Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Thay đổi là "chìa khóa" để hút khách

PV - 13:00, 02/06/2022

Đại dịch Covid-19 đã làm nhiều thứ thay đổi. Vậy, sản phẩm du lịch phải đổi mới như thế nào, kết nối du lịch ra sao, địa phương nào là vùng trọng điểm, địa phương nào là “đầu tàu” dẫn dắt sự phát triển của du lịch cả nước?

Khách du lịch trải nghiệm mùa vải chín ở Hải Dương Ảnh: PHẠM CHỨC
Khách du lịch trải nghiệm mùa vải chín ở Hải Dương Ảnh: PHẠM CHỨC

Xây dựng app và bản đồ số dùng chung

Nhận thức rõ vai trò của một trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa và du lịch của cả nước, Hà Nội đã chủ động triển khai nhiều hoạt động để mở cửa lại du lịch và tăng cường liên kết với các địa phương để thúc đẩy phục hồi du lịch.

Theo Sở Du lịch Hà Nội, trong tháng 4 và 5/2022, du lịch Thủ đô đã có sự hồi phục mạnh mẽ, hiệu quả trên tất cả các chỉ tiêu. Khách du lịch đến Hà Nội tháng 5 ước đạt 1,88 triệu lượt, tăng hơn 16 lần so với cùng kỳ năm 2021, trong đó khách quốc tế ước đạt 85.000 lượt; tổng thu từ khách du lịch ước đạt 5.700 tỉ đồng, tăng gần 18 lần so với cùng kỳ năm 2021. Những kết quả này cho thấy, hiệu quả của du lịch Hà Nội thu được ngày càng cao, đóng góp ngày càng lớn cho ngành kinh tế chứ không phải chỉ là tăng về số lượng khách.

Sở Du lịch Hà Nội đặc biệt chú trọng công tác phát triển các sản phẩm du lịch, chỉ đạo Hội Lữ hành Hà Nội và các doanh nghiệp nghiên cứu xây dựng các tour du lịch mới, hấp dẫn, độc đáo. Ví dụ như tour “Dấu chân làng cổ Bát Tràng” được du khách trong và ngoài nước đánh giá cao. Bên cạnh đó, Sở cũng chỉ đạo các đơn vị, khu, điểm tham quan du lịch xây dựng, làm mới các sản phẩm du lịch thu hút du khách trong dịp diễn ra SEA Games 31 và thời gian tới. Bên cạnh đó tích cực triển khai nhiều ứng dụng về công nghệ số trong quản lý du lịch và đẩy mạnh quảng bá trên các nền tảng số, các kênh truyền hình thông tấn. Phối hợp với các cơ quan báo, đài ở Trung ương và Hà Nội thường xuyên đưa tin bài vẻ các hoạt động; tham mưu UBND Thành phố triển khai chương trình hợp tác với Kênh truyền hình CNN trong công tác tuyên truyền, quảng bá hình ảnh du lịch Hà Nội. Đồng thời, triển khai Kế hoạch xây dựng nền tảng địa chỉ số ứng dụng trong lĩnh vực du lịch và Bản đồ số du lịch.

Bà Đặng Hương Giang, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội đề xuất Bộ VHTTDL, Tổng cục Du lịch đẩy mạnh chiến dịch quảng bá du lịch quốc tế hiệu quả, toàn diện với nhiều hoạt động. Trong đó có các hoạt động tuyên truyền, quảng bá du lịch Việt Nam qua các kênh truyền thông quốc tế, triển khai các đoàn famtrip và presstrip khảo sát các điểm đến, sản phẩm du lịch Việt Nam, tích cực tham gia các hội chợ du lịch quốc tế có uy tín... Đồng thời, nghiên cứu xây dựng hệ thống dữ liệu du lịch chuyên ngành tập trung liên thông với hệ thống quản lý dữ liệu của các địa phương; xây dựng app và bản đồ số du lịch dùng chung để thống nhất giữa các địa phương; hỗ trợ Sở Du lịch Hà Nội trong công tác chuyển đổi số hoạt động ngành du lịch Thủ đô; hỗ trợ giới thiệu các video, clip quảng bá điểm đến du lịch Hà Nội trên các kênh truyền thông, các sự kiện của Bộ VHTTDL, Tổng cục Du lịch tới thị trường trong nước và quốc tế.

