Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Tập trung nguồn lực thực hiện chính sách dân tộc

PV - 09:19, 17/09/2018

Công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc sẽ có nhiều đổi mới, khi được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Quốc hội, Chính phủ… Vùng đồng bào DTTS, miền núi có thêm nhiều cơ hội, mở ra hướng phát triển mới…

Nghiên cứu đổi mới chính sách dân tộc

Tại phiên chất vấn về nhóm vấn đề chính sách dân tộc trong phiên họp thứ 26 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tháng 8/2018, có 33 ý kiến chất vấn Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc và các thành viên Chính phủ khác. Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đã đề nghị Chính phủ nghiên cứu để tích hợp, thu gọn các đầu mối quản lý, thực hiện các chính sách dân tộc. Đa dạng hóa các nguồn lực để hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội vùng DTTS và miền núi. Tiếp tục rà soát, cân đối bố trí đủ nguồn lực thực hiện các chính sách đầu tư phát triển kinh tế-xã hội vùng DTTS đang có hiệu lực…

Vùng đồng bào DTTS đang mở ra những hướng phát triển mới khi được quan tâm rất lớn của Đảng, Nhà nước. Vùng đồng bào DTTS đang mở ra những hướng phát triển mới khi được quan tâm rất lớn của Đảng, Nhà nước.

Sau những kết quả đạt được tại phiên chất vấn, Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu thực hiện kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về hoạt động chất vấn tại Phiên họp thứ 26. Về nhóm vấn đề thuộc trách nhiệm của Ủy ban Dân tộc, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tiếp tục nghiên cứu đổi mới chính sách đối với đồng bào dân tộc và tổ chức thực hiện hiệu quả các chính sách đã được ban hành, tập trung vào các địa phương thuộc vùng miền núi phía Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam bộ, Tây duyên hải miền Trung.

Đồng thời, rà soát, cân đối, ưu tiên bố trí đủ nguồn lực thực hiện chính sách đầu tư phát triển kinh tế-xã hội vùng DTTS và miền núi đang có hiệu lực, đặc biệt, chú trọng tới chính sách đối với đồng bào DTTS rất ít người; trước mắt bố trí vốn từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương, nguồn dự phòng vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020, trình Quốc hội xem xét quyết định tại kỳ họp 6. Từ nay đến năm 2020, bảo đảm bố trí đủ kinh phí thực hiện chính sách đối với vùng DTTS và miền núi bằng các nguồn vốn từ ngân sách nhà nước, vốn vay ODA và xã hội hóa.

Thủ tướng yêu cầu nghiên cứu thu gọn đầu mối quản lý, thực hiện chính sách dân tộc theo hướng một cơ quan chịu trách nhiệm chính. Rà soát, đánh giá hệ thống chính sách đã ban hành, trên cơ sở đó nghiên cứu đề xuất chương trình mục tiêu chung phát triển kinh tế-xã hội vùng DTTS và miền núi trong thời gian tới có tính dài hạn...

Kết nối, hỗ trợ đồng bào DTTS khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh

Cùng với đó, sau khi tham dự, chủ trì Diễn đàn Phát triển DTTS năm 2018 với chủ đề: “Sâm Ngọc Linh-Tiếp cận Chuỗi giá trị trong phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào DTTS” ngày 20/8/2018, tại TP. Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam, vừa qua, Văn phòng Chính phủ đã ra Thông báo số: 340/TB-VPCP, ngày 7/9/2018 về kết luận của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình tại Diễn đàn.

Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình yêu cầu các Bộ, ngành và địa phương tiếp tục nghiên cứu, đề xuất chính sách phát triển vùng DTTS và miền núi cho giai đoạn sau 2020, ưu tiên nguồn lực thực hiện một cách cụ thể, chi tiết, khoa học. Các cấp, các ngành quan tâm hơn nữa đến phát triển sản xuất ở vùng DTTS và miền núi theo hướng tiếp cận chuỗi giá trị; có hỗ trợ thiết thực phát triển sản xuất, kinh doanh các sản phẩm có lợi thế-đặc sản của địa phương mình, nhất là các cây dược liệu quý và đặc hữu khác có giá trị kinh tế cao; thúc đẩy đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, tạo việc làm.

Phó Thủ tướng Thường trực giao Ủy ban Dân tộc chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tập trung nguồn lực nghiên cứu, xây dựng chính sách kết nối, hỗ trợ đồng bào DTTS, người dân ở miền núi khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp vươn lên làm giàu dựa trên lợi thế, thế mạnh của khu vực cho giai đoạn sau 2020… Các địa phương có điều kiện khí hậu, địa hình phù hợp cần chủ động nghiên cứu mô hình phát triển và nghiên cứu khả năng di thực, trồng và phát triển sâm Ngọc Linh tại địa phương mình. Đối với các địa phương vùng DTTS khác, phải lựa chọn các sản phẩm nông sản đặc sản, lâm sản ngoài gỗ đặc hữu để xây dựng mô hình, đồng thời có kế hoạch và lộ trình triển khai đạt mục tiêu giảm nghèo đa chiều bền vững…

Sự quan tâm, đầu tư của Đảng, Nhà nước và cả hệ thống chính trị đối với vùng đồng bào DTTS, miền núi sẽ là tiền đề, động lực to lớn để công tác dân tộc đạt được nhiều thành công. Chúng ta có thể tin tưởng và kỳ vọng vào những khởi sắc mới ở vùng đồng bào DTTS, miền núi thời gian tới.

THANH HUYỀN