Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội

Văn Hoa - Hương Diệp - 19:49, 08/04/2022

Chiều ngày 8/4, tại Hà Nội, diễn ra Phiên họp thứ nhất của Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án trình Ban Bí thư ban hành Chỉ thị “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội”.

Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phát biểu tại phiên họp
Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến phát biểu tại phiên họp

Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến, Trưởng Ban Chỉ đạo chủ trì phiên họp. Cùng tham dự có: Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương Nguyễn Tất Thắng; các Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Lê Tiến Châu, Ngô Sách Thực; cùng đại diện lãnh đạo các tổ chức chính trị - xã hội là thành viên Ban Chỉ đạo.

Thực hiện chỉ đạo của Thường trực Ban Bí thư về việc giao cho Đảng đoàn MTTQ Việt Nam xây dựng Đề án tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giám sát, phản biện xã hội, ngày 16/2/2022 Đảng đoàn MTTQ Việt Nam đã ban hành Kế hoạch số 19/KH-MT-ĐĐ về xây dựng Đề án trình Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội; ngày 9/3/2022 Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã thành lập Ban Chỉ đạo và Tổ biên tập xây dựng Đề án.

Việc xây dựng Đề án sẽ góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu cấp ủy, người đứng đầu chính quyền, người đứng đầu cơ quan, tổ chức trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao; phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị đối với công tác giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội…

Nội dung Đề án cần bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, tuân thủ các quy định của các văn bản quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác giám sát, phản biện xã hội; nghiên cứu, khảo sát kinh nghiệm của một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã làm tốt và chưa làm tốt công tác giám sát, phản biện xã hội. Ưu tiên khảo sát các tỉnh, thành phố đã ban hành Chỉ thị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giám sát, phản biện xã hội.

Để thực hiện các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội trong thời gian tới, nội dung Đề án đề xuất một số vấn đề cụ thể như: Tiếp tục quán triệt, tuyên truyền, phổ biến và triển khai các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội; tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về giám sát, phản biện xã hội…

Quang cảnh phiên họp
Quang cảnh phiên họp

Tại phiên họp, đại biểu tham dự đã cùng thảo luận để làm rõ hơn nữa thực trạng giám sát, phản biện của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội trong thời gian gần đây, như: Việc kiểm tra hậu giám sát; việc xác định đối tượng, nội dung, phương thức triển khai thực hiện, giám sát, phản biện xã hội ở một số nơi còn lúng túng; nhận thức về công tác giám sát, phản biện xã hội của cấp ủy, chính quyền ở một số địa phương còn chưa thống nhất... Từ đó bổ sung các giải pháp vừa mang tính chiến lược, lâu dài vừa mang tính cụ thể, bảo đảm khắc phục ngay những hạn chế, tồn tại hiện có, đồng thời có những giải pháp tổng thể, có tính đột phá nhằm tạo bước chuyển mạnh mẽ trong công tác giám sát, phản biện xã hội.

Thay mặt Ban Chỉ đạo, Chủ tịch MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến đánh giá cao những ý kiến tâm huyết, trách nhiệm góp ý vào nội dung của Đề án; đồng thời đề nghị Tổ biên tập nghiên cứu tiếp thu hoàn thiện đề án, triển khai các bước tiếp theo để trình Ban Bí thư xem xét ban hành Chỉ thị “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội”.

Theo Chủ tịch MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến, trong quá trình xây dựng Đề án, Tổ biên tập cần đánh giá đúng những ưu điểm, kết quả đạt được, những hạn chế, vướng mắc và chỉ rõ nguyên nhân từ đó đề ra các giải pháp nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội; đồng thời việc xây dựng và thực hiện Chỉ thị phải bảo đảm tính khả thi và đáp ứng yêu cầu của thực tiễn nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội.

Chủ tịch MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến tin tưởng với việc Ban Bí thư ban hành Kết luận về Chỉ thị sẽ tạo sự chuyển biến căn bản, mạnh mẽ về nhận thức và hành động của các cấp ủy, tổ chức đảng, của cả hệ thống chính trị, góp phần nâng cao hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội.