Peter Szijjarto tự cách ly trong vòng 14 ngày tại nhà một cách nghiêm túc để ngăn chặn nguy cơ lây lan virus SARS-CoV-2 ra cộng đồng. Thủ tướng Hun Sen cũng đồng thời kêu gọi người dân không nên hoảng loạn khi khẳng định tình hình đang được kiểm soát tốt. Hiện bản thân ông đang tự cách ly trong vòng 14 ngày kể từ ngày 4/11. Trước đó, Bộ trưởng Ngoại giao và Thương mại Hungary Péter Szijjártó đã được xác nhận có kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2 tại Bangkok (Thái Lan) sau khi rời Phnom Penh ngày 3/11, kết thúc chuyến thăm chính thức Campuchia một ngày.

Trong khi đó, số ca nhiễm mới ở Hàn Quốc tiếp tục tăng ở mức 3 con số vào ngày 10/11, khiến giới chức y tế nước này phải cân nhắc tăng mức giãn cách xã hội. Theo Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA), nước này ghi nhận thêm 100 ca nhiễm mới, trong đó 71 ca lây nhiễm trong cộng đồng, nâng tổng số lên 27.653 ca. Trước đó, trong các ngày 8-9/11, Hàn Quốc cũng đã ghi nhận số ca nhiễm mới lần lượt là 126 và 143 ca. Ngoài ra, Hàn Quốc còn thông báo có thêm 5 ca tử vong do COVID-19, nâng tổng số lên 485 ca. Hiện Hàn Quốc đang áp đặt cơ chế giãn cách xã hội ở mức 1, mức thấp nhất trong thang gồm 5 cấp độ. Tuy nhiên, giới chức y tế Hàn Quốc lại lo ngại rằng nước này có thể không còn lựa chọn nào khác ngoài việc áp dụng cơ chế giãn cách xã hộ cấp độ 1,5 trên toàn quốc nếu số ca nhiễm mới theo ngày không sớm giảm xuống. Hiện các thành phố Asan và Cheonan ở miền Trung Hàn Quốc đã phải áp đặt cấp độ 1,5.

Bắc Mỹ ghi nhận thêm 149.160 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua. Hiện đã có 367.223 ca tử vong được ghi nhận ở khu vực này. Mỹ tiếp tục dẫn đầu khu vực và thế giới về số ca nhiễm. Tiếp theo đó là Mexico với 972.785 ca nhiễm, 95.225 ca tử vong.

Nam Mỹ ghi nhận 10.075.827 ca nhiễm sau khi có thêm 49.199 ca nhiễm mới trong ngày qua, trong đó có 304.153 ca đã tử vong. Brazil vẫn là quốc gia đứng đầu khu vực về số ca nhiễm và ca tử vong, riêng trong 24 giờ qua, quốc gia Nam Mỹ này ghi nhận thêm 25.517 ca nhiễm, 204 ca tử vong.

Châu Phi ghi nhận số ca nhiễm mới trong ngày hôm qua là 13.077, nâng tổng số ca nhiễm tại khu vực này lên 1.916.173, trong đó 46.025 ca đã tử vong. Nam Phi là quốc gia đứng đầu trong khu vực về số ca nhiễm COVID-19, với 740.254 ca, trong đó 19.951 ca đã tử vong.

Trong khi đó, Ủy ban giám sát khoa học về diễn biến của dịch COVID-19 tại Algeria cho biết, tính đến 17h ngày 10/11 (theo giờ địa phương), cơ quan chức năng nước này đã ghi nhận 753 ca nhiễm mới và 15 người tử vong. Đây là số ca nhiễm mới trong một ngày cao nhất từ khi dịch bùng phát ở Algeria, tăng mạnh so với 642 ca một ngày trước đó. Số ca nhiễm mới COVID-19 cao kỷ lục trước đó ghi nhận ở Algeria là vào ngày 25/7, với 675 ca. Kể từ đó, dịch COVID-19 tại Algeria đã giảm dần, trước khi bắt đầu xu hướng tăng trở lại vào cuối tháng 10. Tính đến nay, quốc gia Bắc Phi này đã xác định 63.446 ca mắc và 2.077 người tử vong kể từ khi dịch bắt đầu vào tháng 2/2020.

Bộ Y tế Sudan thông báo Bộ trưởng Y tế Osama Ahmed Abdul Rahim và 2 quan chức cấp cao khác của bộ này có xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2. Đến nay, Sudan đã ghi nhận tổng cộng 14.155 ca mắc, trong đó có 1.116 ca không qua khỏi.

Trong khi đó, châu Đại Dương có thêm 303 ca nhiễm mới trong ngày hôm qua, nâng tổng số ca nhiễm COVID-19 ở khu vực này lên 41.317 ca, trong đó có 993 ca tử vong. Australia là quốc gia có số ca nhiễm COVID-19 cao nhất trong khu vực, với 27.678 ca, trong đó 907 người đã tử vong./.