Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Tây Nguyên: Vấn nạn phân bón giả vẫn hoành hành

Lê Hường - 23:10, 22/11/2020

Những năm gần đây, tại các tỉnh khu vực Tây Nguyên, cơ quan chức năng đã vào cuộc quyết liệt, xử lý nhiều cơ sở kinh doanh phân bón, vật tư nông nghiệp không đạt chất lượng. Tuy nhiên, vấn nạn phân bón giả vẫn hoành hành khiến nông dân hoang mang và gặp nhiều khó khăn trong sản xuất nông nghiệp.

Lực lượng chức năng phát hiện kho phân bón giả
Lực lượng chức năng phát hiện kho phân bón giả

Liên tiếp phát hiện và xử phạt

Trong một thời gian ngắn, ngành chức năng tỉnh Đăk Nông đã phát hiện nhiều cơ sở kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả, kém chất lượng, thậm chí là sản phẩm không được phép sử dụng.

Đầu tháng 11/2020, trong quá trình kiểm tra, Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an tỉnh Đăk Nông phát hiện tại cơ sở kinh doanh phân bón, vật tư nông nghiệp của ông Đỗ Xuân Nam, trú phường Nghĩa Thành, thành phố Gia Nghĩa, tỉnh Đăk Nông có 8,8 tấn phân bón nhãn hiệu Lân HUMIC hữu cơ của Công ty trách nhiệm hữu hạn An Nông và nhiều loại thuốc bảo vệ thực vật không đảm bảo chất lượng, nguồn gốc xuất xứ. Phòng Cảnh sát Kinh tế, Công an tỉnh Đăk Nông lập biên bản vi phạm hành chính đối với ông Đỗ Xuân Nam, vì có hành vi kinh doanh phân bón không phù hợp với tiêu chuẩn đã công bố áp dụng ra thị trường. 

Ngoài phân bón, cơ sở này còn bán thuốc bảo vệ thực vật không có tên trong danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam. Lãnh đạo tỉnh Đăk Nông đã ký quyết định xử phạt 120 triệu đồng đối với ông Đỗ Xuân Nam, đồng thời bị buộc tiêu hủy hơn 4 tấn phân bón giả.

Trước đó, vào tháng 10/2020, cơ quan chức năng tỉnh Đăk Nông đã phát hiện Công ty TNHH Thương mại và Sản xuất phân bón Hùng Quang, thôn 14, xã Đắk Wer (Đắk R’lấp, tỉnh Đắk Nông) vi phạm trong sản xuất phân bón không có giá trị sử dụng, công dụng theo quy định; không thực hiện thử nghiệm, đánh giá chất lượng của từng lô phân bón thành phẩm trước khi lưu thông trên thị trường… Ngành chức năng tỉnh Đăk Nông cũng đã ra quyết định xử phạt Công ty này 115 triệu đồng, tịch thu và buộc tiêu hủy 6,5 tấn phân HQ ISO 06 là tang vật vi phạm; tịch thu một máy trộn và hai băng chuyền dùng để sản xuất phân bón… Đồng thời, đình chỉ một phần sản xuất trong thời hạn 18 tháng đối với hành vi sản xuất phân bón kém chất lượng.

Tại Đăk Lăk, cơ quan chức năng cũng xử lý nhiều trường hợp kinh doanh phân bón, vật tư nông nghiệp không đảm bảo chất lượng. Điển hình như hồi đầu tháng 8, Cục quản lý thị trường tỉnh Đăk Lăk phát hiện một kho phân bón, gồm 4,4 tấn phân bón NPK các loại hết hạn sử dụng, không có ngày sản xuất  và không có nhãn mác tạị kho hàng của Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Minh Tân trên địa bàn xã Ea Tu, TP. Buôn Ma Thuột.

Một lãnh đạo Cục quản lý thị trường tỉnh Đăk Lăk nhận định: Tình trạng phân bón, vật tư nông nghiệp kém chất lượng đã diễn ra nhiều năm nay và cơ quan chức năng đã phát hiện, xử lý nhiều cơ sở. Các cơ quan chức năng thường xuyên kiểm tra, xử phạt nhằm, nỗ lực “thanh lọc” thị trường vật tư nông nghiệp, giúp bà con nông dân tiếp cận được những sản phẩm uy tín. Vì việc kinh doanh phân bón không đảm bảo chất lượng không chỉ gây tác hại nặng nề cho cây trồng, ảnh hưởng đến người nông dân mà còn gây nhũng loạn thị trường, làm ảnh hưởng lớn đến các nhà sản xuất, kinh doanh phân bón khác.

Phạt nhiều vẫn “nhờn thuốc”

Hiện đã có những chế tài để xử phạt hành vi buôn bán phân bón giả. Tuy nhiên, việc xử phạt hành chính nhiều vẫn “nhờn thuốc” do lợi nhuận từ việc kinh doanh bất chính này rất cao. Vì thế, vấn nạn phân bón giả vẫn hoành hành tại các tỉnh Tây Nguyên và nông dân rất e ngại trong đầu tư sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng.

Một hộ nông dân mua phải phân bón giả
Một hộ nông dân mua phải phân bón giả

Tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân vừa diễn ra vào cuối tháng 9 tại Đăk Lăk, nhiều người dân, doanh nghiệp đã đặt câu hỏi liên quan đến vấn đề xử lý phân bón giả. Chính phủ và các bộ ngành đã tăng cường các giải pháp, quy định của pháp luật về quản lý phân bón, chống phân bón giả, tuy nhiên tình trạng này vẫn diễn ra.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho rằng, ngành nông nghiệp đang vận hành nền nông nghiệp văn minh, sạch và ổn định. Nhận thức về phát triển nông nghiệp hữu cơ đã có bước phát triển mạnh, đến nay, nông nghiệp nước ta đã sử dụng đến 4 triệu tấn phân hữu cơ; cả nước có 125.000 ha gieo trồng trồng nông nghiệp bằng phương thức hữu cơ; năm 2019 đã xuất khẩu 353 triệu USD nông sản hữu cơ đi 80 nước. Tuy nhiên, vấn đề phân bón giả vẫn đang là nỗi lo của nông dân nên phải kiên quyết chấn chỉnh việc sản xuất, buôn bán phân bón giả. Tới đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công thương, các cơ quan liên quan và các tỉnh sẽ phối hợp tăng cường quản lý sản xuất, sử dụng phân bón cùng các vật tư khác.

Về vấn đề này Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu, phải tăng cường sự quản lý của cơ quan quản lý Nhà nước giữa Bộ Nông nghiệp Phát triển Nông thôn, Bộ Công Thương, các cơ quan liên quan và các tỉnh để giám sát từ khâu sản xuất, sử dụng phân bón cùng các vật tư khác. “Tới đây phải điều tra truy tố nghiêm khắc nhất theo Luật hình sự những tổ chức, cá nhân sản xuất phân bón giả, phát hiện những đại lý, cá nhân sản xuất phân bón giả phải xử lý ngay, gay gắt lên án những hành vi tiêu cực này”.