Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Tháo gỡ kịp thời vướng mắc cho TP. Hồ Chí Minh về giáo dục, y tế, văn hóa

PV - 20:25, 05/08/2022

Chiều 5/8, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã làm việc với lãnh đạo UBND TP. Hồ Chí Minh để tháo gỡ một số khó khăn, vướng mắc trong lĩnh vực khoa giáo - văn xã.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trao đổi với Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên tại cuộc làm việc. (Ảnh: VGP/Đình Nam)
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trao đổi với Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên tại cuộc làm việc. (Ảnh: VGP/Đình Nam)

Cuộc họp có sự tham dự của Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên; Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi, lãnh đạo các Bộ Y tế, GD&ĐT, VH-TT&DL, Văn phòng Chính phủ, đại diện các sở, ngành của Thành phố.

Tại cuộc cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Dương Anh Đức đã báo cáo một số kết quả đạt được trong lĩnh vực khoa giáo - văn xã trong 6 tháng đầu năm 2022.

Cụ thể, trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch, hoạt động lễ hội, sự kiện Thành phố đã có nhiều khởi sắc, nhiều hoạt động tiêu biểu đã được triển khai trong 6 tháng đầu năm 2022. Thành phố triển khai kế hoạch phục hồi hoạt động ngành du lịch trong điều kiện thích ứng an toàn COVID-19, kế hoạch mở cửa lại hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới và tổ chức chương trình thu hút khách du lịch đến Thành phố. Tổng thu du lịch 6 tháng đầu năm ước đạt 49.681 tỷ đồng, tăng 29,9% so với cùng kỳ năm 2021, đạt 73,5% so với kế hoạch năm 2022.

Công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm, tạo việc làm mới cho người lao động tiếp tục được quan tâm thực hiện, đạt tỷ lệ trên 60% trở lên đối với các chỉ tiêu được giao; thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho 4.615 đơn vị với 187.058 lao động, số tiền hỗ trợ là 99,656 tỷ đồng; triển khai chính sách đặc thù chăm lo, hỗ trợ người cao tuổi, trẻ em mồ côi và những đối tượng có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn Thành phố.

Lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH TP. Hồ Chí Minh kiến nghị tại cuộc làm việc. (Ảnh: VGP/Đình Nam)
Lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH TP. Hồ Chí Minh kiến nghị tại cuộc làm việc. (Ảnh: VGP/Đình Nam)

Trong lĩnh vực y tế, Thành phố tập trung triển khai thực hiện các chiến lược y tế thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19; tăng cường kiểm tra, giám sát công tác phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng, bệnh đậu mùa khỉ và tiêm chủng mở rộng tại các địa phương; tháo gỡ khó khăn liên quan đến đấu thầu thuốc, vật tư trang thiết bị y tế (hiện có 63/74 đơn vị đã tiến hành đấu thầu thuốc riêng lẻ, giao Bệnh viện Hùng Vương triển khai đấu thầu thuốc tập trung).

Sau Tết Nguyên đán 2022, về cơ bản, các cơ sở giáo dục các cấp học, bậc học trên địa bàn Thành phố đều tổ chức học tập trực tiếp và bảo đảm an toàn phòng, chống dịch Covid-19 linh hoạt, phù hợp theo tình hình mới. Dự kiến năm học 2022 - 2023 vẫn bảo đảm 100% con em sinh sống trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh có đủ chỗ học, tiếp tục nâng tỷ lệ số học sinh học 2 buổi/ngày, giảm số học sinh bình quân/lớp.

Đối với công tác thông tin và truyền thông, Thành phố tập trung triển khai Chương trình "Chuyển đổi số", Đề án "Xây dựng TP. Hồ Chí Minh trở thành đô thị thông minh", đưa vào vận hành chính thức Hệ thống tổng hợp thông tin kinh tế - xã hội phục vụ công tác chỉ đạo điều hành của Thành phố và nâng cấp triển khai Hệ thống giám sát việc xử lý phản ánh, kiến nghị của người dân.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn đồng tình với kiến nghị của TP. Hồ Chí Minh về đổi mới cơ cấu và tổ chức trạm y tế, không phân bổ trạm y tế theo hệ thống hành chính mà theo khu vực và quy mô dân số. (Ảnh: VGP/Đình Nam)
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn đồng tình với kiến nghị của TP. Hồ Chí Minh về đổi mới cơ cấu và tổ chức trạm y tế, không phân bổ trạm y tế theo hệ thống hành chính mà theo khu vực và quy mô dân số. (Ảnh: VGP/Đình Nam)

Tại cuộc họp, lãnh đạo các bộ và sở, ngành của TP. Hồ Chí Minh đã trao đổi cụ thể về những đề xuất, kiến nghị trong lĩnh vực khoa giáo - văn xã.

