Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Tản mạn về văn hóa dân tộc Mông

Hải Yến - 10:33, 11/05/2021

Trải qua hàng trăm năm, cuộc sống gian khó đã hun đúc nên một dân tộc Mông dũng cảm, kiên cường để chống chọi với thiên nhiên khắc nghiệt, xây dựng bản làng quê hương. Cũng nhờ gắn bó mật thiết với thiên nhiên hùng vĩ, mà đồng bào dân tộc Mông có một nền văn hóa đặc sắc. Theo thời gian, bằng tình yêu dân tộc, những giá trị văn hóa đặc sắc này được các thế hệ con, cháu dân tộc Mông giữ gìn, phát huy.

Nam giới dân tộc Mông múa khèn tại Lễ hội Gầu Tào (TP. Lai Châu, tỉnh Lai Châu).
Nam giới dân tộc Mông múa khèn tại Lễ hội Gầu Tào (TP. Lai Châu, tỉnh Lai Châu).

Tìm hiểu về văn hóa dân tộc Mông, chúng tôi thấy lớp lớp ý nghĩa trong từng phong tục, nếp sống hằng ngày, đã làm nên bức tranh văn hóa dân tộc Mông đa màu sắc. Trò chuyện cùng ông Mùa A Tủa ở khu phố 2, thị trấn Sìn Hồ, huyện Sìn Hồ (Lai Châu), một trong những tác giả có nhiều đề tài nghiên cứu văn hóa dân tộc Mông, chúng tôi được biết: Người Mông chia thành 3 nhóm: Mông Trắng, Mông Đen, Mông Hoa. Ngôn ngữ các nhóm cơ bản đều giống nhau, chỉ khác về âm thanh nói nặng, nhẹ. Phong tục tập quán khác nhau ở một số tục lệ riêng biệt của mỗi nhóm và các dòng họ.

Trong trang phục, ở cả 3 nhóm đều có sự tương đồng ở nam giới, là quần vải đen ống rộng, áo vải đen, đầu đội khăn. Trang phục của phụ nữ Mông mỗi nhóm thì có sự khác biệt rõ ràng. Phụ nữ nhóm Mông trắng mặc váy vải lanh trắng, nhóm Mông hoa mặc váy thêu chỉ đủ sắc màu, nhóm Mông đen mặc váy đen thêu hoa văn chân váy. Trang sức làm bằng bạc, đồng, gồm: Khuyên tai, vòng cổ, vòng tay, bộ xà tích và nhẫn. Phụ nữ Mông, từ tuổi thơ đến trưởng thành đều được cha mẹ, các anh chị dạy se lanh, dệt vải, thêu hoa váy, áo, thắt lưng, khăn… nên tự chủ động trong trang phục của mình.

Người Mông biết sử dụng nhiều loại nhạc cụ, như: Khèn, sáo, đàn môi, kéo nhị, khèn lá. Âm thanh nhạc cụ dân tộc Mông vừa mượt mà như nước suối đầu nguồn, vừa hùng vĩ như thác ghềnh, như núi non. Âm hưởng trữ tình ấy làm đắm say hồn người, là niềm tự hào của đồng bào dân tộc Mông.

Cây khèn không chỉ là nhạc cụ mà trở thành một biểu tượng gắn liền với dân tộc Mông. Tiếng khèn có âm thanh chất chứa nỗi lòng, là tiếng của núi rừng, bước chân nhẹ nhàng của loài thú, tiếng vỗ cánh mãnh liệt của loài chim, réo rắt suối nguồn ào ạt thác đổ khi mưa về. Khèn thổi khi đi nương, đi chợ, lấy củi… Chồng thổi khèn đi trước, vợ địu lu cở theo sau. Khèn thổi lúc đi chơi cùng bạn bè, khi nhàn rỗi. Đám ma, lễ hội cũng không thể thiếu khèn.

