Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Thế giới ghi nhận hơn 120 triệu ca nhiễm COVID-19

PV - 09:30, 15/03/2021

Châu Âu là khu vực ghi nhận nhiều ca nhiễm nhất thế giới (36.269.170 ca). Với 34.566.417 ca mắc, Bắc Mỹ là khu vực bị ảnh hưởng thứ hai. Tiếp đến là châu Á với 26.167.360 ca và Nam Mỹ với 19.272.118 ca. Châu Phi (4.065.230 ca) và châu Đại Dương (52.514 ca) là 2 khu vực ít bị ảnh hưởng nhất.

Các nhân viên y tế trong trang phục bảo hộ làm việc tại phòng chăm sóc đặc biệt ở một bệnh viện miền Bắc Italy (Ảnh: EPA)
Các nhân viên y tế trong trang phục bảo hộ làm việc tại phòng chăm sóc đặc biệt ở một bệnh viện miền Bắc Italy (Ảnh: EPA)

Trang thống kê trực tuyến worldometers.info tiếp tục cập nhật các số liệu mới nhất tính đến sáng 15/3 cho thấy, tổng số ca nhiễm COVID-19 trên thế giới hiện là 120.393.530 ca, trong đó 2.664.539 ca tử vong và 96.936.963 ca đã được chữa khỏi.

Trong ngày hôm qua, thế giới ghi nhận thêm 350.753 ca nhiễm mới. Trong đó, Mỹ - nước chịu ảnh hưởng nhất của đại dịch COVID-19 - ghi nhận số ca nhiễm mới là 33.387 ca và 584 ca tử vong, nâng tổng số ca nhiễm và tử vong do COVID-19 ở nước này lên lần lượt là 30.078.148 ca và 547.189 ca.

Vượt qua Ấn Độ, Brazil trở thành quốc gia đứng thứ hai thế giới về số ca mắc với 11.483.370 ca và số ca tử vong là 278.229. Riêng ngày hôm qua, nước này ghi nhận thêm 44.120 ca nhiễm mới. Đứng thứ ba thế giới là Ấn Độ với 11.385.158 ca nhiễm và 158.762 ca tử vong.

Châu Âu là khu vực ghi nhận nhiều ca nhiễm nhất thế giới (36.269.170 ca). Với 34.566.417 ca mắc, Bắc Mỹ là khu vực bị ảnh hưởng thứ hai. Tiếp đến là châu Á với 26.167.360 ca và Nam Mỹ với 19.272.118 ca. Châu Phi (4.065.230 ca) và châu Đại Dương (52.514 ca) là 2 khu vực ít bị ảnh hưởng nhất.

Trong ngày 14/3, Nga ghi nhận thêm 10.083 ca mắc COVID-19. Đây là lần đầu tiên số ca mắc mới trong ngày tại Nga vượt hơn 10.000 người kể từ ngày 8/3. Trong 24 giờ qua, Nga ghi nhận thêm 395 ca tử vong. Như vậy, tính đến nay, nước này có tới hơn 4,39 triệu ca nhiễm, trong đó có 92.090 ca không qua khỏi.

Trong khi đó, cùng ngày, Chính phủ Pháp cho biết có kế hoạch sơ tán khoảng 100 bệnh nhân mắc COVID-19 khỏi các khoa hồi sức tích cực ở khu vực Paris trong tuần này do các bệnh viện tại đây đang nỗ lực để đối phó với các ca nhiễm mới gia tăng đột biến. Hiện lệnh giới nghiêm bắt đầu từ 18h00 vẫn đang được duy trì trên toàn nước Pháp, trong khi các nhà hàng, quán cà phê, rạp chiếu phim, nhà hát và các trung tâm thương mại lớn đã phải đóng cửa. Số ca nhiễm mới tại Pháp đã tăng dần trong những tuần gần đây. Trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận 26.343 ca nhiễm mới và 114 ca tử vong, đưa tổng số ca mắc và tử vong lên lần lượt là 4.071.662 và 90.429.

Tại châu Á, dịch bệnh hiện đang diễn biến phức tạp. Trong 24 giờ qua, Indonesia ghi nhận thêm 4.714 ca nhiễm và 97 ca tử vong. Hiện tổng số ca nhiễm và tử vong tại quốc gia Đông Nam Á này lần lượt là 1.419.455 và 38.426. Indonesia là nước có số ca nhiễm và tử vong cao nhất khu vực Đông Nam Á.