Giám đốc Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh Tăng Chí Thượng nêu 3 vấn đề đang đặt ra đối với ngành y tế TP. Hồ Chí Minh: Khả năng thiếu vaccine sởi và bạch hầu; nhiều người trên 18 tuổi không thuộc nhóm đối tượng theo hướng dẫn của Bộ Y tế nhưng muốn được ưu tiên tiêm mũi tăng cường thứ 2 (mũi 4); một số bệnh viện tự chủ gặp khó khăn về nguồn thu do chưa thực hiện tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết Bộ đã đặt hàng các đơn vị sản xuất 8 loại vaccine, trong đó có vaccine sởi. Về tiêm vaccine phòng Covid-19, TP. Hồ Chí Minh triển khai rất tích cực việc tiêm vaccine phòng Covid-19 mũi tăng cường thứ 2 (mũi 4) theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Thành phố cần có văn bản đề xuất để Bộ Y tế cân đối vaccine trên cả nước để Thành phố hoàn thành tiêm mũi 4 cho các đối tượng theo hướng dẫn và các đối tượng khác một cách phù hợp.

Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn đồng tình với kiến nghị đổi mới cơ cấu và tổ chức trạm y tế, không phân bổ trạm y tế theo hệ thống hành chính (mỗi phường, xã, thị trấn có trạm y tế) mà theo khu vực và quy mô dân số (cứ mỗi khu vực có 10.000 dân thì có một trạm y tế); bổ sung định mức số lượng người làm việc, loại hình nhân viên y tế của trạm y tế bảo đảm phù hợp với chức năng và nhiệm vụ của trạm (bên cạnh bác sĩ, điều dưỡng, hộ sinh, dược sĩ, cần quan tâm đến loại hình nhân viên y tế công cộng).

Còn về ý kiến của Giám đốc Sở GD&ĐT TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Hiếu, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc cho biết Bộ GD&ĐT đang dự thảo nghị định sửa đổi về hoạt động đầu tư trong lĩnh vực giáo dục và ghi nhận những khó khăn khi thực hiện hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục, thực hiện liên kết giáo dục. Bộ GD&ĐT cũng đã có văn bản gửi Bộ Nội vụ để giải quyết vấn đề biên chế phó hiệu trưởng tại những trường học có số lớp nhiều hơn quy định.

Ông Nguyễn Văn Hiếu cũng kiến nghị Bộ GD&ĐT sớm có văn bản chính thức về việc điều chỉnh lộ trình tăng học phí, hướng dẫn mới về danh mục khung vị trí việc làm và định mức số lượng người làm việc trong các sơ sở giáo dục mầm non công lập.

Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Tạ Quang Đông ủng hộ Thành phố triển khai thí điểm đề án phát triển kinh tế ban đêm; ghi nhận ý kiến của lãnh đạo Sở Du lịch TP. Hồ Chí Minh là tiếp tục tạo thuận lợi cho du khách nhập cảnh, kéo dài thời gian lưu trú, ưu đãi một số loại thuế, phí cho DN du lịch.

Qua ý kiến của Phó Giám đốc Sở VH-TT TP. Hồ Chí Minh Võ Trọng Nam, Thứ trưởng Tạ Quang Đông đồng tình với chủ trương Thành phố chủ động đặt hàng đào tạo bồi dưỡng tài năng, năng khiếu cho huấn luyện viên, vận động viên, diễn viên...

Qua các ý kiến trao đổi tại cuộc họp, Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên cho biết lĩnh vực khoa giáo - văn xã của Thành phố còn nhiều khó khăn, vướng mắc, rất cần được Chính phủ, các bộ, ngành phối hợp tháo gỡ. Lãnh đạo các sở, ngành tiếp thu đầy đủ để triển khai trong thời gian tới trên tinh thần "linh hoạt, sáng tạo, thí điểm".

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh TP. Hồ Chí Minh không chỉ là trung tâm kinh tế, văn hóa, khoa học quan trong hàng đầu của cả nước mà luôn luôn là cái nôi của đổi mới. (Ảnh: VGP/Đình Nam)
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh TP. Hồ Chí Minh không chỉ là trung tâm kinh tế, văn hóa, khoa học quan trong hàng đầu của cả nước mà luôn luôn là cái nôi của đổi mới. (Ảnh: VGP/Đình Nam)

Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh TP. Hồ Chí Minh không chỉ là trung tâm kinh tế, văn hóa, khoa học quan trọng hàng đầu của cả nước mà luôn luôn là "cái nôi" của đổi mới, đồng thời là điểm tựa phát triển của cả vùng. Trong khi đó, nhiều chính sách hoạch định chung cho cả nước khi áp dụng vào thực tiễn của Thành phố nảy sinh những vướng mắc cụ thể cũng như để lại nhiều kinh nghiệm quý. "Với các quy định luật pháp hiện nay Thành phố cần áp dụng một cách sáng tạo để tháo gỡ một số vấn đề đúng thẩm quyền", Phó Thủ tướng nói và đề nghị TP. Hồ Chí Minh lập nhóm công tác làm việc, trao đổi thường xuyên, chặt chẽ với các bộ, ngành để tháo gỡ ngay những khó khăn, vướng mắc.

