Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Thanh Hóa: Được đầu tư hoành tráng nhưng nhiều cơ sở dạy nghề vẫn vắng bóng học viên

Quỳnh Chi - 18:49, 26/12/2021

Dù đã được đầu tư xây dựng khang trang, với hệ thống máy móc, trang thiết bị dạy và học tương đối đầy đủ và hiện đại, nhưng những năm gần đây, nhiều trung tâm giáo dục nghề nghiệp-giáo dục thường xuyên miền núi, vùng DTTS tỉnh Thanh Hóa không thu hút được học viên, bỏ phí nguồn lực đầu tư...

Trung tâm GDNN-GDTX huyện Thường Xuân với 18 phòng học và phòng chức năng hiện đại nhưng không phát huy được tác dụng
Trung tâm GDNN-GDTX huyện Thường Xuân với 18 phòng học và phòng chức năng hiện đại nhưng không phát huy được tác dụng

Nhiều phòng học đắp chiếu

Tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên (GDNN-GDTX) huyện Thường Xuân, nhiều phòng học cửa đóng then cài, trang thiết bị dạy học bị phủ bụi không người đụng đến…; Hiện nay, Trung tâm đang dồn vào kho để lấy nơi làm khu cách ly riêng cho việc phòng, chống dịch Covid-19 của địa phương.

Được biết, Trung tâm này khánh thành và đưa vào sử dụng từ tháng 4/2013, với 18 phòng học và phòng chức năng được trang bị đầy đủ thiết bị dạy học, thực hành. Tuy nhiên, từ khi được đầu tư xây dựng đến nay, nhiều lớp học trong tình trạng "đắp chiếu", nhất là những lớp dạy nghề phi nông nghiệp. 

Đơn cử như, xưởng mộc dân dụng của Trung tâm chưa một lần hoạt động để phục vụ việc dạy và học, bởi không có học viên nào của huyện tham gia học nghề. Theo đó, hơn 300 triệu đồng đã được đầu tư cho các thiết bị ở xưởng mộc không phát huy được tác dụng.

Theo lãnh đạo Trung tâm, khó khăn lớn nhất trong công tác đào tạo nghề cho lao động miền núi, là đồng bào DTTS thích lao động tự do, không quen với lao động có tác phong công nghiệp; rất ít lao động chịu đi học nghề để vào làm việc tại các nhà máy. Nhận thức của người dân đối với việc học nghề còn hạn chế.

Tuy nhiên, qua khảo sát, một lý do khác, là người lao động rất thiếu thông tin, hầu như họ không biết chọn nghề gì để học. Một số học viên đi học, với tâm lý để nhận hỗ trợ là chính; Ngoài ra, nếu có sự hỗ trợ của Nhà nước thì mới tham gia đăng ký học nghề... khiến cho tỷ lệ lao động tại khu vực này đăng ký tham gia học nghề thấp.

Tương tự, Trung tâm GDNN-GDTX huyện Quan Hóa hiện có 6 dãy nhà kiên cố, bao gồm các phòng học văn hóa, lý thuyết, thực hành, khu ký túc xá… Mặc dù, hạ tầng khang trang, nhưng Trung tâm vẫn thiếu vắng học viên.

Ước tính, mỗi năm trên địa bàn huyện có khoảng 900 - 1.000 học sinh tốt nghiệp THCS. Sau khi phân luồng, 70% học sinh vào THPT, còn khoảng 30% học sinh định hướng theo học các trường nghề và lựa chọn khác. Nhưng mỗi năm Trung tâm GDNN-GDTX huyện Quan Hóa chỉ tuyển sinh được 15 - 20 học viên. 

Năm học 2021 - 2022, Trung tâm chỉ tuyển sinh được 14 học viên học văn hóa. Hiện tại, cả 3 khối chỉ có 50 học viên, vì vậy Trung tâm không thể liên kết với các cơ sở đào tạo nghề để mở lớp. Cá biệt trong 2 năm: 2020 và 2021, Trung tâm này không có học viên đăng ký hồ sơ tham gia học nghề.

Theo ông Phạm Thanh Tùng, Giám đốc Trung tâm GDNN-GDTX huyện Quan Hóa, mặc dù Trung tâm đã tiếp cận với các trường THCS và học sinh lớp 9 để tư vấn hướng nghiệp cho học sinh lựa chọn Trung tâm để vừa học văn hóa và vừa học nghề. Tuy nhiên, nhiều học sinh có tâm lý thích thi vào các trường THPT công lập, sau đó tiếp tục học lên đại học, cao đẳng, nên công tác tuyển sinh đạt hiệu quả thấp. 

