Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Thái Nguyên: Động lực giảm nghèo từ phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi

Trang Diệp - 10:00, 15/12/2022

Từng bước làm chủ khoa học - kỹ thuật và được hỗ trợ vốn, nhiều gia đình nông dân người DTTS trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã thoát nghèo, vươn lên khá giả. Đây là những “hạt nhân” góp phần lan tỏa, nhân rộng các điển hình trong phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” ở vùng đồng bào DTTS và miền núi của tỉnh.

Tại Hội nghị gặp mặt, biểu dương 96 Người có uy tín tiêu biểu trong vùng DTTS năm 2022, tỉnh Thái Nguyên đã khen thưởng cho 96 Người có uy tín tiêu biểu trong cộng đồng 51 dân tộc của tỉnh. Họ là những tấm gương tiêu biểu trong các phong trào Lao động sản xuất, phát triển kinh tế, Xây dựng nông thôn mới, phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc...

Người có uy tín tiêu biểu trong cộng đồng 51 dân tộc của tỉnh được khen thưởng tại Hội nghị gặp mặt, biểu dương 96 Người có uy tín tiêu biểu trong vùng DTTS năm 2022 diễn ra ngày 13/12.
Người có uy tín tiêu biểu trong cộng đồng 51 dân tộc của tỉnh được khen thưởng tại Hội nghị gặp mặt, biểu dương 96 Người có uy tín tiêu biểu trong vùng DTTS năm 2022 diễn ra ngày 13/12.

Góp phần thay đổi vùng khó

Với trên 72% dân số là đồng bào DTTS, Võ Nhai là huyện vùng cao của tỉnh Thái Nguyên đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Từ nguồn lực của các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi của Trung ương, của tỉnh, huyện Võ Nhai đã tập trung phát triển kết cấu hạ tầng, thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, tích cực giúp nông dân chuyển đổi cây trồng để tăng giá trị kinh tế, vươn lên làm giàu.

Gia đình ông Nguyễn Thành Lộc ở xóm Hiên Minh (xã La Hiên) là một ví dụ. Năm 2017, sau khi tham gia lớp tập huấn trồng cây ăn quả và chăn nuôi thủy cầm do Hội Nông dân huyện tổ chức, ông mạnh dạn vay thêm vốn ngân hàng và tiền của người thân để xây dựng trang trại trồng na, chăn nuôi vịt. 4 năm gần đây, trang trại của gia đình ông Lộc cung cấp cho thị trường hơn 200 tấn vịt thương phẩm, 15 tấn na quả.

“Đến nay, tôi có tổng vốn đất đai, tài sản đầu tư trên 5 tỷ đồng; lợi nhuận mang lại hơn 550 triệu đồng/năm. Trong đó, thu từ cây na 150 triệu đồng; thu từ chăn nuôi vịt hơn 400 triệu đồng”, ông Lộc phấn khởi nói.

Hay ở Khuôn Ngục, một xóm khó khăn của xã La Hiên, với 98% dân số là đồng bào DTTS. Trong những năm qua, được sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền, đời sống Nhân dân trong xóm đã có nhiều phát triển.

Ông Lương Đình Hướng - Chi hội trưởng Chi hội Nông dân xóm Khuôn Ngục, cho biết: “Nhờ được tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi và có vốn vay phát triển sản xuất, đã mở ra cánh cửa thoát nghèo, vươn lên làm giàu cho người dân”.

Được biết, những năm gần đây, ở xã vùng cao La Hiên đã có hàng chục hộ nông dân đạt thu nhập từ 500 triệu đồng trở lên/năm từ mô hình trồng cây ăn quả và chăn nuôi. Từ phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”, nông dân xã La Hiên đã được hỗ trợ về khoa học kỹ thuật, vốn đầu tư, kinh nghiệm sản xuất…

Theo ông Tầm Văn Cử - Chủ tịch UBND xã La Hiên, với nguồn lực hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước, thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, xã đã chủ động giúp người nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng. La Hiên hiện là “thủ phủ” trồng na của Võ Nhai, với gần 320 ha na đặc sản (trong đó 105ha được cấp chứng nhận VietGAP).

Xã cũng phát triển thành công một số cây ăn quả đặc sản khác, như: Bưởi, nhãn, vải, thanh long… La Hiên cũng là địa phương có diện tích trồng cây ăn quả lớn nhất ở Võ Nhai với trên 440 ha, chiếm gần 30% tổng diện tích cây ăn quả toàn huyện.

Đoàn Kiểm tra việc sử dụng quỹ hỗ trợ nông dân trong chăn nuôi
Đoàn Kiểm tra việc sử dụng quỹ hỗ trợ nông dân trong chăn nuôi

“Xã thường xuyên chỉ đạo Hội Nông dân xã triển khai hiệu quả phong trào Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi đến từng hội viên. Nhờ đó, số lượng gia đình hội viên đạt danh hiệu Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi ngày càng tăng. Như năm 2021, Hội Nông dân xã có hơn 300 gia đình hội viên đạt danh hiệu Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp”, ông Cử cho biết.

