Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Thất Sơn - huyền bí và quyến rũ

PV - 11:34, 09/11/2018

Từ xưa, bà con miền Tây Nam bộ, nhất là những người theo đạo Phật đã coi núi Cấm ở An Giang là vùng địa linh, vùng đất Phật thắng cảnh địa phương nên hằng năm có hàng triệu du khách đổ về “Thất Sơn huyền bí” để chiêm bái và vãn cảnh. Hiện nay, Khu du lịch núi Cấm (An Giang) có tiềm năng lớn trong phát triển du lịch tâm linh, góp phần vào việc phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội bền vững.

Núi Cấm là một trong bảy ngọn núi của “Thất Sơn huyền bí” cách trung tâm TP. Long Xuyên khoảng 90km theo Quốc lộ 91 rẽ qua Tỉnh lộ 948 và cách TP. Châu Đốc khoảng 37km. Núi có độ cao 710m, chu vi 28.600m. Đỉnh Bồ Hong trên núi Cấm là đỉnh núi cao nhất trong Thất Sơn. Trên đỉnh núi Cấm có nhiều công trình kiến trúc tôn giáo quy mô như tượng Phật Di Lặc ngồi trên đỉnh núi cao 33,6m, chùa Vạn Linh, Thiền viện chùa Phật Lớn... Ngoài những công trình kiến trúc độc đáo, trên núi Cấm có các điểm thăm quan thú vị như: suối Thanh Long, suối Tiên, điện Cây Quế, điện 13 tầng, điện Tam Thanh, hang Ông Thẻ, hang Ông Hổ, động Thủy Liêm, vồ Thiên Tuế, vồ Bồ Hong…

Thất Sơn Toàn cảnh Khu du lịch núi Cấm (Thiên Cấm Sơn), xã An Hảo, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang.

Đặc biệt, trên núi Cấm có thêm hệ thống cáp treo để du khách có thể tận hưởng toàn cảnh thiên nhiên hùng vĩ, tươi đẹp mà tạo hóa ban tặng cho vùng đất này.

Chùa Vạn Linh tọa lạc ở độ cao 535m trên lưng chừng núi Cấm, khuôn viên trải rộng đến 3.000m2, với kiến trúc cổ truyền mang đậm sắc thái Á Đông. Trước chùa là ngôi bảo tháp uy nghi 9 tầng, cao 35m, ngắm được toàn cảnh khu vực. Chánh điện của chùa là một tòa nhà rộng lớn, có điện Phật bày trí tôn nghiêm, các tượng thờ được tạc bằng đá quý. Quanh chùa là hoa kiểng xinh tươi, tạo nên một phong cảnh vừa thơ vừa thiền.

Trên núi Cấm có tượng Phật Di Lặc đã được Tổ chức Kỷ lục châu Á công nhận là “tượng phật Di Lặc lớn nhất trên đỉnh núi ở châu Á” vào tháng 5/2013. Tượng có chiều cao 33,6m, tổng trọng lượng cả nền và vỏ tượng gần 1.700 tấn bê tông, cốt thép. Tượng đạt độ thẩm mỹ cao về kiến trúc và hài hòa giữa không gian núi rừng. Bức tượng đặc tả rõ nét nụ cười an nhiên, từ bi, hỉ xả và bụng to đặc trưng của tượng Phật Di Lặc ở Việt Nam.

Thất Sơn Hệ thống cáp treo núi Cấm phục vụ khách thăm quan.

Chùa Phật Lớn trên núi Cấm có tên đầy đủ là Thiền viện chùa Phật Lớn, là ngôi chùa danh tiếng khắp vùng. Chùa được xây dựng năm 1912, trong chùa có pho tượng Phật cao 1,8m, lớn hơn các tượng thờ khác trong vùng nên mới gọi là chùa Phật Lớn. Tên gọi này còn để phân biệt với chùa Phật Nhỏ ở hướng Đông, cũng trên núi Cấm. Hiện nay, chùa đã được mở rộng diện tích lên đến 13,6ha, gồm nhiều công trình phục vụ du khách hành hương, vãn cảnh.

Hồ Thủy Liêm trên núi Cấm có diện tích 60.000m2 mặt nước, có sức chứa 300.000m3 nước, đường dạo quanh hồ là 1.000m. Xung quanh hồ được trồng hoa và bắc cầu tạo cảnh quan thơ mộng. Do nhu cầu tâm linh, hồ Thủy Liêm ngày nay còn trở thành địa điểm thả cá phóng sinh lý tưởng của du khách.

Từ những lợi thế riêng có, ngành Du lịch tỉnh An Giang đã xác định Khu du lịch núi Cấm là một trong những Khu du lịch trọng điểm trong chiến lược phát triển du lịch của tỉnh. Hướng tới, ngành Du lịch sẽ tăng cường nhiều hoạt động nhằm khai thác tiềm năng, đặc biệt là loại hình du lịch tâm linh và du lịch nghỉ dưỡng. Ban Quản lý Khu du lịch núi Cấm sẽ phát triển du lịch cộng đồng, xây dựng mô hình du lịch nông nghiệp, du lịch homestay, du lịch sinh thái nhà vườn, làng nghề truyền thống, tạo ra nhiều sản phẩm du lịch đa dạng.

CHIẾN KHU