Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Thái Nguyên: Tập trung xây dựng hiệu quả các mô hình khuyến nông

Vĩnh Sơn - 06:45, 27/08/2023

Giai đoạn 2021-2025, nguồn kinh phí cấp cho hoạt động khuyến nông của tỉnh là 12 tỷ đồng/năm. Từ nguồn kinh phí này, Trung tâm đã triển khai các chương trình, mô hình, dự án khuyến nông bám sát định hướng phát triển nông nghiệp của tỉnh, phù hợp với nhu cầu sản xuất tại các địa phương. Qua đó góp phần giải quyết những khó khăn của người dân trong sản xuất nông nghiệp, dần hình thành các vùng sản xuất tập trung quy mô lớn, liên kết sản xuất theo hướng an toàn...

Mô hình trồng chè theo tiêu chuẩn VietGAP
Mô hình trồng chè theo tiêu chuẩn VietGAP

Nếu như trước đây, mỗi khi vào vụ thu hoạch (từ giữa tháng 7 đến cuối tháng 9 hằng năm), người trồng na ở huyện Võ Nhai phải tập trung nhân lực để thu hoạch, thì nay thời gian chín của na kéo dài thêm 30-35 ngày nhờ phương pháp thâm canh rải vụ (áp dụng đốn, tỉa cành, thụ phấn để bố trí rải vụ theo thời gian thu hoạch quả chín sớm, chín chính vụ và chín muộn), nên người dân có thể chủ động về thời gian. Phương pháp này đã giúp nông dân thay đổi nhận thức, sản xuất được những quả na chất lượng cao, an toàn theo hướng hữu cơ.

Phương pháp này tại Thái Nguyên hiện đang đáp ứng được xu thế phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc miền núi. Trong lúc thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp khu vực miền núi đang còn thấp, thì việc phát triển, nâng cao năng lực hoạt động của mô hình khuyến nông sẽ phù hợp và mang lại hiệu quả trong phát triển kinh tế vùng đồng bào DTTS và miền núi. Đây là những phương pháp, những mô hình cần được nhân rộng để thực hiện có hiệu quả Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.

Ông Kiều Thượng Chất, ở xóm Mỏ Gà, xã Phú Thượng, huyện Võ Nhai chia sẻ: Mặc dù chi phí vật tư đầu vào của mô hình thâm canh cây na rải vụ cao hơn gần 6 triệu đồng/ha so với sản xuất thông thường, song năng suất tăng 13 tạ/ha, giá bán bình quân ở các trà sớm và muộn cao hơn chính vụ từ 5.000 - 10.000 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí, người dân thu lãi hơn 260 triệu đồng/ha, cao hơn với sản xuất thông thường 61 triệu đồng.

Còn với hợp tác xã trà Tuất Thoi, ở xã La Bằng, Đại Từ, từ những hộ làm chè quy mô nhỏ lẻ, năm 2020, các hộ đã liên kết thành lập Hợp tác xã sản xuất chè theo theo tiêu chuẩn VietGAP. Từ 9 thành viên ban đầu, đến nay Hợp tác xã đã có 30 hộ thành viên tham gia sản xuất chè, với quy mô vùng nguyên liệu gần 20ha. Đặc biệt, Hợp tác xã bao tiêu toàn bộ sản phẩm chè búp tươi cho các thành viên với giá dao động từ 40-50 nghìn đồng/kg (cao hơn thị trường 10-15 nghìn đồng/kg).

Áp dụng đổi mới công nghệ vào sản xuất nông nghiệp
Áp dụng đổi mới công nghệ vào sản xuất nông nghiệp

Ngoài việc giúp nông dân thay đổi tư duy, các mô hình khuyến nông đã định hướng nông dân tổ chức sản xuất theo mô hình hợp tác xã, tổ hợp tác, câu lạc bộ, kết nối với các doanh nghiệp để bao tiêu sản phẩm cho bà con.

Từ năm 2022 đến nay, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã chủ trì và phối hợp triển khai 45 chương trình, mô hình, dự án khuyến nông từ nguồn vốn của Trung ương và của tỉnh. Trong đó có 33 mô hình trồng trọt và 12 mô hình chăn nuôi. Qua đánh giá, hầu hết mô hình cho lợi nhuận tăng từ 25-30% so với sản xuất đại trà. Đến nay, giá trị sản phẩm thu được trên 1ha đất nông nghiệp toàn tỉnh đạt trên 123 triệu đồng/ha/năm; có 173 sản phẩm nông nghiệp được xếp hạng OCOP đạt 3-5 sao; gần 60ha chè hữu cơ…

Việc triển khai kịp thời, có hiệu quả các chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp - nông thôn, trong đó có hỗ trợ các mô hình khuyến nông đã góp phần hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Năm 2022, giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản đạt hơn 15.267 tỷ đồng (tăng 2.260 tỷ đồng so với năm 2018); giá trị sản phẩm thu được trên đất nông nghiệp trồng trọt đạt 123 triệu đồng/ha (tăng 28 triệu đồng/ha so với năm 2018).

Các mô hình khuyến nông đã khai thác, chia sẻ kinh nghiệm, đưa tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, tận dụng các nguồn nguyên liệu, lao động hiện có tại địa phương. Qua đó giải quyết việc làm, tăng thu nhập, góp phần vào việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp có hiệu quả được triển khai thành công; nhận thức về vai trò của việc ứng dụng khoa học – kỹ thuật có nhiều chuyển biến rõ nét, hướng tới sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ và các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên cây trồng, vật nuôi.