Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

“Tết xưa”: Nơi ký ức chẳng thể phai mờ…

Duy Ly – Kim Anh - 15:19, 13/02/2022

Với mong muốn lưu giữ những giá trị cổ truyền tốt đẹp của dân tộc, Trung tâm Lưu trữ quốc gia I - Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước đã tổ chức triển lãm “Tết xưa” nhằm giới thiệu đến công chúng 100 phiên bản tài liệu, hình ảnh độc đáo về Tết cổ truyền Việt Nam. Các tài liệu được trưng bày trực quan, sinh động cùng với nhiều hoạt động tương tác thú vị của phiên chợ ngày Xuân, chắc chắn sẽ đem đến nhiều trải nghiệm khó quên cho khách đến tham quan.

Triển lãm “Tết xưa” lần đầu tiên được trưng bày tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I - Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước
Triển lãm “Tết xưa” lần đầu tiên được trưng bày tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I - Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước

Đến với triển lãm, người xem như được quay ngược trở về với quá khứ. Không gian phiên chợ ngày xuân với khung cảnh tươi vui, rực rỡ sắc màu của bánh chưng xanh, câu đối đỏ, hoa đào, hoa mai giúp chợ tết gợi nhớ cho người tham quan triển lãm ký ức đẹp về phong tục đón Tết cổ truyền năm xưa. Triển lãm “Tết xưa” được bố cục theo 3 chủ đề gồm “Phiên chợ ngày Xuân”, “Cung chúc Tân Xuân” và “Du Xuân”.

Không chỉ tái hiện phiên chợ ngày xuân, phong tục du xuân, triển lãm còn trưng bày nhiều nguồn tư liệu, sử liệu quý giá, tin cậy về những giá trị truyền thống, văn hóa của cha ông từ hàng ngàn đời nay. Từ các tư liệu tiếng Việt, tiếng Pháp và Hán Nôm, hình dung về Tết xưa hiện lên sống động, rõ ràng hơn. Triển lãm cũng trưng bày các văn bản quy định về ngày nghỉ Tết dưới thời nhà Nguyễn, thời Pháp thuộc; những bài báo, đoạn thơ, mẩu chuyện viết về ngày Tết, về cuộc sống ngày xưa.

Triển lãm thu hút nhiều du khách đến tham quan
Triển lãm thu hút nhiều du khách đến tham quan

Thường xuyên theo dõi các sự kiện văn hoá lớn nhỏ, đặc biệt là các sự kiện được tổ chức bởi Trung tâm lưu trữ Quốc gia I – Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước, bà Nguyễn Thị Tuyết (trú tại Phù Đổng Thiên Vương, Hà Nội) chia sẻ: “Đến với triển lãm Tết xưa, những ký ức về ngày Tết cùng gia đình lại ùa về. Tôi rất nhớ phong vị Tết cổ truyền, nhất là của người Hà Nội xưa. Khi thấy hình ảnh phụ nữ Việt Nam qua những tư liệu tôi lại nhớ các chị của mình, rất xúc động”.

Nhiều phong tục, lễ nghi đến nay vẫn còn được duy trì, nhưng cũng có những tư liệu cho thấy nhiều phong tục từng quen thuộc nay đã trở nên hiếm hoi, hoặc không còn nữa. Đến với triển lãm Tết xưa, không chỉ có người lớn được gặp lại ký ức, hoài niệm đẹp, mà người trẻ cũng có cơ hội để khám phá, tìm hiểu nhận thức được sự phát triển, thay đổi của xã hội. Vì truyền thống không phải là giữ nguyên, mà là sự “gạn đục khơi trong”, giữ cái tốt đẹp và tiếp thu những cái mới, cái tích cực.

Một số hình ảnh tại triển lãm
Một số hình ảnh tại triển lãm

Chị Đỗ Hoàng Anh, Trưởng phòng phát huy giá trị tài liệu, Cục Văn Thư và Lưu trữ Nhà nước cho biết: “Khách đến tham quan tại triển lãm không phân biệt lứa tuổi, từ các bác cao tuổi đến các bạn nhỏ, mỗi người sẽ có những trải nghiệm khác nhau về phong vị Tết xưa. Thông điệp mà ban tổ chức mong muốn đó là khách tham quan có thể được trải nghiệm về không gian Tết xưa, nhưng sâu xa hơn đó là thông điệp về việc gìn giữ và phát huy các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Dù đứng trước nhiều đổi thay thì những giá trị cốt lõi vẫn sẽ còn mãi, trường tồn với thời gian”.

Triển lãm đã triển khai ứng dụng công nghệ mới – công nghệ QR, công nghệ in laser..., hình ảnh và tư liệu được thể hiện rất sắc nét và chân thực
Triển lãm đã triển khai ứng dụng công nghệ mới – công nghệ QR, công nghệ in laser..., hình ảnh và tư liệu được thể hiện rất sắc nét và chân thực

Một điều khá đặc biệt là triển lãm đã triển khai ứng dụng công nghệ mới – công nghệ QR. Khi đến với buổi triển lãm, khách tham quan có thể quét mã QR để xem thêm thông tin đầy đủ, chi tiết về hình ảnh, tài liệu tại đây. Các mã QR thường được in phía dưới cùng. Bên cạnh đó, với công nghệ in laser, hình ảnh và tư liệu được thể hiện rất sắc nét và chân thực.

Triển lãm mở cửa tự do từ ngày 14/1 đến ngày 15/3, tại Khu trưng bày Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, số 5 Vũ Phạm Hàm, Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội. Khách đến tham quan triển lãm được yêu cầu tuân thủ quy định 5K của Bộ Y tế về phòng, chống Covid-19.