Phó Thủ tướng dành thời gian làm rõ thêm một số vấn đề cụ thể được nêu trong cuộc họp: Lộ trình điều chỉnh học phí, cơ chế đặt hàng đào tạo nghệ thuật, phát triển hệ thống y tế cơ sở...

Phó Thủ tướng nhấn mạnh chính sách về học phí cần đi kèm với việc đổi mới cơ chế quản trị các trường phổ thông thành thiết chế cộng đồng cho phép huy động nguồn lực xã hội tham gia xây dựng, phát triển nhà trường; lựa chọn các trường phổ thông công lập có chất lượng tốt, cho thu học phí cao, đủ chi trả lương cho giáo viên để dành biên chế hưởng lương từ ngân sách Nhà nước cho những nơi có nhu cầu cấp thiết hơn.

Việc điều chỉnh học phí THCS sẽ theo hướng tính đúng, tính đủ và ngân sách Nhà nước cấp bù cho phần học phí được miễn, giảm hoặc tăng thêm, vừa bảo đảm nguồn thu cho các trường phổ thông và không ảnh hưởng đến quyền lợi của phụ huynh học sinh.

Đồng tình với ý kiến của Phó Thủ tướng, lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh cho biết sẽ tính toán phương án nếu miễn, giảm học phí nhưng nguồn thu của các trường THCS vẫn được bảo đảm.

Về vấn đề sách giáo khoa, Phó Thủ tướng đề nghị TP. Hồ Chí Minh làm việc với Bộ GD&ĐT về phương án sử dụng ngân sách của Thành phố mua sách giáo khoa đưa vào thư viện để cho học sinh mượn dùng; phát động phong trào giữ gìn sách giáo khoa, giảm tỉ lệ hao hụt sách tối đa sau mỗi năm học.

Về lâu dài, Phó Thủ tướng mong muốn TP. Hồ Chí Minh có lộ trình, thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ (đất đai dành cho giáo dục, biên chế, tiêu chuẩn trường, lớp) để có đủ trường, lớp nhằm khắc phục cho được tình trạng thi căng thẳng vào các lớp đầu cấp Tiểu học, THCS, THPT. Các trường phổ thông ở TP. Hồ Chí Minh đi trước một bước trong tăng cường giảng dạy các môn nghệ thuật.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ GD&ĐT bàn bạc với TP. Hồ Chí Minh phương án thí điểm cơ chế quản lý nhằm tạo điều kiện để Thành phố được đầu tư, sử dụng thuận lợi, hiệu quả nguồn lực của một số trường đại học lớn trực thuộc Bộ trên địa bàn Thành phố với mục tiêu xây dựng TP. Hồ Chí Minh thành một trung tâm khoa học - công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao hàng đầu của đất nước.

Đối với lĩnh vực VH-TT&DL, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ VH-TT&DL khẩn trương làm việc, hướng dẫn TP. Hồ Chí Minh thực hiện hiệu quả cơ chế đặt hàng sáng tác, đào tạo, biểu diễn trong lĩnh vực này.

Liên quan đến lĩnh vực y tế, Phó Thủ tướng đề nghị TP. Hồ Chí Minh tập trung phát triển y tế cơ sở theo định hướng y học gia đình, quản lý sức khoẻ ban đầu cho người dân. "Làm sao mọi người dân đều được kiểm tra sức khoẻ định kỳ, phát hiện sàng lọc sớm ngay từ lúc chưa ốm, chưa phát bệnh, từ đó sẽ giúp giảm gánh nặng chi phí điều trị".

"Bộ Y tế cần khẩn trương ban hành danh mục dịch vụ cho y tế cơ sở (dự phòng, điều trị các bệnh ở cấp cơ sở, kiểm tra sức khỏe định kỳ)", Phó Thủ tướng lưu ý thêm.

Phó Thủ tướng thống nhất với Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên về việc lập tổ công tác làm việc thường xuyên, chặt chẽ với các bộ, ngành để tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong lĩnh vực khoa giáo - văn xã.