Lan tỏa phong trào giúp nhau làm giàu

Những gia đình nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, vươn lên làm giàu như ở La Hiên ngày càng xuất hiện nhiều hơn ở vùng đồng bào DTTS và miền núi của tỉnh Thái Nguyên. Chỉ tính riêng giai đoạn 2019 - 2022, từ phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” đã xuất hiện nhiều tấm gương nông dân tiêu biểu dám nghĩ, dám làm, mạnh dạn áp dụng khoa học - kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất, kinh doanh, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Đặc biệt, đội ngũ Người có uy tín trong đồng bào DTTS của tỉnh đã tích cực hưởng ứng phong trào này; đồng thời họ cũng là “đầu tàu” gắn kết tinh thần đoàn kết, giúp đỡ nhau làm giàu ở các địa phương. Nhiều tấm gương Người có uy tín tiêu biểu trong vùng đồng bào DTTS của tỉnh, bằng uy tín và tâm huyết của mình, đã tích cực vận động Nhân dân phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững.

Bà Vũ Thị Thủy, sinh năm 1972, Người có uy tín của xóm Nà Kháo, xã Phú Thượng (huyện Võ Nhai) là một ví dụ. Bà Thủy là 1 trong 96 Người có uy tín được tôn vinh tại Hội nghị biểu dương Người có uy tín tiêu biểu trong vùng đồng bào DTTS năm 2022, vừa được Ban Dân tộc tỉnh tổ chức ngày 13/12 vừa qua.

Bà Thủy chia sẻ, xóm Nà Kháo có 173 hộ gia đình, 187 khẩu, gồm 5 dân tộc chung sống. Trước đây, người dân canh tác chủ yếu dựa vào kinh nghiệm truyền thống, không dám mạnh dạn chuyển sang trồng các loại cây mạng lại kinh tế cao, đời sống vì thế rất khó khăn.

Thăm mô hình sản xuất rau của gia đình hội viên sản xuất kinh doanh giỏi tại huyện Phú Bình
Thăm mô hình sản xuất rau của gia đình hội viên sản xuất kinh doanh giỏi tại huyện Phú Bình

Để vận động bà con mạnh dạn thay đổi cây trồng, chuyển hướng sản xuất, bà Thủy đã tự mình làm trước, chủ động chuyển đổi 2.500 m2 đất lúa sang trồng 250 cây ổi. Từ vườn ổi này, trừ chi phí đầu tư phân bón, công chăm sóc, mỗi năm gia đình bà thu được 60 triệu đồng. Bà Thủy còn thành lập doanh nghiệp chế biến thực phẩm Phượng Hoàng, chuyên cung cấp thực phẩm sạch cho các bếp ăn trên địa bàn huyện Võ Nhai, bình quân doanh thu đạt 500 triệu đồng/năm, tạo việc làm thường xuyên cho 14 lao động.

“Để phát triển kinh tế thì cần phải có đường giao thông, thuận tiện tiêu thụ sản phẩm làm ra. Vì vậy, tôi đã vận động bà con hiến đất làm đường. Để làm gương thì bản thân đã tôi đã chủ động hiến đất trước, từ đó Nhân dân trong xóm làm theo. Nhờ đó, hiện con đường liên xóm có chiều dài là 2.500 m đã hoàn thành; các nhánh đường liên gia đã được kiên cố hóa bằng bê tông, về cơ bản trong xóm đã có đường bê tông đến từng hộ dân”, bà Thủy chia sẻ.

Những tấm gương nông dân tiên phong, gương mẫu trong phát triển kinh tế gia đình, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững như bà Vũ Thị Thủy được ví là “đầu tàu” trong vùng đồng bào DTTS của tỉnh Thái Nguyên. Những mô hình kinh tế đó đang từng bước được lan tỏa, nhân rộng trong khu vực nông thôn, vùng đồng bào DTTS và miền núi của tỉnh. Đây là những nhân tố tích cực để Thái Nguyên thực hiện thành công các chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) trong giai đoạn 2021 - 2025, nhất là Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi.

Theo ông Nguyễn Mạnh Hà - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Thái Nguyên, phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững đã trở thành động lực quan trọng để khai thác tiềm năng, thế mạnh trong nông dân, nông thôn và của từng địa phương; phát huy nội lực, trí tuệ của từng hộ gia đình nông dân.

“Cùng với nguồn lực từ các Chương trình MTQG, nông dân trên địa bàn tỉnh còn được tiếp cận vốn từ Ngân hàng Chính sách Xã hội được ủy thác qua Hội Nông dân các cấp, vốn từ chương trình khuyến nông… Đồng tời, thông qua các đợt tập huấn, chuyển giao công nghệ, nông dân Thái Nguyên đã từng bước tiếp cận với khoa học - công nghệ, chuyển đổi tư duy sản xuất, tăng giá trị trên cùng một diện tích, góp phần nâng cao thu nhập và đời sống, đóng góp quan trọng cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương”, ông Hà nhấn mạnh.

Tại Hội nghị tổng kết phong trào Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững giai đoạn 2019 - 2022 (ngày 12/10), ông Lê Quang Tiến - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên khẳng định, phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” đã trở thành phong trào quần chúng sâu rộng, thu hút đông đảo nông dân tham gia và có sức lan tỏa mạnh mẽ. Từ phong trào này đã xuất hiện nhiều tấm gương nông dân tiêu biểu trong sản xuất kinh doanh, đóng góp tích cực, hiệu quả, góp phần quan trọng trong phát triển về kinh tế - xã hội của tỉnh Thái Nguyên.