Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Tạo hành lang pháp lý thúc đẩy phát triển công nghiệp điện ảnh Việt Nam

Minh Anh - 20:34, 07/09/2021

Sáng 7/9, tại Nhà Quốc hội, Viện Nghiên cứu lập pháp thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội phối hợp với Ủy ban Văn hóa, Giáo dục tổ chức Hội thảo trực tuyến góp ý dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi). Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh và Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Nguyễn Văn Hiển đồng chủ trì hội thảo.

Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Nguyễn Văn Hiển phát biểu tại hội thảo
Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Nguyễn Văn Hiển phát biểu tại hội thảo

Phát biểu khai mạc hội thảo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Nguyễn Văn Hiển cho biết, Luật Điện ảnh được ban hành năm 2006, đã qua một lần sửa đổi và đến nay cần thiết phải sửa đổi. Dự kiến, Dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi) sẽ được trình ra Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ Hai và nếu đáp ứng yêu cầu về chất lượng thì sẽ được thông qua tại Kỳ họp thứ Ba, Quốc hội Khóa XV.

Sau 15 năm thi hành, Luật Điện ảnh đã bộc lộ những thiếu sót, bất cập cần sớm được sửa đổi, bổ sung nhằm thể chế hóa đầy đủ chủ trương của Đảng, chính sách lớn của nhà nước, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước, hội nhập quốc tế trong cuộc cách mạng khoa học công nghệ lần thứ tư.

Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp đề nghị, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý trong lĩnh vực điện ảnh tập trung cho ý kiến về những định hướng, chính sách lớn về sửa đổi Luật hiện hành; đề xuất các chính sách đổi mới công tác quản lý Nhà nước về điện ảnh, cơ chế xã hội hóa hoạt động điện ảnh, hợp tác quốc tế, quảng bá xúc tiến điện ảnh, bảo hộ quyền tác giả, hoạt động phát hành phim điện ảnh… Các đại biểu góp ý thẳng thắn vào các nội dung chính của dự thảo Luật, kiến nghị về các chính sách lớn, giúp cơ quan soạn thảo, cơ quan nghiên cứu lập pháp và cơ quan thẩm tra dự án Luật có những chất liệu quý phục vụ quá trình góp ý, thẩm tra, thông qua dự án Luật.

Các đại biểu góp ý tại Hội thảo
Các đại biểu góp ý tại Hội thảo

Tại Hội thảo, các đại biểu nghe các tham luận đề xuất một số chính sách sửa đổi Luật Điện ảnh; giải pháp đổi mới trong quản lý điện ảnh của Việt Nam; thực trạng, kinh nghiệm quốc tế và kiến nghị chính sách về quảng cáo phim; thực trạng, kinh nghiệm quốc tế và kiến nghị chính sách về hợp tác quốc tế trong lĩnh vực điện ảnh… Các đại biểu khẳng định, điện ảnh là lĩnh vực văn hóa rất quan trọng, đóng góp vào sự phát triển văn hóa, định hướng tư duy, sức mạnh tinh thần của mỗi dân tộc. Ngoài ra, điện ảnh còn được coi là nền công nghiệp với sức mạnh kinh tế, khả năng tiếp cận công chúng rất cao. Trong tình hình phát triển mạnh mẽ của xã hội hiện đại, sửa đổi, bổ sung Luật Điện ảnh là cần thiết và rất quan trọng để thúc đẩy sự phát triển nền điện ảnh nước nhà.

Để Luật sửa đổi phù hợp với thực tế phát triển của xã hội nói chung và điện ảnh nói riêng, đồng thời tạo hành lang pháp lý cho điện ảnh Việt Nam phát triển bền vững, các đại biểu kiến nghị, việc sửa đổi, bổ sung Luật cần dựa trên hai quan điểm: Dự thảo Luật cần điều chỉnh các hoạt động điện ảnh trong môi trường công nghệ số để khuyến khích điện ảnh phát triển; tạo hành lang pháp lý để phát triển công nghiệp điện ảnh Việt Nam.

Một số đại biểu cũng cho rằng, dự thảo Luật đang chú trọng đến phát hành phim, cấp phép phim, quản lý nhà nước… Trong khi khâu sản xuất phim còn mờ nhạt, các chính sách, cơ chế để khuyến khích xã hội đầu tư nguồn lực vào phát triển phim chưa thấy rõ. Ý kiến này đề nghị, dự thảo Luật cần quan tâm thêm tới chính sách ưu đãi thuế; xây dựng hệ sinh thái làm phim; cơ chế bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ các sản phẩm điện ảnh; cơ chế hợp tác sản xuất phim...