Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Thế giới có gần 29,5 triệu ca nhiễm COVID-19

PV - 09:38, 15/09/2020

Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận thêm 222.963 ca mắc và 3.891 ca tử vong vì đại dịch COVID-19, nâng tổng các con số thống kê được tính tới sáng 15/9 lần lượt là 29.415.982 và 931.961 trường hợp.

Người dân đeo khẩu trang tại thủ đô Kuala Lumpur của Malaysia, ngày 14/9/2020. (Ảnh: Xinhua)
Người dân đeo khẩu trang tại thủ đô Kuala Lumpur của Malaysia, ngày 14/9/2020. (Ảnh: Xinhua)

Mỹ, Ấn Độ, Brazil là 3 “vùng dịch” lớn nhất trên thế giới và đứng đầu về số ca nhiễm mới COVID-19 ghi nhận được trong 24 giờ qua. Trong khi đó, Nga đã vượt mốc “triệu ca nhiễm” COVID-19.

Tính đến sáng 15/9, đã có 21.260.917 ca nhiễm COVID-19 trên toàn cầu được công bố khỏi bệnh. Trong số 7.223.155 ca bệnh đang điều trị thì có 7.162.472 ca ở thể nhẹ (chiếm 99%) và 60.683 ca (chiếm 1%) còn lại trong tình trạng nghiêm trọng. Dịch bệnh hiện đã lan tới 215 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Xét theo quy mô khu vực, số liệu mới cập nhật trên worldometers.info cho thấy tổng số ca nhiễm COVID-19 tại châu Âu là 4.124.724 trường hợp, trong đó có 212.912 ca tử vong và 2.254.893 ca được điều trị khỏi. Trong 24 giờ qua, cựu lục địa ghi nhận thêm 30.938 ca nhiễm và 301 ca tử vong mới vì COVID-19.

Hiện Pháp đã vượt Anh và trở thành nước có nhiều ca nhiễm COVID-19 đứng thứ 3 ở khu vực châu Âu, với 387.252 trường hợp, đứng sau Nga và Tâ Ban Nha với lần lượt 1.068.320 và 593.730 trường hợp ghi nhận được tới thời điểm hiện tại. Anh vẫn là nước có số ca tử vong vì COVID-19 cao nhất trong khu vực, với tổng số 41.637 ca, sau khi ghi nhận thêm 9 ca trong 24 giờ qua; tiếp theo sau là Italy với 35.624 ca.

Trong bối cảnh đang đứng trước những thách thức của làn sóng COVID-19 thứ hai, sáu quốc gia Liên minh châu Âu (EU), gồm: CH Séc, Đan Mạch, Đức, Ireland Italy và Latvia đã bắt đầu thử nghiệm công nghệ kết nối các ứng dụng truy dấu virus SARS-CoV-2 trên toàn châu Âu. Ủy ban châu Âu (EC) cho biết hệ thống mới sẽ đảm bảo những ứng dụng này hoạt động liên tục không gián đoạn kể cả khi người dùng đi qua biên giới các nước. Người dùng sẽ chỉ cần cài đặt một ứng dụng và vẫn sẽ có thể báo cáo nếu có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 hoặc nhận cảnh báo về các ca bệnh kể cả khi đi ra nước ngoài.

Trong 24 giờ qua, Bắc Mỹ ghi nhận thêm 44.101 ca nhiễm COVID-19 và 702 ca tử vong vì dịch bệnh, nâng các con số thống kê được tại khu vực này tới thời điểm hiện tại lên lần lượt là 8.032.424 và 290.309 trường hợp. Sau nhiều tuần liên tiếp, Mỹ vẫn là vùng dịch lớn nhất tại khu vực và trên thế giới, với tổng số 6.746.366 ca nhiễm và 198.924 ca tử vong vì COVID-19. Sau Mỹ, Mexico là nước có nhiều ca nhiễm và tử vong vì COVID-19 đứng thứ 2 ở khu vực, với tổng cộng 668.381 và 70.821 ca ghi nhận được tính đến thời điểm hiện tại. Tiếp đến là Canada với 138.010 ca nhiễm và 9.179 ca tử vong vì COVID-19.

