Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

“Tạo sự đồng thuận trong triển khai Chương trình MTQG”

Thanh Huyền - 16:16, 21/01/2022

Đó là ý kiến phát biểu của Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh tại buổi làm việc với UBND tỉnh Nghệ An về thực hiện công tác dân tộc, công tác chuẩn bị triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số ̣̣(DTTS) và miền núi giai đoạn 2021-2030 (gọi tắt là Chương trình MTQG), ngày 21/1/2022, tại tỉnh Nghệ An.

Toàn cảnh buổi làm việc
Toàn cảnh buổi làm việc

Tham dự buổi làm việc có lãnh đạo một số vụ, đơn vị thuộc Ủy ban Dân tộc. Về phía tỉnh Nghệ An có sự tham dự của đồng chí Nguyễn Đức Trung, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh.

Năm 2021, mặc dù triển khai thực hiện nhiệm vụ trong điều kiện rất nhiều khó khăn nhưng lĩnh vực công tác dân tộc của tỉnh đã thực hiện đúng kế hoạch đề ra. Tỉnh đã tăng cường tuyên truyền, vận động đồng bào các dân tộc thiểu số thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước cho hàng ngàn người DTTS thông qua các lớp tập huấn cung cấp thông tin; chỉ đạo các địa phương vùng DTTS và miền núi chăm lo ổn định đời sống cho lao động là người DTTS từ các vùng dịch trở về quê hương.

UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành và UBND các huyện tổ chức triển khai thực hiện tốt các chính sách có liên quan đến công tác dân tộc như: Chính sách cán bộ người DTTS, chính sách phát triển giáo dục và đào tạo, chính sách về y tế, truyền thông, văn hóa, chính sách tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật, phát triển chợ, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất….Tập trung chuẩn bị triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi giai đoạn I: 2021 – 2025.

Các chương trình, chính sách dân tộc đã được triển khai thực hiện đúng kế hoạch, đảm bảo đúng đối tượng, địa bàn theo quy định, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào; đại đoàn kết toàn dân tộc được tăng cường, đồng bào các dân tộc ngày càng tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, điều hành quản lý của Nhà nước.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc Hầu A Lềnh phát biểu tại buổi làm việc
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc Hầu A Lềnh phát biểu tại buổi làm việc

Bên cạnh những kết quả đạt được, vùng DTTS và miền núi mặc dù được quan tâm đầu tư nhưng kết cấu hạ tầng vẫn còn bất cập; đời sống của đồng bào các dân tộc còn gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo còn cao so với bình quân chung của tỉnh.

Năm 2022, tỉnh Nghệ An tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc. Trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến 2030; đồng thời chỉ đạo xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện.

Tập trung triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế -xã hội vùng DTTS và miền núi giai đoạn 1, 2021-2025. Tăng cường công tác quản lý nhà nước về công tác dân tộc, nâng cao chất lượng tham mưu, quản lý, triển khai thực hiện tốt các chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh. Kịp thời nắm bắt tình hình vùng DTTS và miền núi để xem xét, giải quyết các vấn đề phát sinh; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra quá trình thực hiện các chính sách ở cơ sở.

Tỉnh Nghệ An kiến nghị Ủy ban Dân tộc quan tâm hỗ trợ tỉnh tháo gỡ một số vấn đề khó khăn liên quan đến việc triển khai thực hiện Chương trình MTQG.

Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Đức Trung phát biểu tại buổi làm việc
Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Đức Trung phát biểu tại buổi làm việc

Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh chúc mừng, chia vui với những kết quả nổi bật trong phát triển kinh tế-xã hội tỉnh Nghệ An trong bối cảnh nhiều khó khăn tác động. Bộ trưởng, Chủ nhiệm cho rằng, tỉnh Nghệ An đã quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo cả hệ thống chính vào cuộc. Công tác dân tộc, chính sách dân tộc đã được tỉnh quan tâm đặc biệt.

Để thực hiện tốt Chương trình MTQG trong giai đoạn tới, Bộ trưởng, Chủ nhiệm đề nghị tỉnh Nghệ An cần quan tâm đến công tác chỉ đạo điều hành, kiện toàn bộ máy tổ chức, hoàn thiện hệ thống pháp lý, cơ chế vận hành, đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất. Tăng cường công tác tuyên truyền, tạo sự đồng thuận trong Nhân dân. Bên cạnh đó, công tác phối hợp với Trung ương, phối hợp giữa các sở, ban, ngành cần tăng cường để đảm bảo mục tiêu, tiến độ của Chương trình MTQG.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm cũng đề nghị tỉnh quan tâm phát huy vai trò của Người uy tín trong cộng đồng và Nhân dân trong bảo vệ vùng biên giới, giữ gìn phên dậu quốc gia; giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc; quan tâm đến an sinh xã hội, chăm lo Tết cho người nghèo, đồng bào DTTS để người dân được đón Tết an vui.

Về những kiến nghị của tỉnh Nghệ An, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh đã giải đáp và cho biết sẽ tiếp thu, giải quyết theo thẩm quyền.

Tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Đức Trung, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cảm ơn Ủy ban Dân tộc đã quan tâm, tạo điều kiện cho tỉnh Nghệ An trong thực hiện công tác dân tộc.

Chia sẻ những khó khăn đặc thù của tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cho biết sẽ nghiêm túc tiếp thu những ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc và khẳng định, tỉnh sẽ chủ động vào cuộc, quyết tâm triển khai thực hiện tốt Chương trình MTQG, đảm bảo việc thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi  của tỉnh. 

Vùng DTTS và miền núi tỉnh Nghệ An có diện tích tự nhiên 13.745 km vuông, chiếm 83% diện tích toàn tỉnh; dân số trên 1 triệu người, chiếm 41% dân số toàn tỉnh. Trong đó đồng bào DTTS có 491.267 người, chiếm 14,76% dân số toàn tỉnh; có 27 xã biên giới thuộc của 6 huyện vùng DTTS, với 468,281 km đường biên giới. Đây là địa bàn có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế- xã hội, quốc phòng - an ninh và môi trường sinh thái. Hiện nay, vùng DTTS và miền núi tỉnh Nghệ An gồm 131 xã (trong đó 76 xã khu vực III, 55 xã khu vực I, không có xã khu vực II) và 588 thôn, bản đặc biệt khó khăn.