Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Thăm làng nghề làm bánh ú tro Hoán Mỹ

Tiên Sa - 16:28, 04/08/2021

Trước khi đợt dịch thứ tư bùng bát, chúng tôi đã có dịp ghé thăm làng nghề làm bánh ú tro Hoán Mỹ (khu Song Mỹ, thị trấn Ái Nghĩa, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam). Ấn tượng ngay ban đầu là không khí rộn ràng của bà con khi gói bánh, nấu bánh và đâu đó mùi khói củi lò ngai ngái quyện với mùi thơm nồng của bánh ú tro tỏa hương thơm thoang thoảng quanh làng.

Cổng chào làng Hoán Mỹ - nơi có làng nghề truyền thống làm bánh ú tro.
Cổng chào làng Hoán Mỹ - nơi có làng nghề truyền thống làm bánh ú tro.

Ông Trần Phước Thiện (60 tuổi) người làng Hoán Mỹ cho hay, trước khi nấu bánh ú tro, người làng Hoán Mỹ đi lấy cây mè để lấy tro, sau đó lọc lắng lấy nước màu vàng, rồi hòa nước tro với vôi ăn trầu. Tiếp đến là chọn nếp (loại nếp đặc biệt), ngâm nước tro mè để bánh nấu lên sẽ có màu vàng, nên dân gian gọi là bánh ú tro. Để chín bánh, phải nấu khoảng 4 - 5 giờ.

Gia đình ông Trần Phước Dũng nấu bánh ú tro mỗi đợt 2 nồi, mỗi nồi 5.000 bánh
Gia đình ông Trần Phước Dũng nấu bánh ú tro mỗi đợt 2 nồi, mỗi nồi 5.000 bánh

Ông Trần Phước Dũng (55 tuổi) người nấu bánh tro nhiều nhất trong làng Hoán Mỹ cho hay, công đoạn chuẩn bị nguyên liệu và gói bánh, nấu bánh đòi hỏi sự công phu, tỉ mỉ, khéo léo. Dịp Tết Đoan Ngọ vừa qua, gia đình ông sản xuất 100.000 bánh ú tro, với giá bán buôn 12.000 đồng /1 chục (10 cái), sau khi trừ chi phí, lãi khoảng 30 triệu đồng.

Công đoạn làm lá đót để gói bánh
Công đoạn làm lá đót để gói bánh

Từ xưa đến nay, người dân làng Hoán Mỹ có truyền thống gói bánh ú tro phục vụ cho Tết Đoan Ngọ. Song, đến nay, vẫn không ai biết có từ bao giờ và gốc tích từ đâu, chỉ biết rằng, nó đã trở thành nghề truyền thống của làng.

Ông Nguyễn Đức Khôi (67 tuổi) có 30 năm thâm niên trong nghề nấu bánh cho hay, bánh ú tro có nhân 40 nghìn đồng/chục; bánh không nhân 10.000 -15.000 nghìn đồng/chục. Bánh ú tro có hương vị thơm ngon, tác dụng thanh nhiệt, rất hợp để thưởng thức trong thời tiết oi bức mùa hè. 

Hiện nay, ở Hoán Mỹ có hơn 70 hộ làm nghề gói bánh ú tro dịp Tết Đoan Ngọ và các dịp ngày rằm, mùng 1 (âm lịch) hằng tháng. Song, dịp Tết Đoan Ngọ và Tết cổ truyền, lượng bánh tiêu thụ gấp 100 lần bởi trên bàn cúng Mùng 5 không bao giờ thiếu đĩa bánh ú tro của người dân xứ Quảng. Đa phần số lượng bánh ú tro cả làng sản xuất đều có bạn hàng đặt trước để bỏ mối cho những người bán ở các chợ khu vực Quảng Nam, Đà Nẵng… Vào những dịp này, du khách đến làng vào ban đêm sẽ thấy cả trăm lò bánh đang đỏ lửa, cảnh tượng trông ấn tượng như trong “phim trường”.

Chị Đỗ Thị Mai Thúy giới thiệu bánh ú tro đã gói
Chị Đỗ Thị Mai Thúy, người dân làng Hoán Mỹ giới thiệu bánh ú tro đã gói

Người dân ở đây cho biết: Năm nay, do dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp nên cả làng ai nấy đều “vừa phòng chống dịch, vừa sản xuất bánh”, phương thức bán hàng cũng linh hoạt hơn, bạn hàng thân thuộc sẽ đặt mua bánh ú tro thông qua điện thoại, Fabook, Zalo…và thuê người đem hàng về.