Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Tảo hôn- Vòng luẩn quẩn của đói nghèo, thất học

Bảo Anh - 17:26, 18/12/2020

Kết hôn sớm, nhiều chàng trai, cô gái ở tuổi mười tám đôi mươi đã làm cha mẹ của đàn con nhỏ. Sinh con sớm, sinh dày, đông con khiến những cuộc sống của họ cứ mãi miết bơi trong cái vòng luẩn quẩn đông con, thất học, đói nghèo....

Ở các xã vùng sâu tảo hôn, đông con còn phổ biến
Ở các xã vùng sâu tảo hôn, đông con còn phổ biến

Làng siêu đẻ

Xã Cư Pui, huyện Krông Bông, tỉnh Đăk Lăk có 13 thôn buôn, trong đó có 6 thôn chủ yếu đồng bào dân tộc H’Mông di cư từ các tỉnh phía Bắc. Từ nhiều năm nay, Cư Pui được mệnh danh là làng siêu đẻ giữa đại ngàn, nhiều cặp vợ chồng có 7-8 con, kết hơn sớm không ít người mới ngoài tuổi 30 đã lên chức ông bà ngoại.

Lấy chồng từ thuở 13, ngoài 30 tuổi chị Sùng Thị Cỡ, thôn Ea Uôl có 7 người con. Trong căn nhà gỗ cũ kỹ, đàn trẻ con mặt mũi nhem nhuốc đứng khép nép bên cánh cửa, đứa nhỏ nhất còn đang bú mẹ. Số là chợ chồng chị sinh toàn con gái nên còn phải cố để có con trai nối dõi. Anh Sính Hy Chá, chồng chị Cỡ khẳng định: “Chưa có con trai còn phải đẻ nữa. Con gái lớn lên rồi cũng lấy chồng, chỉ có con trai mới phụng dưỡng bố mẹ lúc tuổi già và là người nối dõi”.

 Cách nhà chị Cỡ không xa, vợ chồng anh Vàng Chúng Vừ lại thèm khát con gái, sinh lần thứ 7 vẫn là trai nên anh vẫn giữ ý định sinh tiếp. Anh Vừ nói: “Còn đẻ được thì cứ đẻ cho đến khi nào sinh được con gái thì thôi, nhà phải con trai có con gái thì mới vui”.

Chính vì tảo tôn, đông con mà chất lượng sức khỏe, giáo dục thấp, đời sống kinh tế của người dân thôn Ea Uôl gặp rất nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo thuộc diện cao nhất nhì xã. Vì vậy, trẻ em cũng không được học hành đến nơi đến chốn,

Nhiều năm gắn bó với bà con xã Cư Pui, ông Nguyễn Văn Tâm, Bí thư Đảng ủy UBND xã cho biết: Những năm gần đây, nhờ sự quan tâm của các cấp ngành, sự phối hợp các hội đoàn thể, chính quyền tình trạng đông con ở 6 thôn đồng bào Mông di cư phía Bắc vào tuy có giảm so với trước, nhưng vẫn cao. Bà con ở đây vẫn còn suy nghĩ lạc hậu đông con-nhiều của, phải sinh con trai để có người nối dõi, đông con để có người làm rẫy… Do đông con nên đời sống kinh tế của các hộ dân ở các thôn này gặp nhiều khó khăn, dẫn đến hệ lụy tảo hôn, trẻ em bỏ học sớm. Xã cử cán bộ là người DTTS thường xuyên tuyên truyền hệ quả xấu của việc sinh nhiều con. Các hội, đoàn thể đặc biệt là cộng tác viên dân số, hội phụ nữ vận động các gia đình trong độ tuổi sinh đẻ, sử dụng các biện pháp tránh thai. Tuy nhiên, người dân chỉ nghe xong rồi để đó.

Sự nghèo, thất học đeo bám

Nhiều năm nay, thôn Ea Sanh, xã Cư San vẫn là một trong những “điểm nóng” về tình trạng tảo hôn và sinh đông con của huyện M’Đrăk. Thôn Ea Sanh có 100% đồng bào Mông sinh sống, có nhiều trường hợp kết hôn sớm, và đến hơn 1 nửa số cặp vợ chồng đó sinh con thứ 3 trở lên.

Đang học THCS anh Hầu Seo Sóa, thôn Ea Sanh, bỏ học để lấy vợ kém 5 tuổi, rồi vợ chồng sinh liên tiếp 7 người con. Vợ sinh đẻ liên tiếp, một mình Sóa đi làm thuê nuôi cả 9 miệng ăn, nên mới 27 tuổi tóc Sóa đã đổi màu hoa râm, thân hình gầy còm trông già trước hàng chục tuổi. Ăn chưa đủ no, mặc chưa đủ ấm, các con của Sóa cũng không được quan tâm đến chuyện học hành.

Chị Triệu Thị Nái, cán bộ Dân số xã Cư San chia sẻ:Từ đầu năm đến nay,  thôn đã có 5 trường hợp tảo hôn. Chuyện tảo hôn đã tác động không nhỏ đến công tác xóa đói giảm nghèo và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân nơi đây. Hiện nay, toàn thôn Ea Sanh vẫn còn một nửa hộ nghèo và cận nghèo, chủ yếu tập trung ở những cặp vợ chồng kết hôn sớm, sinh đông con; số học sinh học hết bậc THPT chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Bác sĩ H’Lê Niê, Trưởng Phòng Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tỉnh Đăk Lăk) cho biết: Đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng được 3.450 cộng tác viên dân số. Đội ngũ này đã thường xuyên bám sát cơ sở, phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động người dân nâng cao nhận thức, trách nhiệm thực hiện nghiêm Luật Hôn nhân và Gia đình. 

"Tuy nhiên, để hạn chế và chấm dứt tình trạng trên vẫn còn là lộ trình dài hơi, đòi hỏi vai trò, trách nhiệm, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị của tỉnh...", bác sĩ H’Lê Niê bộc bạch.