Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Tây Giang - Điểm sáng trong sắp xếp dân cư miền núi

PV - 15:30, 14/07/2021

Huyện Tây Giang (Quảng Nam) vừa được Thủ tướng Chính phủ và UBND tỉnh tặng Bằng khen về công tác phòng chống lụt bão năm 2020. Thành quả đó là nhờ huyện miền núi này đã làm tốt khâu quy hoạch, sắp xếp, bố trí lại dân cư, giúp hàng trăm hộ dân có nhà ổn định, an toàn trước thiên tai, bão lũ.


Làng tái định cư Cha’Nốc, xã Ch’Ơm. (Ảnh: ĐH)
Làng tái định cư Cha’Nốc, xã Ch’Ơm. (Ảnh: ĐH)

Năm 2020, Tây Giang chịu thiệt hại nặng nề do bão lũ. Hơn 1,4 nghìn ha đất nông, lâm nghiệp, 623 con gia súc và hơn 12 nghìn con gia cầm vùi lấp, cuốn trôi, mưa lũ phá hủy nhiều cầu cống, giao thông, thủy lợi nước sinh hoạt của người dân. Tổng thiệt hại hơn 372 tỷ đồng… Tuy nhiên, do làm tốt quy hoạch sắp xếp, bố trí dân cư nên không có thiệt hại về người.

Ông Trần Văn Ta - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện cho biết, đề án di dời dân ra khỏi sạt lở được đưa ra cách đây 15 năm. Nhờ sớm thực hiện chủ trương, trên mà giờ đây, 63 ngôi làng mới được an toàn tuyệt đối trước bão lũ. Tây Giang đã san ủi mặt bằng, bố trí dân cư tập trung tại 115 điểm dân cư với tổng diện tích 370,5ha. 4.690 hộ/19.000 khẩu có chỗ ở an toàn. Tổng kinh phí đầu tư hơn 500 tỷ đồng.

Khi đã có mặt bằng, Tây Giang tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu (điện, đường, nhà gươl, nước sinh hoạt) phục vụ dân sinh, cải tạo đồng ruộng, khu chăn nuôi... nhằm vừa ổn định cuộc sống, vừa phát triển kinh tế với phương châm “an cư - lạc nghiệp, nơi nào có dân nơi đó có ruộng đồng”.

Già làng Hốih Rít, thôn Ki'nonh, xã A Xan chia sẻ: “Mô hình “làng cũ trên đất mới” đã phát huy tác dụng, người dân chúng tôi có cuộc sống ổn định hơn, chấm dứt du canh, du cư. Nỗi lo bị uy hiếp bởi thiên tai, sạt lở ít đi”.

Theo ông Bríu Hồ, Chủ tịch UBND xã Ch’Ơm, sau khi thực hiện sắp xếp dân cư, chính quyền địa phương rất thuận lợi trong công tác quản lý dân cư, bảo đảm an ninh biên giới và thuận lợi trong đầu tư đồng bộ hạ tầng.

Cánh đồng lúa Chuôr, xã A Xan được khôi phục sản xuất sau bão lũ. (Ảnh: ĐH)
Cánh đồng lúa Chuôr, xã A Xan được khôi phục sản xuất sau bão lũ. (Ảnh: ĐH)

Ông Nguyễn Văn Lượm, Chủ tịch UBND huyện cho biết, thực hiện tốt Chỉ thị số 20 của UBND tỉnh về tập trung khắc phục hậu quả thiên tai, UBND huyện đã chỉ đạo các ngành, đơn vị, địa phương triển khai thực hiện các biện pháp vừa khắc phục hậu quả sau bão, lũ vừa khôi phục sản xuất, phát triển kinh tế.

Huyện đã sửa chữa và làm mới 409 ngôi nhà bị hư hỏng, 5 cây cầu treo, 2 cầu bản và 1 ngầm tràn; hoàn thành khắc phục 39 tuyến giao thông; khắc phục, sửa chữa 16 công trình thủy lợi và công trình nước sinh hoạt.

“Thiên tai luôn tiềm ẩn bất trắc khó lường nên chủ động phòng tránh luôn là giải pháp tối ưu và mô hình “làng cũ trên đất mới” đã tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế xã hội ở Tây Giang”, ông Lượm khẳng định./.