Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Tháng Tám về thăm xã Anh hùng Bản Ngoại

Hiếu Anh - 17:49, 18/08/2021

Xã Bản Ngoại, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên là địa phương vinh dự được Bác Hồ ở lại lâu nhất trong thời gian Người ở ATK Thái Nguyên. Bản Ngoại cũng đã vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu đơn vị Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân. Tiếp nối truyền thống Cách mạng, Bản Ngoại hôm nay đã nỗ lực vươn lên về đích nông thôn mới (NTM) năm 2015 và đang trên đường hoàn thành Chương trình xây dựng NTM nâng cao.

Đoàn thanh niên xã Bản Ngoại, huyện Đại Từ (Thái Nguyên) thắp hương tri ân các Anh hùng liệt sỹ tại Nghĩa trang liệt sỹ tỉnh
Đoàn thanh niên xã Bản Ngoại, huyện Đại Từ (Thái Nguyên) thắp hương tri ân các Anh hùng liệt sỹ tại Nghĩa trang liệt sỹ tỉnh

Vẹn nguyên ký ức về Người

Cứ mỗi độ tháng Tám mùa Thu, cả dân tộc Việt Nam lại nao nao sống trong miền ký ức của cuộc Cách mạng tháng Tám hào hùng và cuộc kháng chiến chống Pháp. Theo dòng lịch sử, chúng tôi có dịp hành hương về xã Bản Ngoại, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên - nơi Bác Hồ đã từng ở và làm việc từ tháng 8 đến tháng 10/1954, trước khi Người về Thủ đô.

Mỗi lần nhớ về Bác, ông Triệu Sơn, người dân thôn Đầm Mua đều rưng rưng xúc động. Ông kể, vào tháng 8 năm ấy, ngày Bác về Bản Ngoại, lúc ấy ông mới còn là cậu thiếu niên hồn nhiên. Một hôm, ông cùng với những người dân trong làng thấy một đoàn người về thôn Đầm Mua, rồi dừng lại đồi Thành Trúc dựng nhà để ở. Đây là nơi ông và những bạn đồng trang lứa vẫn thường chăn trâu rồi chơi đánh khăng, đánh đáo.

Qua hàng rào, ông  thấy một ông già dáng vẻ gầy gò, chòm râu dài quắc thước ngồi gõ máy đánh chữ miệt mài dưới gốc cây gạo cổ thụ. Thỉnh thoảng, lại thấy ông già đó chơi bóng chuyền với những người thanh niên khác. 

Sau này, ông Sơn mới biết đó là Bác Hồ và rất xúc động, cảm phục, kính trọng nhân cách vĩ đại với cuộc sống giản dị của Người.

Đoàn Thanh niên xã Bản Ngoại tới thăm gia đình chính sách nhân dịp ngày Thương binh liệt sĩ 27/7
Đoàn Thanh niên xã Bản Ngoại tới thăm gia đình chính sách nhân dịp ngày Thương binh liệt sĩ 27/7

Không riêng gì ông Sơn, mà trong tâm khảm mỗi người dân Bản Ngoại, hình ảnh của Bác luôn hằn sâu trong tim, là niềm tự hào của người con xứ sở. Anh Nông Văn Lợi, Bí thư Đoàn Thanh niên xã Bản Ngoại bày tỏ, thế hệ anh sinh ra và lớn lên trong cảnh đất nước hòa bình, song ngay từ khi anh còn nhỏ, anh vẫn được ông bà và người già trong làng kể về những ngày kháng chiến chống Pháp, nhất là kỷ niệm Bác Hồ ở lại Bản Ngoại. Trong hình dung của anh, Người lãnh tụ ấy thật gần gũi với bà con dân bản. Sau này, lớn lên hoạt động công tác Đoàn, anh càng thấm thía điều đó và luôn muốn đóng góp cho quê hương. Bởi vậy, cứ đến ngày lễ, Tết, kỷ niệm, anh lại vận động Đoàn viên thanh niên dọn dẹp vệ sinh thắp hương các khu di tích dốc Vai Cày, đồi Thành Trúc, hay nghĩa trang liệt sĩ. 