Bên cạnh đó, các trường đại học, cao đẳng đang mở rộng đào tạo các ngành nghề, có nhiều chính sách thu hút người học, càng khiến các Trung tâm GDNN-GDTX yếu thế hơn trong “cuộc đua” tuyển sinh.

Cùng cảnh khó khăn là Trung tâm GDNN-GDTX huyện Bá Thước. Ông Phạm Văn Nghĩa, Giám đốc Trung tâm, cho biết hằng năm, Trung tâm đều xây dựng kế hoạch đào tạo, đẩy mạnh công tác tuyên truyền vai trò, sự cần thiết của việc học nghề sâu rộng trong quần chúng nhân dân. 

Tuy nhiên, một bộ phận lớn người dân chưa nhận thức đúng đắn về vai trò của việc học nghề, nên không mặn mà cho con em học nghề. Những năm qua, Trung tâm chủ yếu mở các lớp dạy nghề ngắn hạn cho người dân từ nguồn kinh phí của Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” theo Quyết định 1956 ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ”.

Thiếu học sinh, nên nhiều phòng học kiên cố với trang thiết bị được đầu tư cũng tương đối đồng bộ của Trung tâm GDNN-GDTX huyện Bá Thước đang để bụi phủ.

Trung tâm GDNN-GDTX huyện Quan Hóa còn có khu ký túc xá, nhưng vẫn không thu hút được học viên
Ký túc xá của Trung tâm GDNN-GDTX huyện Quan Hóa cũng được đầu tư khang trang sạch đẹp, nhưng luôn để không

Cần có giải pháp mới

Theo thống kê của Phòng GDNN (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội), hiện tổng số cơ sở tham gia hoạt động GDNN trên địa bàn toàn tỉnh là 88 cơ sở, trong đó có 12 trường cao đẳng, 17 trường trung cấp; 30 trung tâm GDNN... 

Ngoài ra, các trường đại học, cao đẳng, các doanh nghiệp cũng tham gia dạy nghề. Giai đoạn 2016 - 2019, các cơ sở đào tạo nghề nghiệp và các doanh nghiệp trong tỉnh đã tuyển sinh đào tạo, kèm cặp truyền nghề cho 392.988 người.

Nói về nguyên nhân các trường nghề vắng học viên, bà Nguyễn Thị Hương, Phó trưởng Phòng GDNN, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh lý giải, vì tỉnh có thế mạnh về cây công nghiệp lâu năm và chăn nuôi, nên người dân nông thôn có nhiều cơ hội tìm công việc phù hợp với thu nhập ổn định mà không cần bằng cấp, chứng chỉ nghề. 

Bên cạnh đó, do nhiều đơn vị dạy nghề cùng đào tạo một nghề, nên xảy ra tình trạng “giẫm chân lên nhau”. Rồi dạy những nghề không phù hợp với địa phương, đội ngũ giảng viên dạy nghề chắp vá... nên không thu hút được học viên.

Theo bà Hương, những ngành thế mạnh của tỉnh như lọc hóa dầu, sản xuất thép, quản lý và vận hành các nhà máy nhiệt điện, thủy điện... lại chưa được các cơ sở đào tạo, dạy nghề trên địa bàn quan tâm; cũng chưa có sự gắn kết giữa cơ sở dạy nghề và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

"Trong khi đó, nội dung giảng dạy còn nặng lý thuyết, chưa sát thực tế, chưa chú trọng đào tạo ngoại ngữ và kỹ năng mềm... Việc định hướng lựa chọn ngành nghề đặc trưng của các cơ sở cũng yếu kém, dẫn đến tình trạng đào tạo nghề chồng chéo, chất lượng đào tạo chưa được quan tâm thỏa đáng. Người học ra trường chưa đáp ứng được yêu cầu của công việc, dẫn đến tình trạng thất nghiệp với chính nghề được đào tạo ra…”, bà Hương phân tích.

Có thể thấy, công tác đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa chưa thực sự tạo ra hiệu quả đột phá. Ngành chức năng cần thiết phải có những giải pháp cơ cấu lại các trường, trung tâm dạy nghề để tránh tình trạng lãng phí nguồn lực đầu tư kéo dài.