Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Thế giới có hơn 400 triệu ca nhiễm COVID-19

PV - 09:53, 09/02/2022

Tính đến sáng 9/2, thế giới ghi nhận 400.267.090 ca nhiễm và 5.780.758 ca tử vong vì COVID-19. Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận thêm 2.117.468 ca nhiễm mới.

Tính đến sáng 9/2, thế giới ghi nhận 400.267.090 ca nhiễm COVID-19
Tính đến sáng 9/2, thế giới ghi nhận 400.267.090 ca nhiễm COVID-19

Số liệu thống kê cụ thể trên worldometers.info vào sáng 9/2 cho thấy, hiện toàn thế giới có 320.297.547 ca nhiễm COVID-19 được công bố khỏi bệnh (chiếm 98% tổng số ca mắc). Trong số 74.188.785 ca bệnh đang điều trị thì có 74.098.598 ca ở thể nhẹ (chiếm 99,9%) và 90.187 ca (chiếm 0,1%) còn lại trong tình trạng nghiêm trọng.  

Còn xét theo quy mô khu vực, số liệu mới cập nhật trên worldometers.info cho thấy tổng số ca nhiễm COVID-19 tại châu Âu là 137.694.770 trường hợp, trong đó có 1.644.221 ca tử vong và 106.116.350 ca được điều trị khỏi. Trong 24 giờ qua, số ca nhiễm và tử vong mới vì COVID-19 tại châu Âu cao nhất thế giới, với lần lượt 1.032.484 và 3.479 trường hợp.

Cùng với sự lây lan đáng lo ngại của biến thể Omicron, Châu Âu hiện là “điểm nóng” dịch bệnh của thế giới với số ca mắc mới tăng đều ở nhiều nước thuộc châu lục.

Theo số liệu do trang web ourworldindata.org công bố vào sáng 9/2, hiện 61,5% dân số thế giới đã được tiêm chủng ít nhất 1 liều vaccine. Tính cho đến nay, đã có 10,24 tỷ liều vaccine được sử dụng trên toàn thế giới, với 23,68 triệu liều được tiêm mỗi ngày. Tuy nhiên, tỷ lệ tiêm chủng là không đồng đều, khi số người được chủng ngừa ít nhất 1 liều vaccine tại các nước thu nhập thấp hiện mới chỉ đạt 10,4%.

Trong một nỗ lực nhằm cải thiện tình hình dịch bệnh, từ ngày 8/2, các nhà chức trách Bỉ bắt đầu gửi lời mời tiêm liều thứ tư vaccine ngừa COVID-19 cho những người bị suy giảm khả năng miễn dịch (bao gồm những người bị rối loạn miễn dịch bẩm sinh, phải chạy thận định kỳ, bệnh nhân HIV, người bị ung thư máu hoặc các khối u ác tính khác, cũng như những bệnh nhân đã trải qua cấy ghép tế bào...). Ngoài những đối tượng trên thì Bỉ cũng đang tính đến việc mở rộng tiêm liều tăng cường cho toàn dân vào mùa Thu năm nay. Tuy nhiên, công việc này còn phụ thuộc vào một số yếu tố như hiệu quả của vaccine, số lượng vaccine hiện có và biến đổi của các biến thể virus SARS-Cov-2.

Còn tại Bắc Mỹ, tổng số ca nhiễm COVID-19 tính tới sáng 9/2 là 92.021.168 trường hợp, trong đó có 1.348.259 ca tử vong. Mỹ vẫn là nước bị tác động nặng nề nhất trong khu vực và trên thế giới, với tổng số 78.519.957 ca nhiễm và 931.927 ca tử vong vì COVID-19 ở thời điểm hiện tại. Trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận thêm 142.933 ca nhiễm mới COVID-19.

Theo số liệu thống kê trên trang worldometers.info, hiện tổng số ca nhiễm COVID-19 tại châu Á là 105.386.201 trường hợp, với 1.309.517 ca tử vong và 97.662.643 ca điều trị khỏi. Song song việc triển khai một chiến dịch tiêm chủng mở rộng, nhiều nước tiếp tục theo đuổi chủ trương mở cửa và sống chung an toàn với dịch bệnh một cách thận trọng. Tuy nhiên, dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp tại nhiều nước trong khu vực cùng với sự xuất hiện của biến thể Omicron.

Nhật Bản đang phải vật lộn để ngăn chặn làn sóng dịch bệnh mới do biến thể Omicron có khả năng lây lan mạnh gây ra. Trước tình hình dịch bệnh phức tạp, thủ đô Tokyo và 12 tỉnh khác của Nhật Bản, những khu vực hiện đang áp dụng các biện pháp phòng dịch trọng điểm vì COVID-19, đã yêu cầu chính phủ gia hạn các biện pháp hạn chế dự kiến hết hạn vào cuối tuần này, để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh. Các nguồn tin Chính phủ Nhật Bản cho biết chính phủ sẽ cân nhắc việc kéo dài các biện pháp hạn chế thêm 3 tuần kể từ cuối tuần này đối với 13 khu vực nói trên. Hiện Nhật Bản đang đứng thứ 22 trong danh sách các nước và vùng lãnh thổ chịu tác động vì COVID-19. Tính đến sáng 9/2, nước này ghi nhận 3.372.297 ca nhiễm bệnh, với 19.446 ca tử vong.

Trước diễn biến tình hình dịch bệnh COVID-19 tại Campuchia phức tạp với số ca nhiễm biến thể Omicron tăng đột biến lên đến hơn 200 ca trong ngày 8/2, tối cùng ngày, Thủ tướng Hun Sen đã kêu gọi người dân Campuchia nâng cao cảnh giác và tăng cường thực hiện nghiêm ngặt biện pháp “3 Bảo vệ - 3 Không”, giảm thiểu các hoạt động tụ tập đông người để phòng chống dịch bệnh COVID-19.

Trong 24 giờ qua, châu Phi có thêm 46.265 ca nhiễm mới và 561 ca tử vong vì COVID-19, nâng tổng các con số thống kê được tính tới sáng 9/2 lần lượt là 11.256.712 và 242.879 trường hợp. Sau nhiều ngày dẫn đầu bảng thống kê, Nam Phi tiếp tục là nước chịu tác động nặng nề nhất trong khu vực, với 3.626.014 ca nhiễm COVID-19 và 95.289 ca tử vong vì dịch bệnh.

Trong 24 giờ qua, châu Đại Dương có thêm 32.218 ca nhiễm COVID-19, trong đó riêng Australia chiếm tới 28.202 ca. Hiện khu vực này có tổng số 2.990.027 trường hợp ca mắc COVID-19, với 6.730 ca tử vong. Australia hiện đang có số ca nhiễm cao nhất trong khu vực, với 2.780.440 ca, tiếp theo sau là Fiji với 63.356 ca./.