Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Tây Nam Bộ: Hỗ trợ doanh nghiệp để giữ chân người lao động

Song Vy - 16:14, 25/05/2020

Để phục hồi sản xuất, chính sách cho vay tái cấp vốn, lãi suất 0% để hỗ trợ doanh nghiệp (DN) trả lương cho người lao động (NLĐ) sẽ được triển khai. Ðây là sự đồng hành của Chính phủ đối với DN và NLĐ bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19.

Lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng trao tiền hỗ trợ cho người DTTS bán vé số trên địa bàn tỉnh.
Lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng trao tiền hỗ trợ cho người DTTS bán vé số trên địa bàn tỉnh.

Tính đến thời điểm này, cùng với cả nước, các địa phương khu vực Tây Nam Bộ đã tiến hành giải ngân kinh phí hỗ trợ cho NLĐ từ gói hỗ trợ an sinh 62 nghìn tỷ đồng theo Nghị quyết 42/NQ-CP. Số đối tượng chi trả là rất lớn, trong khi yêu cầu phải bảo đảm chi trả đúng, chi trả đủ nên các địa phương triển khai rất thận trọng.

Như tỉnh Sóc Trăng, theo thống kê sơ bộ của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH), toàn tỉnh có trên 285.500 người, với tổng số tiền phải chi trên 256 tỷ đồng. Một trong những đối tượng được tỉnh đặc biệt quan tâm, là lao động người DTTS. Theo ông Mã Chí Thanh, Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH tỉnh Sóc Trăng, cái khó nhất là xác định NLĐ là người DTTS làm việc tại các nhà máy, xí nghiệp. Bởi họ làm việc theo thời vụ, chỉ làm lúc nhàn rỗi và thường không có hợp đồng lao động.

“Đối tượng này kinh tế rất khó khăn, chúng ta cần hỗ trợ kịp thời. Trước mắt các đơn vị phối hợp thống kê số lượng tránh trùng lắp và thiếu sót, để tất cả NLĐ mất việc đều được thụ hưởng chính sách này”, ông Thanh khẳng định.

Thực tế, việc kịp thời rà soát, hỗ trợ bằng tiền mặt cho lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 là rất cấp thiết. Xác định được điều này, các địa phương trong khu vực Tây Nam Bộ đang gấp rút giải ngân gói hỗ trợ an sinh, để tiền hỗ trợ kịp đến với NLĐ. Nhưng về lâu dài, việc hỗ trợ các DN giữ chân NLĐ, duy trì để từng bước phục hồi sản xuất mới là giải pháp được các địa phương trong vùng chú trọng.

Như ở Kiên Giang, theo dự tính bước đầu, trên địa bàn tỉnh có khoảng 300.000 đối tượng cần được hỗ trợ, với số tiền gần 600 tỷ đồng, trong đó hỗ trợ trực tiếp cho trên 290.000 người, tương đương số tiền hỗ trợ 530 tỷ đồng. Ngoài ra, tỉnh cũng dự toán khoảng 52 tỷ đồng để hỗ trợ người sử dụng lao động khó khăn về tài chính vay để trả lương cho NLĐ.

Theo ông Đỗ Văn Hiện, Giám đốc chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Kiên Giang, đối với gói hỗ trợ DN vay để trả lương, thời gian giải ngân từ nay đến hết ngày 31/7. Ngân hàng sẽ xét duyệt đúng đối tượng theo quy định, DN có tên trong danh sách được Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt.

Những cơ chế, chính sách hỗ trợ DN trên địa bàn tỉnh Kiên Giang đã được thảo luận tại Hội nghị tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho DN do ảnh hưởng của dịch Covid-19, tổ chức ngày 6/5, do Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Vũ Hồng chủ trì. Tại hội nghị này, ông Hồng khẳng định, phải hỗ trợ để DN vượt qua khó khăn, vực dậy sản xuất kinh doanh. Nếu DN phá sản, đồng nghĩa với việc mất nguồn thu cho ngân sách và nặng nề nhất là tỷ lệ lao động mất việc làm tăng cao sẽ gây bất ổn về xã hội. Tuy nhiên, việc giải quyết khó khăn cho DN và NLĐ về lâu dài vẫn còn phụ thuộc vào mức tăng trưởng của toàn xã hội.