Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Thanh Hóa: Sản phẩm OCOP chưa phát triển tương xứng với tiềm năng vùng DTTS và miền núi

Quỳnh Trâm - 16:03, 01/03/2021

Thanh Hóa có 11 huyện miền núi, với nhiều sản phẩm nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp đặc trưng có giá trị kinh tế, thương mại cao, có thể phát triển thành các sản phẩm OCOP. Tuy nhiên, sau hơn 2 năm triển khai thực hiện Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP), hiện tại khu vực miền núi tỉnh Thanh Hóa có 10 sản phẩm của 7 chủ thể, thuộc 5 huyện Như Xuân, Như Thanh, Thường Xuân, Thạch Thành và Quan Hóa, được công nhận là sản phẩm OCOP cấp tỉnh. Đây là con số quá nhỏ so với tiềm năng của địa phương.

Cam Vân Du (Thạch Thành) được đánh giá là một trong những sản phẩm OCOP tiềm năng. Ảnh: Lê Hòa
Cam Vân Du (Thạch Thành) được đánh giá là một trong những sản phẩm OCOP tiềm năng. Ảnh: Lê Hòa

Nhiều sản phẩm lợi thế 

Tại huyện Ngọc Lặc, để xây dựng và phát triển chương trình OCOP, ngành chức năng đã khảo sát cho thấy, trên địa bàn có gần 20 sản phẩm lợi thế, đây đều là các sản phẩm có giá trị kinh tế, có khả năng mở rộng thị trường và có thể phát triển thành các sản phẩm OCOP trong tương lai gần.Song, đa phần các sản phẩm vẫn còn ở quy mô nhỏ lẻ. Vì thế, dù tiềm năng lớn, địa phương này vẫn chưa có sản phẩm gắn mác OCOP của riêng mình.

Ông Đặng Văn Quang, Phó Chủ tịch UBND huyện Ngọc Lặc cho biết: Huyện đang nỗ lực quan tâm đến các sản phẩm lợi thế hiện có, chuẩn hóa thành sản phẩm OCOP theo đúng chu trình của tỉnh đề ra.

Hiện tại, huyện Ngọc Lặc đã có 5 sản phẩm đăng ký tham gia đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh năm 2021, gồm: tinh bột sắn dây, miến dong (xã Ngọc Liên); gạo nếp hạt cau Thạch Lập (xã Thạch Lập); cà gai leo, cao thìa canh (xã Quang Trung). Ngoài ra, còn có các sản phẩm lợi thế tham gia Chương trình OCOP trong giai đoạn tiếp theo, như: rau an toàn, mật ong Kiên Thọ, cam, bưởi, trà nhúng rau má, thịt dê sấy khô, măng tây sấy lạnh...

Ông Quang nhận định, một vấn đề đang gây trở ngại cho quá trình thực hiện chương trình OCOP của huyện, chính là nhận thức của người dân chưa đầy đủ, việc sản xuất hàng hóa thiếu tập trung, chưa xác định được mục tiêu của sản phẩm. Các sản phẩm đặc thù của địa phương còn manh mún, nhỏ lẻ, tự cung, tự cấp...

Ví dụ như miến dong là sản phẩm truyền thống của địa phương, rất có tiềm năng trở thành sản phẩm OCOP của huyện. Tuy nhiên, sản phẩm này chủ yếu phát triển ở hộ gia đình, quy mô sản xuất nhỏ, lẻ và thủ công là chính. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia chương trình OCOP của cán bộ còn hạn chế, hiểu biết về thị trường còn yếu; kiến thức, kỹ năng về thị trường của cộng đồng và đội ngũ cán bộ chưa cao…

Tương tự, Như Xuân cũng là một huyện miền núi có nhiều sản phẩm nông nghiệp đa dạng. Tuy nhiên, đến nay, huyện này cũng mới có 2 sản phẩm được công nhận OCOP của tỉnh là cam Xã Đoài Như Xuân và cam Đường Canh Như Xuân.

Ông Phạm Văn Tuấn, Trưởng Phòng Nông nghiệp huyện cũng thông tin, trên địa bàn có rất nhiều sản phẩm đặc trưng mang giá trị văn hóa, kinh tế cao. Tuy nhiên, quy mô sản xuất của các chủ thể chưa lớn, chưa đáp ứng được các yêu cầu về chất lượng, mẫu mã, vệ sinh an toàn thực phẩm...

Sắn dây Ngọc Liên của huyện Ngọc Ngọc Lặc đã đăng ký tham gia sản phẩm OCOP cấp tỉnh năm 2021
Sắn dây Ngọc Liên của huyện Ngọc Ngọc Lặc đã đăng ký tham gia sản phẩm OCOP cấp tỉnh năm 2021

Nhiều trở ngại trong việc xây dựng sản phẩm OCOP

Thống kê của Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới tỉnh Thanh Hóa, hiện khu vực miền núi đã có 10 sản phẩm OCOP cấp tỉnh, thuộc 5 huyện: Như Xuân, Như Thanh, Thường Xuân, Thạch Thành và Quan Hóa. Trong đó, có sản phẩm tinh dầu quế và ống hút tre của huyện Thường Xuân đạt tiêu chuẩn 4 sao. Ngoài ra, khu vực miền núi còn có nhiều sản phẩm đặc trưng nổi tiếng, như: vịt Cổ Lũng, cam Vân Du, mía Kim Tân, kẹo nhãn Lang Chánh...

Theo đánh giá của Văn phòng này, tiềm năng của khu vực miền núi rất lớn, nhưng khi bắt tay vào thực hiện Chương trình OCOP, nhiều địa phương gặp khó khăn, lúng túng; thậm chí có những địa phương cũng chưa thực sự quan tâm, dẫn đến ít sản phẩm xây dựng được thương hiệu; sức cạnh tranh thấp; chưa gắn kết được lịch sử, văn hóa của địa phương; chưa có sự liên kết để tạo nên chuỗi giá trị gia tăng, nên hạn chế trong việc tạo vùng nguyên liệu, thu hút nhà đầu tư thực hiện các dự án quy mô lớn, sử dụng công nghệ hiện đại. Đặc biệt, các chủ thể hạn chế trong việc nghiên cứu, dự báo xu thế phát triển, nhu cầu thị trường...

Do đó, để các sản phẩm lợi thế của khu vực này khẳng định được vị thế, trở thành sản phẩm OCOP chiếm lĩnh thị trường, ngoài sự quan tâm, trợ lực của chính quyền địa phương, thì các chủ thể sản xuất cần  thay đổi mạnh mẽ hơn nữa tư duy sản xuất; chủ động và nỗ lực nhiều hơn nữa để hoàn thiện chất lượng sản phẩm của mình đáp ứng yêu cầu của thị trường, và từng bước xây dựng thương hiệu cho sản phẩm.