Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Tạo bước chuyển mới về chất lượng khám chữa bệnh tuyến y tế cơ sở

PV - 14:26, 18/07/2018

Phát triển mạng lưới y tế cơ sở (YTCS) là nhiệm vụ quan trọng trong việc chăm sóc kịp thời sức khỏe cho người dân ngay tuyến đầu. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn tình trạng người dân chưa thực sự tin tưởng vào tuyến YTCS. Tình trạng vượt lên các tuyến trên để khám chữa bệnh (KCB) gây tốn kém về thời gian, tiền bạc, công sức và các chi phí xã hội khác.

bộ y tế Người dân khám chữa bệnh tại Trạm Y tế xã Tả Ván, huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang.

 

Theo số liệu thống kê của Bộ Y tế, hiện cả nước có hơn 12.000 trạm

y tế xã. Trong đó, tổng số trạm y tế xã thực hiện KCB BHYT là 9.821, với số thẻ BHYT đăng ký ban đầu là 21,5 triệu. Tỷ trọng số lượt KCB BHYT tại tuyến xã có xu hướng giảm qua các năm. Nếu như năm 2014, tỷ trọng số lượt KCB tại tuyến xã chiếm khoảng 28,3% trong tổng số lượt KCB BHYT, thì đến năm 2017 là 19,9% và 6 tháng đầu năm 2018, tỷ trọng này giảm xuống chỉ còn 18,5%.

Nguyên nhân khiến người dân không mặn mà với việc KCB BHYT cơ sở, vẫn là người dân chưa thật sự tin tưởng vào chất lượng kỹ thuật YTCS, đội ngũ cán bộ y tế mỏng, năng lực còn hạn chế. Các dịch vụ chuyên môn trong KCB còn hạn chế, danh mục thuốc ít...

Bên cạnh đó, còn có lý do là chính sách thông tuyến được thực hiện từ năm 2015 theo quy định của Luật BHYT năm 2014, người bệnh BHYT được quyền lựa chọn KCB tại các bệnh viện tuyến huyện thay vì đến trạm y tế xã.

Việc chưa có quy định quỹ BHYT thanh toán đối với trường hợp chuyển bệnh phẩm, người bệnh lên tuyến trên hoặc đến cơ sở khác để thực hiện một số kỹ thuật trong chẩn đoán bệnh, dẫn đến phải chuyển tuyến người bệnh gây quá tải tuyến trên, gia tăng chi phí KCB từ quỹ BHYT.

Để nâng cao chất lượng KCB BHYT tại y tế cơ sở, theo ông Lê Văn Phúc, Phó trưởng Ban Thực hiện chính sách BHYT (BHXH Việt Nam) thì, ngoài tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, đào tạo, bổ sung nguồn nhân lực, cần có cơ chế tài chính linh hoạt đối với y tế cơ sở theo năng lực cung cấp dịch vụ y tế, số lượng người bệnh BHYT đến KCB. Xây dựng cơ chế tài chính nhằm hạn chế người bệnh lựa chọn các bệnh viện tuyến tỉnh, Trung ương để KCB các bệnh thông thường. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát công tác KCB BHYT tại y tế cơ sở về chuyên môn, cũng như sử dụng quỹ KCB BHYT và xử lý nghiêm đối với tình trạng lạm dụng, trục lợi quỹ BHYT.

Theo bà Tôn Thị Ngọc Hạnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đăk Nông, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền chính sách BHYT tại cơ sở, cải cách thủ tục hành chính, trong thanh toán và KCB nhất là bằng thẻ BHYT. Hoàn thiện cơ chế chính sách để khuyến khích sự phát triển y tế cơ sở, đánh giá đúng vai trò, vị trí của y tế cơ sở trong hệ thống y tế; tăng cường đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, trang thiết bị cho các trạm y tế xã để từng bước nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho người dân.

Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến “Nâng cao chất lượng khám chữa bệnh BHYT cơ sở” vừa diễn ra vào ngày 6/7/2018 tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định: Bộ Y tế sẽ tập trung đầu tư cơ sở vật chất cơ sở hạ tầng, trang thiết bị và đội ngũ y bác sĩ, tránh tình trạng vượt tuyến lên tuyến trên; Triển khai mô hình trạm y tế hoạt động theo nguyên lý bác sĩ gia đình; Tăng cường đội ngũ bác sĩ chuyên khoa về cơ sở để hướng dẫn nâng cao trình độ tay nghề cho đội ngũ bác sĩ các trạm y tế xã; đề xuất tăng mức chi BHYT tại tuyến cơ sở qua đó nhằm nâng cao chất lượng KCB.

Hy vọng với những giải pháp trọng tâm đó, sẽ tạo bước chuyển mới trong công tác KCB BHYT tại cơ sở.

THÚY HỒNG