Cùng ngày, với 4.899 ca nhiễm mới và 63 ca tử vong, tổng số ca nhiễm và tử vong tại Philippines đã lên lần lượt là 621.498 và 12.829. Trong những tuần gần đây, Philippines đã hứng chịu làn sóng lây nhiễm mới dịch COVID-19, giống như trong tháng 7-8/2020, khi số ca nhiễm mới liên tục đạt đỉnh. Trước tình hình trên, giới chức nước này khuyến cáo các chính quyền địa phương tăng cường các nỗ lực truy vết COVID-19.

Thái Lan cũng đã ghi nhận thêm 170 ca mắc, chủ yếu thông qua việc xét nghiệm chủ động. Trong số các ca mắc mới, có tới 156 ca lây nhiễm trong cộng đồng. Riêng tại tỉnh Samut Sakhon và thủ đô Bangkok là 136 ca. Đặc biệt, có tới 90 ca mắc đến từ khu chợ đông người ở quận Bang Khae của Bangkok. Khu chợ này đã phải đóng cửa do hàng chục người có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 thông qua hình thức xét nghiệm chủ động từ ngày 13/3. Tính đến nay, Thái Lan có tổng cộng 26.927 ca mắc, trong đó có 86 ca không qua khỏi.

Tại Campuchia, "sự cố lây nhiễm cộng đồng ngày 20/2” dẫn đến đợt bùng phát dịch COVID-19 lần thứ 3 tại Campuchia đã làm lây lan virus SARS-CoV-2 ra 10 tỉnh, thành. Trong 24 giờ qua, Campuchia đã có thêm 41 ca mắc mới, trong đó có 28 ca tại tỉnh Kandal, sát thủ đô Phnom Penh. Cùng ngày, Bộ Y tế Campuchia đã ra thông cáo báo chí về vụ 1 bệnh nhân người nước này mắc COVID-19 tử vong vì tim mạch. Tổng số ca mắc COVID-19 tại Campuchia hiện là 1.305 người, trong đó có 647 người bình phục và 1 người tử vong.

Trong khi đó, do lo ngại nguy cơ lây lan dịch COVID-19, Nhật Bản đang cân nhắc việc giới hạn số lượng khán giả đến các địa điểm thi đấu Olympics Tokyo 2020 xuống 50% sức chứa. Theo báo Sankei, các địa điểm thi đấu lớn có thể bị giới hạn dưới 20.000 khán giả. Tuy nhiên nếu tình hình đại dịch cải thiện, có thể sẽ có nhiều người được phép tới xem trực tiếp hơn. Ban tổ chức Olympics của Nhật Bản sẽ thông báo quyết định trong tháng 4 tới và tuân thủ các quy định phòng chống dịch trong nước.

Tại khu vực Bắc Mỹ, sau Mỹ (dẫn đầu khu vực và thế giới về số ca mắc) là Mexico với 2.163.875 ca mắc, 194.490 ca tử vong. Tiếp đến là Canada với 908.622 ca mắc, trong đó 22.454 ca tử vong. Panama ghi nhận 347.641 ca mắc, trong đó 335.402 ca đã bình phục và 5.987 ca tử vong.

Tại khu vực Nam Mỹ, sau Brazil (dẫn đầu khu vực và đứng thứ ba thế giới về số ca mắc) là Colombia với 2.303.144 ca, trong đó 61.143 ca đã tử vong. Tiếp đến là Argentina với 2.195.722 ca mắc, trong đó 53.670 ca tử vong.

Tại châu Phi, số ca nhiễm mới ghi nhận trong ngày hôm qua là 7.537 ca, nâng tổng số ca nhiễm toàn khu vực lên 4.065.230 ca. Nam Phi dẫn đầu khu vực về số ca nhiễm, với 1.529.420 ca, trong đó 51.326 ca tử vong. Tiếp đến là Morocco với 488.937 ca nhiễm, trong đó 8.723 ca tử vong.

Châu Đại Dương chỉ ghi nhận 272 ca nhiễm mới trong ngày hôm qua, nâng tổng số ca nhiễm trong khu vực lên 52.514 ca. Trong đó, Australia ghi nhận số ca mắc COVID-19 cao nhất khu vực với 29.117 ca, trong đó 909 ca tử vong./.