Nhiều sản phẩm đặc trưng

Mới đây, tỉnh Hải Dương phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ NN&PTNT tổ chức Hội nghị Xúc tiến thương mại vải thiều và sản phẩm tiêu biểu tỉnh Hải Dương năm 2022. Hoạt động quan trọng này được Hải Dương tổ chức nhằm tăng cường kết nối phát triển nông nghiệp, công nghiệp và du lịch để tạo ra những sản phẩm có chất lượng, hiệu quả kinh tế cao, mở rộng thị trường trong nước và quốc tế. Đồng thời tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số vào sản xuất nông nghiệp, xúc tiến tiêu thụ sản phẩm gắn với hình thành các tour du lịch đặc trưng để nâng cao giá trị cho quả vải và phát triển bền vững tại địa phương.

Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Phạm Xuân Thăng cho biết, Hải Dương được biết đến không chỉ là mảnh đất giàu truyền thống với hàng ngàn di tích lịch sử văn hóa mà còn là vùng đất với hàng trăm làng nghề truyền thống và nhiều vùng trồng cây trái nổi tiếng, rau màu xanh, sạch, tươi tốt… Từ vùng đất trù phú này đã tạo ra những đặc sản nổi tiếng như vải thiều, gạo nếp cái hoa vàng, na dai, chuối mật, cùng nhiều đặc sản nổi tiếng trong và ngoài nước như bánh đậu xanh, bánh khảo, bánh gai, chả rươi, mắm cáy...

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Triệu Thế Hùng, trong nhiều năm qua, các sản phẩm nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và du lịch của tỉnh đã phát triển theo hướng không ngừng nâng cao chất lượng, giá trị của sản phẩm, cùng với đó là đa dạng về sản phẩm, chủng loại. Cùng với việc phát triển những sản phẩm tiêu biểu, tỉnh Hải Dương luôn quan tâm đẩy mạnh việc thực hiện liên kết bốn nhà (nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp, nhà nông) nhằm đưa nông sản của tỉnh tham gia vào chuỗi giá trị gia tăng, từ sản xuất, thu hoạch, bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm kết hợp với phát triển sản phẩm du lịch nông nghiệp, nông thôn.

Đánh giá sự phục hồi du lịch nhanh chóng ở các địa phương thời gian gần đây, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh cho rằng, việc triển khai chiến dịch tiêm chủng thần tốc, đảm bảo độ phủ vắc xin cao, cùng với sự chỉ đạo, phối hợp liên ngành, sát sao giữa các ban, Bộ, ngành có liên quan đã tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động du lịch dần trở lại. Đồng thời, sự chủ động chuẩn bị và triển khai nhiều sự kiện và các hoạt động quy mô lớn của nhiều địa phương, các trung tâm du lịch lớn, đặc biệt là sự vào cuộc tích cực, cung cấp nhiều sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn của các doanh nghiệp trên địa bàn cả nước đã thu hút khách du lịch, tạo điều kiện để hoạt động du lịch diễn ra sôi nổi, góp phần lớn vào sự phục hồi kinh tế xã hội của đất nước.

Có thể nói, việc xây dựng sản phẩm du lịch mới, phù hợp với xu hướng, nhu cầu của khách sau đại dịch Covid-19 được xem là “chìa khóa” góp phần gia tăng sức hút của điểm đến đối với du khách. Để đón đầu sự thay đổi trong nhu cầu đi du lịch, nhiều địa phương đã tích cực xây dựng các sản phẩm mới, mang tính chất đặc trưng: mỗi địa phương - một sản phẩm. Ðơn cử như TP.HCM đã cho ra mắt tour “du lịch đường sông” và tour “bay trực thăng ngắm cảnh thành phố”; Sapa (Lào Cai) tổ chức Lễ hội hoa hồng; Thanh Hóa có Lễ hội du lịch biển Sầm Sơn; Đà Nẵng giới thiệu sản phẩm du lịch khinh khí cầu hay tổ chức show diễn nghệ thuật hoành tráng tại Bà Nà…/.