Tính đến sáng 15/9, tổng số ca nhiễm COVID-19 tại châu Á là 8.716.958 trường hợp, với 166.140 ca tử vong và 7.061.384 ca điều trị khỏi. Trong tổng số 1.489.434 ca bệnh đang điều trị thì có 19.438 ca trong tình trạng nghiêm trọng. Trong 24 giờ qua, Ấn Độ là nước có số ca mắc mới COVID-19 cao nhất trong khu vực và trên thế giới, với 81.911 ca, tiếp tục củng cố vị trí “dẫn đầu” châu Á về số ca nhiễm (4.926.914 ca). Tiếp điến là Iran và Bangladesh, với lần lượt số ca nhiễm COVID-19 ghi nhận được tới thời điểm hiện tại là 404.648; 339.332 trường hợp.

Thời gian qua, Ấn Độ liên tục ghi nhận số ca mắc mới trong ngày cao nhất trên toàn thế giới. Chỉ trong một tuần qua, mỗi ngày quốc gia này ghi nhận trung bình hơn 90.000 ca mắc mới. Ngày 14/9, Quốc hội Ấn Độ trở lại làm việc, với các biện pháp nghiêm ngặt nhằm duy trì giãn cách xã hội, thời gian làm việc tại lưỡng viện đều được điều chỉnh trong khi các nhân viên truyền thông cũng bị hạn chế tiếp cận các cuộc họp.

Trong 24 giờ qua, Nam Mỹ ghi nhận thêm 27.846 ca nhiễm và 834 ca tử vong vì COVID-19, nâng tổng số ca nhiễm tại khu vực này lên 7.145.234 trường hợp, với 228.899 ca tử vong. Sau nhiều ngày dẫn đầu bảng thống kê, Brazil tiếp tục là nước bị tác động nặng nề nhất bởi dịch bệnh trong khu vực, tiếp theo sau là Peru, Colombia và Argentina…với lần lượt 4.345.610; 733.860; 721.892; 555.537 ca nhiễm COVID-19 được ghi nhận tới thời điểm hiện tại.

Tính đến sáng 15/9, tổng số ca nhiễm COVID-19 tại châu Phi là 1.365.909 trường hợp, trong đó có 32.836 ca tử vong và 1.110.393 ca bình phục. Trong tổng số 222.680 ca đang điều trị thì có 1.512 ca trong tình trạng nguy kịch.

Sau nhiều ngày dẫn đầu bảng thống kê, Nam Phi tiếp tục là nước chịu tác động nặng nề nhất trong khu vực, với 650.749 ca nhiễm COVID-19 và 15.499 ca tử vong vì dịch bệnh. Trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận thêm 956 ca nhiễm và 52 ca tử vong. Xếp các vị trí tiếp theo trong bảng thống kê là Ai Cập, Ma-rốc và Ethiopia với lần lượt 101.177; 88.203; 64.786 ca nhiễm bệnh.

Trong 24 giờ qua, châu Đại Dương có thêm 43 ca nhiễm COVID-19, trong đó có 41 ca ở Australia; 1 ca ở New Zealand và 1 ca còn lại ở Papua New Guinea. Hiện khu vực này ghi nhận 30.012 ca nhiễm và 850 ca tử vong vì COVID-19.

Australia vẫn vẫn là nước có số ca nhiễm cao nhất trong khu vực, với 26.692 ca. Tuy nhiên, tình hình dịch tại bang Victoria, tâm dịch của làn sóng lây nhiễm thứ hai ở Australia, đang có chiều hướng lắng dịu khi ngày 14/9, bang này ghi nhận số ca mắc mới thấp nhất trong gần 3 tháng qua, trong bối cảnh các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt ở thủ phủ Melbourne được dỡ bỏ một phần./.