Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Thảo thơm lễ vật dâng Vua

Vũ Thanh - 08:25, 28/04/2024

Với người Việt Nam, Vua Hùng là vị Vua Thủy tổ dựng nước, là tổ tiên của dân tộc. Thờ cúng Hùng Vương là một tín ngưỡng thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ người trồng cây” ăn sâu vào tâm thức mỗi người con dân Việt xuyên suốt chiều dài hàng nghìn năm lịch sử. Trong các dịp lễ hội, các thế hệ con Lạc cháu Hồng trên quê hương Đất Tổ luôn có những lễ vật dâng cúng Vua Hùng, thể hiện lòng thành kính, hiếu nghĩa, thảo thơm đối với các bậc tiền nhân đã có công dựng nước.

Người dân xã Tứ Xã (huyện Lâm Thao) chuẩn bị lễ vật dâng Vua Hùng.
Người dân xã Tứ Xã (huyện Lâm Thao) chuẩn bị lễ vật dâng Vua Hùng.

Do đặc trưng tập quán cư dân nông nghiệp, hạt lúa được coi là báu vật, “ngọc thực” nuôi sống con người, vậy nên lễ vật dâng cúng Vua Hùng trong các dịp lễ trọng không thể thiếu sản vật làm từ hạt lúa. Truyền thuyết kể rằng, Hoàng tử Lang Liêu là con trai của Vua Hùng Vương thứ 6, nhờ thần nhân báo mộng, chỉ dạy nên đã làm ra bánh chưng, bánh giầy dâng lên Vua cha và được kế nghiệp ngôi báu. Kể từ ngày ấy, bánh chưng vuông tượng trưng cho đất, bánh giầy tròn tượng trưng cho trời đã trở thành lễ vật đặc trưng dâng cúng tổ tiên. Không chỉ minh chứng cho triết lý nhân sinh và quan niệm về vũ trụ, những tấm bánh dẻo thơm chất chứa tinh túy đất trời qua các sản vật nông nghiệp còn ẩn chứa tình cảm, đạo lý sống trọng tình, vẹn nghĩa của người Việt.

Hiện nay, trên các làng quê có sinh hoạt tín ngưỡng thờ cúng các Vua Hùng, hầu hết cư dân đều coi bánh chưng, bánh giầy là đồ thờ mang tính bắt buộc. Nhiều năm nay, vào dịp Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng hằng năm, tỉnh Phú Thọ đều tổ chức hội thi gói, nấu bánh chưng, giã bánh giầy truyền thống. Các đội giành giải Nhất sẽ được vinh dự làm bánh chưng, bánh giầy cho mâm lễ vật dâng lên Vua Hùng trong lễ dâng hương ngày 10 tháng 3 Âm lịch.

Gắn bó với đời sống cư dân nông nghiệp, con lợn, con gà là nguồn thực phẩm quan trọng, quen thuộc, thiết yếu hằng ngày và cũng là những lễ vật được lựa chọn dâng cúng tổ tiên. Người Việt mấy ai không biết đến truyền thuyết Hùng Vương thứ 18 kén rể với yêu cầu lễ vật “voi chín ngà, gà chín cựa, ngựa chín hồng mao”. Không hoàn toàn là những yếu tố hư cấu, tại vùng đất Xuân Sơn, huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ vẫn bảo tồn được giống gà quý nhiều cựa, trong đó, những con gà trống có chín cựa đều được chọn làm lễ vật dâng cúng với lòng thành kính.

Trong quá trình thực hành nghi lễ, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ có nhiều nét độc đáo. Làng cổ Hùng Lô, TP. Việt Trì thờ các Vua Hùng là Thành hoàng, vào dịp mùng 10 tháng 3 Âm lịch, tục thờ cúng Vua Hùng lại được thực hành, gắn liền với lễ hội truyền thống rước kiệu tế lễ, rồi rước về Nghĩa Lĩnh.