"Đoàn viên thanh niên xã Bản Ngoại cũng thường xuyên tổ chức thăm hỏi các gia đình chính sách, thương binh liệt sĩ, gia đình có công với cách mạng trên địa bàn. Những việc làm của Đoàn thanh niên tuy nhỏ, nhưng bày tỏ sự thành kính với bậc cha ông đi trước. Những phong trào ấy cũng sẽ lan tỏa để lớp trẻ hôm nay nỗ lực trong học tập công tác". Anh lợi bày tỏ. 

Trụ sở của UBND xã Bản Ngoại được xây dựng khang trang
Trụ sở của UBND xã Bản Ngoại được xây dựng khang trang

Truyền thống cách mạng - động lực để vươn lên

Là xã vùng dân tộc thiếu số và miền núi, nhưng Bản Ngoại không hề heo hút mà ngược lại rất đông đúc, trù phú. Đường vào thôn bản đã được trải nhựa trải bê tông đi lại vô cùng thuận lợi. Nhà cửa của người dân hầu hết được xây dựng khang trang kiên cố, có nhà còn sắm được ô tô tiền tỷ. 

Trong những năm qua, phát huy vùng đất cách mạng, người dân xã Bản Ngoại cũng tích cực vươn lên làm giàu. Anh Nông Văn Cường, xóm Vai Cày, xã Bản Ngoại vui mừng chia sẻ, nơi anh ở có di tích lán Bác Hồ nên thường xuyên có khách tới tham quan. Bởi vậy, người dân trong xóm thường xuyên nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của các ngành, các cấp. Gia đình anh cũng được hỗ trợ nuôi thí điểm 100 đôi chim bồ câu sinh sản năm 2015. Đến nay, anh đã phát triển đàn bồ câu lên tới vài trăm con, đem lại thu nhập khá. Nhiều người dân nơi khác đã đến học tập mô hình của gia đình.

Trao đổi với Báo Dân tộc và Phát triển, ông Nguyễn Hữu Đông, Chủ tịch UBND xã Bản Ngoại cho biết, hiện nay xã có 19 thôn bản, với 7 dân tộc cùng sinh sống, gồm các dân tộc Kinh, Dao, Tày, Nùng, Cao Lan, Sán Chí, Mường. Trong những năm qua, nhờ sự nỗ lực vươn lên của đồng bào các dân tộc, cùng sự giúp đỡ của các cấp chính quyền, xã Bản Ngoại ngày càng giàu đẹp hơn, văn minh hơn.

Đặc biệt, ở vùng miền núi này đang có nhiều nhà máy hoạt động sản xuất kinh doanh như: Công ty CP Đầu tư quốc tế Thagaco, HTX chè Thanh Tình, Nhà máy chè xuất nhập khẩu Thái Nguyên… không chỉ giải quyết việc làm cho người dân địa phương, mà còn thu hút nhiều lao động của các huyện, các xã quanh khu vực.

Theo lời ông Chủ tịch xã, cách đây 10 năm, Bản Ngoại đã thoát khỏi diện ĐBKK (xã vùng III) trở thành xã vùng II (vùng khó khăn). Vừa rồi, qua rà soát theo tiêu chí mới, Bản Ngoại đã trở thành xã vùng I (bước đầu phát triển). Xã Bản Ngoại cũng đã về đích NTM năm 2015. Hiện nay, Bản Ngoại đã đạt 14/19 tiêu chí NTM nâng cao. Nổi bật nhất là, thu nhập bình quân đầu người hiện nay đạt 46 triệu/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 4,25%.

Về Bản Ngoại, chứng kiến sự đổi thay, phát triển của vùng đất cách mạng, mới thấm thía hơn những giá trị từ truyền thống cách mạng đang tiếp tục tiếp thêm nguồn năng lượng cho Bản Ngoại để vươn lên trong hành trình phát triển hôm nay...