Từ thực hiện đồng bộ các giải pháp...
Để triển khai có hiệu quả Chương trình, Chi cục Phát triển nông thôn Thái Nguyên đã phối hợp với các ngành liên quan, địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm về công tác giảm nghèo đa chiều, khơi dậy tinh thần tự lực vươn lên thoát nghèo; tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cán bộ các cấp làm công tác giảm nghèo;... Cùng với đó, Chi cục cũng phối hợp với các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền để người dân nắm bắt được chính sách của Nhà nước và tập huấn thực hiện mô hình phát triển sản xuất hiệu quả.
Theo đó, từ đầu năm 2024, Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Thái Nguyên đã tổ chức 3 lớp tập huấn cho 95 học viên, là cán bộ làm công tác giảm nghèo cấp huyện, xã với các nội dung liên quan đến quy trình xây dựng, thẩm định, phê duyệt và tổ chức thực hiện hoạt động hỗ trợ; công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá thực hiện tiểu dự án…
Căn cứ vào tình hình thực tế của các địa phương, tính đến nay đã có 23 dự án được phê duyệt, triển khai hỗ trợ đến các hộ dân, với tổng kinh phí thực hiện là 10.208,3 triệu đồng (217 hộ nghèo, 304 hộ cận nghèo, 294 hộ mới thoát nghèo, cận nghèo tham gia).
Trao đổi về nội dung này, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Thái Nguyên Triệu Văn Cương nhấn mạnh: Thực hiện Tiểu dự án 1 của Dự án 3 Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, Chi cục đã tham mưu Sở Nông nghiệp ban hành văn bản hướng dẫn các địa phương thực hiện theo đúng quy trình; đồng thời từ đầu năm đến nay, Chi cục cũng tổ chức các đoàn kiểm tra các đơn vị, địa phương và đôn đốc thực hiện đảm bảo tiến độ dự án và theo đúng quy định của pháp luật.
...đến hiệu quả thực tế từ dự án
Xã Yên Đổ (Phú Lương) có 16 xóm, với 1.887 hộ, 7.389 nhân khẩu, với 63% là người DTTS. Năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo vẫn ở mức cao so với các xã trên địa bàn huyện Phú Lương, với 63 hộ nghèo (chiếm 3,35%), 33 hộ cận nghèo (chiếm 1,75%).
Gia đình anh Ma Văn Diện, trú tại xóm Trung, xã Yên Đổ là một trong những hộ thuộc diện cận nghèo được hỗ trợ trâu cái nuôi sinh sản thuộc Tiểu dự án 1 của Dự án 3 Chương trình MTQG Giảm nghèo bền vững trên địa bàn huyện Phú Lương năm 2024. Cuộc sống vốn đã khó khăn lại càng thêm chồng chất khó khăn sau ảnh hưởng của cơn bão số 3 vừa qua.
“Đợt bão lũ vừa qua, toàn bộ diện tích trồng cỏ voi để nuôi trâu bị xoá sổ. Nước lũ dâng cao gần 2 mét cũng khiến lượng thóc dự trữ bị nảy mầm. Cuộc sống của gia đình tôi vì thế càng thêm khó khăn. Được cấp trâu, tập huấn kỹ thuật nuôi, gia đình mừng lắm. Cặp trâu cái này đối với gia đình tôi chính là hy vọng cho tương lai học hành của con cái", anh Diện chia sẻ.
Không chỉ riêng huyện Phú Lương, tại các địa phương khác mô hình này được thực hiện một cách tích cực và bài bản. Chia sẻ về điều này, Chủ tịch UBND xã Linh Thông (Định Hóa) Lưu Viết Viên cho biết: Tại địa phương, việc được hỗ trợ bò và tham gia các lớp tập huấn do ngành chức năng tổ chức đã giúp thay đổi nhận thức, tập quán chăn nuôi bò của người dân trên địa bàn xã. Người dân đã chuyển từ nuôi bò theo hướng tự phát, chăn thả tự nhiên sang chăn nuôi có đầu tư và ứng dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật. Qua đó, giúp đàn bò sinh trưởng và phát triển khỏe mạnh, cải thiện môi trường, giảm dịch bệnh.
Với sự vào cuộc của ngành chức năng và các địa phương, dự án hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn đã và đang mang lại hiệu quả thiết thực. Dự án có ý nghĩa quan trọng, giúp hộ nghèo, cận nghèo tiếp cận tư liệu sản xuất, tăng thu nhập, giải quyết việc làm, góp phần tích cực vào Chương trình giảm nghèo bền vững của tỉnh Thái Nguyên.