Theo truyền thuyết còn lưu truyền: Ngày xưa, khi Vua Hùng đi săn ở rừng Thanh Sơn, Thanh Thủy, thu được nhiều gà rừng quý hiếm. Trên đường về Kinh đô, qua đất Hùng Lô (Kẻ Xốm), Vua truyền cho dừng lại nghỉ và thịt gà khao quân cùng dân làng. Từ đấy trở đi, dân làng cùng nhau lập dựng ngôi đình Hùng Lô và hằng năm, cứ vào dịp giỗ Đức Vua, cả làng lại tập trung mở hội, chọn gà làm cỗ thờ, tế tại đình làng, rồi đặt lên kiệu rước về Nghĩa Lĩnh dâng các Vua Hùng. Một trong các nghi thức phục vụ cho việc tế lễ ngày chính hội là chuẩn bị gà thờ.

Ngay từ đầu năm mới, dân làng đã họp bàn để bầu chọn người đảm trách việc làm cỗ thờ và nuôi gà thờ. Quy trình nuôi phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định: từ thức ăn đến cách chăm sóc. Đến ngày lễ hội, con gà nào được chọn lọc làm cỗ thờ đều được gọi là “Ông gà”. Người mổ gà và đảm trách việc luộc gà là những người từng trải, biết cách uốn cổ gà, luồn cánh tiên đưa vào nồi luộc. Nước luộc phải lấy từ giếng làng, hoặc lấy từ giữa dòng sông Hồng. Cũng như Hùng Lô, nhiều địa phương còn cầu kỳ hơn trong việc chế biến gà lễ. Thậm chí khi luộc gà, người dân không nhúng cả con gà trong nồi mà hai người khênh, những người khác dùng từng gáo nước sôi dội liên tục trong thời gian dài, đảm bảo gà không bị nứt, không sứt chân, đủ chín, da vàng đẹp mã...

Thi giã bánh giầy trong Lễ hội Đền Hùng.
Thi giã bánh giầy trong Lễ hội Đền Hùng.

Một trong những loại đồ thờ cúng quen thuộc trong các cuộc thực hành nghi lễ thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ là thịt lợn đen, gắn với tín ngưỡng tế hèm độc đáo. Lễ vật thịt lợn đen gắn với truyền thuyết kể về tục đi săn vào dịp đầu Xuân của Vua Hùng cùng con rể Tản Viên và quần thần tại vùng đất làng Vân Luông, xã Vân Phú, TP. Việt Trì ngày nay. Tại đây, Tản Viên đã trổ tài bắt sống con lợn rừng đầu đàn và sau đó con lợn được thịt để khao quân. Từ đó, để ghi nhớ công ơn Vua Hùng, dân làng đã lập đền thờ ngay tại khoảnh đất vua cho thịt lợn rừng khao quân năm xưa và thường niên tổ chức lễ hội “ném chài” để nhắc lại tích đi săn của đức Vua...

Cũng dùng lợn đen làm lễ dâng cúng, trong lễ hội “Rước Vua Hùng về làng ăn Tết” cư dân làng He (làng Vi và làng Trẹo hiện nay), thuộc huyện Lâm Thao, tổ chức thực hành lễ săn lợn, tục địa phương gọi là “Chạy địch”. Đại diện của hai làng cho khênh hai con lợn đen tuyền, to khỏe từ làng mình đưa vào bãi hội. Trong khi dân làng vây quanh bờ hò reo, gióng chiêng, trống rộn vang, hai nhóm thanh niên xô vào dồn lợn chạy khắp bãi. Khi hai con lợn không còn sức chạy nữa, hai nhóm người mới xông vào bắt đem về sân đình làng mình mổ thịt, chế biến thành đồ lễ dâng cúng Vua Hùng...

Cùng với những lễ vật kể trên, tùy theo mỗi địa phương, mùa vụ mà mâm cúng Vua Hùng còn có mâm xôi ngũ sắc hàm chứa ý nghĩa ngũ hành tương sinh trong ứng xử với tự nhiên, xã hội của con người; các loại hoa trái đặc sản như: Bưởi Đoan Hùng; hồng Hạc Trì, Gia Thanh.... Chất chứa trong mỗi lễ vật dâng Vua Hùng là sự nghiêm cẩn của tập tục, trân trọng trong tâm thức và thái độ ngưỡng vọng, tri ân của con dân Đất Tổ đối với các Vua Hùng, góp phần tạo nên giá trị văn hóa độc đáo của tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương.