Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Thanh Hóa: Cây kinh tế chủ lực ở nhiều huyện miền núi thiếu đầu ra

Quỳnh Trâm - 19:52, 02/04/2023

Cây luồng được xác định là cây kinh tế chủ lực trong xóa đói giảm nghèo ở vùng DTTS, miền núi Thanh Hóa. Tuy nhiên, thời gian vừa qua, việc trồng và phát triển chưa gắn được đầu ra để nâng cao giá trị của cây luồng, dẫn tới việc lãng phí nguồn tài nguyên, người dân thu nhập chưa cao từ cây chủ lực này.

Hội nghị xây dựng mô hình chuỗi giá trị tre, luồng theo hướng phát triển bền vững
Hội nghị xây dựng mô hình chuỗi giá trị tre, luồng theo hướng phát triển bền vững

Giá trị sản xuất thấp

Thanh Hóa có hơn 78.000 ha rừng tre luồng, bình quân mỗi năm cung cấp 60 triệu cây (tương đương 1,6 triệu tấn nguyên liệu) và 80.000 tấn nguyên liệu khác (mùn cưa...), phục vụ chế biến và xuất khẩu. Giá trị sản xuất hàng năm đạt gần 553 tỷ đồng, chiếm 28,2% giá trị sản xuất ngành lâm nghiệp, giá trị xuất khẩu bình quân 2,17 triệu USD.

Vùng trồng luồng thâm canh tập trung chủ yếu tại các huyện Quan Hóa, Lang Chánh, Ngọc Lặc, Quan Sơn, Thường Xuân, Bá Thước, Cẩm Thủy, giải quyết việc làm cho 102.000 lao động, chiếm 40,8% lao động trong ngành lâm nghiệp. Do đó, tỉnh Thanh Hóa có tiềm năng rất lớn để phát triển chuỗi giá trị tre, luồng và xem đây là loài cây chủ lực của tỉnh.

Tuy nhiên, bao năm nay, hình thức liên kết theo chuỗi giá trị trong sản xuất ở các huyện nhìn chung chưa phát triển, các nhà máy chế biến chưa gắn kết với vùng nguyên liệu; việc ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất chưa đáp ứng được yêu cầu; sản phẩm chủ yếu là sản phẩm thô hoặc nguyên liệu trung gian; chưa có nhiều sản phẩm chế biến sâu, giá trị hàng hóa sau chế biến chưa cao. Tỷ lệ nguyên liệu đưa vào chế biến còn thấp (ước đạt khoảng 40%), chủ yếu là tiêu thụ ở dạng nguyên liệu thô, sản phẩm chế biến mới chỉ ở dạng sơ chế nên giá trị sản xuất thấp và gây lãng phí tài nguyên, ô nhiễm môi trường.

Cây luồng được xác định là cây kinh tế chủ lực trong xóa đói giảm nghèo ở vùng DTTS, miền núi Thanh Hóa
Cây luồng được xác định là cây kinh tế chủ lực trong xóa đói giảm nghèo ở vùng DTTS, miền núi Thanh Hóa

Theo đánh giá của ngành lâm nghiệp, thu nhập bình quân hằng năm của các hộ trồng luồng tại Thanh Hóa chỉ đạt đạt 7 - 9 triệu đồng/ha. Nhiều hộ gia đình khai thác cả luồng non (tuổi 1 và 2) là cây chủ yếu sinh măng, làm giảm số lượng cây luồng/bụi. Cường độ khai thác quá mức làm cho khoảng 46,2% diện tích rừng luồng trên địa bàn tỉnh đang bị thoái hóa.

Gia đình ông Vi Hồng Nghị ở xã Tân Phúc (Lang Chánh) có 10 ha trồng luồng. Ông Nghị cho hay, diện tích phần lớn là luồng thuần và được khai thác liên tục trong nhiều năm do thu nhập chủ yếu của gia đình là từ cây luồng. Tuy nhiên, ông và các hộ khác ở địa phương chủ yếu trồng luồng theo phương pháp truyền thống, nên năng suất thấp, giá thành không ổn định và thường xuyên bị thương lái ép giá. Hằng năm, cây luồng cho gia đình ông thu nhập chỉ đạt khoảng 10 triệu đồng/ha.

Còn nhiều khó khăn hạn chế 

Tại huyện Bá Thước có diện tích rừng luồng lên tới 11.097 ha, tập trung ở các xã Thiết Ống, Văn Nho, Điền Trung, Thiết Kế, Ái Thượng, Điền Quang… Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch UBND huyện Bá Thước Lê Quang Huy, trong quá trình sản xuất, chưa có sự liên kết sản phẩm theo chuỗi giá trị giữa người trồng luồng với các doanh nghiệp. Vì vậy, giá trị sản xuất cây luồng chưa cao (khoảng 20 triệu đồng/ha), giá cả thường lên xuống bấp bênh, không ổn định.

Trên địa bàn huyện chưa có các nhà máy chế biến sâu để có thể sản xuất được các sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ tre luồng, hay tre, luồng ép khối để nâng giá trị cây tre, luồng. Diện tích phục tráng rừng luồng còn ít, mới được 3.350/11.000 ha, chiếm 30,5%. Đường giao thông phục vụ khai thác lâm sản, sản xuất của Nhân dân còn hạn chế, vì vậy chi phí khai thác luồng còn cao.

Tại các xã trồng luồng của huyện Bá Thước chưa thành lập được HTX thu mua nguyên liệu, mà chỉ thông qua một số đầu mối để tập kết bán cho thương lái. Ngoài ra, trên địa bàn cũng chưa có diện tích rừng luồng xây dựng được chứng chỉ rừng bền vững (FSC).

Hiện trên địa bàn các huyện miền núi tỉnh Thanh Hóa, có 57 cơ sở chế biến tre luồng, mỗi năm tiêu thụ 27 triệu cây, 36.000 tấn nguyên liệu khác, chiếm 45% sản lượng; 55% sản lượng tre luồng; còn lại được tiêu thụ qua 50 cơ sở nhỏ lẻ trong tỉnh, sản xuất sản phẩm thô (tăm đũa, vàng mã...) và một số cơ sở chế biến ở tỉnh ngoài. Tuy nhiên, việc liên doanh, liên kết theo chuỗi giá trị sản xuất tre luồng ở các huyện miền núi chưa nhiều,  mới chỉ có 2 doanh nghiệp liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ, cấp chứng chỉ FSC cho rừng tre, luồng với 5.414,6 ha.

Tỉnh Thanh Hóa có tiềm năng rất lớn để phát triển chuỗi giá trị tre, luồng
Tỉnh Thanh Hóa có tiềm năng rất lớn để phát triển chuỗi giá trị tre, luồng

Tập trung phát triển liên kết theo chuỗi giá trị

Để phát triển liên kết theo chuỗi giá trị trong sản xuất tre luồng, huyện Lang Chánh đã thu hút được Công ty Bamboo King Vina đầu tư nhà máy tre luồng công nghệ cao với công suất 1.500 tấn/ngày. Dự kiến nhà máy khánh thành vào tháng 5/2023. Khi nhà máy đi vào hoạt động dự kiến tạo việc làm cho khoảng 1.500 lao động trực tiếp và hàng chục nghìn lao động gián tiếp trong và ngoài địa phương...

Tranh thủ nguồn kinh phí hỗ trợ từ các chương trình, dự án, các huyện Quan Hóa, Quan Sơn đã tập trung đầu tư thâm canh nâng cao giá trị cây luồng, đồng thời kêu gọi doanh nghiệp liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững (FSC). 

Ông Hà Văn Hữu - Bản Sại, xã Phú Lệ, huyện Quan Hóa, tỉnh Thanh Hóa cho biết: "Chúng tôi được tập huấn khai thác, bón phân đúng thời điểm, măng mọc nhiều hơn giá cả ổn định, bảo nhau khai thác theo từng khoảnh"

Phát triển rừng luồng thâm canh theo chuỗi giá trị, thu nhập mỗi ha 1 năm đạt từ 26 - 27 triệu đồng, tăng 1,5 lần so với trồng luồng truyền thống. Nhưng trong số 78.000 ha tre, luồng, vầu của Thanh Hóa, mới có trên 5.400 ha tại hai huyện Quan Sơn và Quan Hóa được liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ theo chuỗi giá trị và được cấp chứng chỉ FSC. 

Ông Cao Văn Cường - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa cho biết: Thời gian tới, đơn vị phối hợp với các sở, ngành, cơ quan, đơn vị, các địa phương, Công ty CP Bamboo King Vina xây dựng mô hình phát triển tre luồng tại huyện Lang Chánh theo chuỗi giá trị để nhân rộng. 

Đồng thời, ngành nông nghiệp tiếp tục tổ chức thực hiện có hiệu quả chính sách phục tráng rừng luồng, đẩy mạnh phát triển vùng thâm canh luồng, nâng cao năng suất, chất lượng rừng luồng và thúc đẩy việc cấp chứng chỉ rừng FSC, gắn chế biến với xuất khẩu. Các địa phương trồng luồng cũng đã có kế hoạch tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị từ trồng rừng, thu mua nguyên liệu đến chế biến và tiêu thụ, nâng cao giá trị sản phẩm.

Cùng với đó, ngành Nông nghiệp và các địa phương đẩy mạnh việc thu hút các nhà đầu tư có tiềm lực về tài chính, quản trị doanh nghiệp, công nghiệp hiện đại, sản xuất quy mô lớn, chế biến sâu, gắn với xây dựng thương hiệu, nâng cao giá trị sản phẩm, hạn chế việc chế biến thô giá trị thấp.