Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Tạo bước đột phá từ giống cây trồng phù hợp

PV - 16:17, 03/04/2018

Nhờ có tiềm năng lớn về đất đai, sau khi nghiên cứu những giống cây trồng phù hợp với đất đai, khí hậu, chính quyền xã Sông Cầu, huyện Khánh Vĩnh (Khánh Hòa) đã vận động người dân trồng một số loại cây ăn trái có giá trị kinh tế cao như sầu riêng, bưởi da xanh. Đây là những loại cây trái phát triển tốt, có giá trị kinh tế giúp người dân nâng cao thu nhập.

Bưởi da xanh giúp người dân Sông Cầu có thu nhập ổn định. Bưởi da xanh giúp người dân Sông Cầu có thu nhập ổn định.

 

Làm giàu từ cây trồng chủ lực

Theo thống kê của xã Sông Cầu, tính đến thời điểm hiện tại toàn xã có hơn 23ha sầu riêng. Trong đó, 70% diện tích đã cho thu hoạch, 30% còn lại đang trong thời kỳ sinh trưởng. Cây sầu riêng được đánh giá hợp thổ nhưỡng, khí hậu ở Sông Cầu nên cho trái thơm ngon, cơm ráo, không nhão. Với giá bán tại vườn bình quân từ 50 - 60 ngàn đồng/kg, giúp cho nhiều hộ dân có thu nhập khá từ sầu riêng.

Cựu chiến binh Ngô Hồng Sơn, là người đầu tiên trồng sầu riêng ở Sông Cầu chia sẻ: Cây sầu riêng nơi đây phát triển tốt, năng suất cao. Chỉ có những năm mưa nhiều, ngập nước thì mới sinh bệnh. Người trồng chỉ cần tạo lối thoát nước cho vườn cây và gia cố đất ở những khu vực nước lên nhiều thì cây sẽ khỏe mạnh và giữ được năng suất. Hiện gia đình tôi có 2ha sầu riêng, mỗi năm cho thu nhập vài trăm triệu đồng.

Bên cạnh sầu riêng, 3 năm gần đây, cây bưởi da xanh phát triển mạnh trên địa bàn xã. Đây là loại cây có giá trị kinh tế cao, người dân bán tại vườn bưởi loại 1 là 50.000 đồng/kg, loại 2 khoảng 30.000 đồng/kg.

Theo ông Nguyễn Ngọc Hoa, Chủ tịch UBND xã Sông Cầu, đến tháng 9/2017, toàn xã có hơn 45ha bưởi da xanh. Tuy nhiên, người dân đã đăng ký trồng thêm 13ha theo đề án cây trồng chủ lực của huyện và Quyết định 661 của UBND tỉnh về thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp và dịch vụ nông thôn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2017-2020. Theo chính sách, với diện tích đăng ký trồng từ 1ha trở lên, người dân được hỗ trợ 10 triệu đồng để đầu tư hệ thống tưới tiêu, hỗ trợ cây giống và tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch.

Cùng nhau thoát nghèo

Nhờ chuyển đổi sang trồng các loại cây chủ lực, đã giúp người dân có thu nhập cao, đồng thời góp phần đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới của địa phương. Ông Nguyễn Ngọc Hoa cho biết: Hiện nay, xã Sông Cầu đã đạt 13/19 tiêu chí và theo kế hoạch đến năm 2019 sẽ về đích nông thôn mới. Trong thời gian tới, xã đề ra các giải pháp để nâng thu nhập cho người dân.

Xã Sông Cầu có 359 hộ, trong 13 hộ nghèo, toàn xã, có 7 hộ là đồng bào DTTS. Đối với những hộ đồng bào DTTS nghèo được xã bố trí các nhóm hỗ trợ. Mỗi nhóm gồm 2 người là cán bộ xã hay cán bộ thôn giúp đỡ trực tiếp cho 1 hộ. Những cán bộ thường xuyên đến nhà quan tâm, hướng dẫn cho các hộ sản xuất; hướng dẫn sử dụng quỹ đất được cấp; hướng dẫn cách chăm sóc vật nuôi như heo, bò do Nhà nước hỗ trợ hiệu quả.

Điển hình như gia đình bà Cao Thị Quyển, ở thôn Nam được xã cử Trưởng thôn và cán bộ phụ trách lao động-thương binh và xã hội giúp đỡ. Bà Quyển chia sẻ: “Gia đình tôi được hỗ trợ sửa lại nhà. Nhà tôi không có đất sản xuất, vợ chồng chỉ làm thuê, làm mướn, nay được chính quyền bóc tách cho 1ha đất và hỗ trợ bắp giống để trồng nên rất mừng”.

Tương tự, gia đình ông Cao Là Bang cũng ở thôn Nam, là một trong những hộ DTTS nghèo nhất xã được Phó Chủ tịch HĐND và cán bộ nông nghiệp xã Sông Cầu giúp đỡ. Chỉ với 5 triệu đồng do UBMTTQ Việt Nam tỉnh hỗ trợ, những cán bộ được phân công giúp đỡ còn vận động các nhà hảo tâm ủng hộ thêm xi măng, cát, sỏi…; trực tiếp giúp gia đình ông Cao Là Bang dựng nhà ở, hướng dẫn gia đình ông trồng bắp, keo trên diện tích đất được bóc tách.

Ông Cao Là Bang xúc động nói: “Nhờ cán bộ giúp đỡ mà gia đình mình đã có nhà để ở, có đất để sản xuất. Giờ mình không còn lo đói nữa mà sẽ cố gắn làm ăn, phát triển kinh tế, không phụ lòng cán bộ...”.

LÊ PHƯƠNG