Ngoài khèn, người Mông còn chế tạo trống bằng gỗ bọc da. Sáo lưới và sáo hơi chế tạo từ cây trúc, lưỡi gà bằng đồng, gang. Đàn môi sử dụng đồng, gang có lưỡi gà, tạo âm thanh hòa quyện cùng tiếng hát giao duyên để nam, nữ gọi bạn. Quả pao khâu bằng vải để thanh niên ném chơi trong ngày lễ hội, Tết cổ truyền. Cù quay thì làm bằng gỗ cứng…

Dân tộc Mông có mối quan hệ chặt chẽ, mật thiết giữa các dòng họ, giữa cộng đồng của dân tộc, tính cố kết dân tộc rất mạnh mẽ. Các dòng họ cũng tự đặt ra quy ước bỏ các phong tục tập quán lạc hậu, phát huy truyền thống văn hóa của dân tộc. Lễ hội Gầu tào (chơi núi) của dân tộc Mông hiện nay được các cơ quan hữu quan chú trọng phục dựng vào dịp Xuân mới để giữ gìn truyền thống văn hóa của dân tộc, động viên tinh thần của đồng bào. Ngoài phần lễ, phần hội có tổ chức các trò chơi: Giã bánh giầy, múa khèn, thổi sáo, thổi đàn môi, thi trình diễn trang phục dân tộc, ném pao, kéo co, đẩy gậy, hát múa dân gian…

Đánh cù là trò chơi truyền thống ngày Tết của đồng bào dân tộc Mông
Đánh cù là trò chơi truyền thống ngày Tết của đồng bào dân tộc Mông

Những truyền thống văn hóa của dân tộc Mông đã phản ánh lối sống vui vẻ, lành mạnh trong cuộc sống đời thường của họ. Dân ca người Mông là những bài hát do Nhân dân tự sáng tác và lưu truyền trong dân gian bao đời nay về các nội dung: Giao duyên, nghi lễ, than thân. Các bài ca có phần lời ca, âm nhạc và cả nghệ thuật diễn xướng.

Dân tộc Mông cũng có những bài ca phản ánh cuộc sống đời thường, phù hợp với tâm lý xã hội ngày nay. Nhiều câu hát sâu sắc: “Nước chảy được thì nước chảy/ Đất không chảy được thì đất lắng”, “Muối không thấy nước thì muối không tan/ Tôi không thấy mình thì lòng tôi không yên ổn”…

Văn học dân gian người Mông gồm nhiều loại hình: Truyện cổ tích, thần thoại, các bài dân ca, tục ngữ… Trong đó, thần thoại kể về các nhân vật anh hùng, giải thích nguồn gốc vũ trụ và các hiện tượng tự nhiên sinh ra. Truyện cổ tích kể về động vật, thân phận mồ côi, sự tích lịch sử chống giặc ngoại xâm và về sinh hoạt xã hội. Tục ngữ thì phản ánh về kinh nghiệm sản xuất của Nhân dân, mối quan hệ xã hội của cộng đồng, phản ánh những việc tốt, phê phán việc xấu để giữ vững phẩm chất đạo đức lối sống của con người. Một số câu tục ngữ rất thú vị, như: “Không được nói, khèn nghe thấy khèn gẫy/ Trống nghe thấy trống thủng”, “Vợ chồng yêu nhau ngọt như mật ong/ Ghét nhau thì cay như quả ớt”...

Các nghi lễ trong cưới xin, lễ tang của người Mông hiện nay vẫn còn giữ được những nét văn hóa đặc sắc, phản ánh các quan niệm về lịch sử xã hội người Mông, về cộng đồng dân tộc Mông.

Hiện nay, cùng với sự phát triển kinh tế, đời sống dân tộc Mông đã được nâng cao. Với các Chương trình: 135, 30a và Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới, văn hóa - xã hội được quan tâm, đời sống tinh thần ngày một đa dạng, phong phú. Tin rằng, nền văn hóa dân tộc Mông sẽ tiếp tục được bảo tồn, phát triển nhờ ý thức của chính họ ở gia đình, dòng họ và cộng đồng. Và, nền văn hóa ấy sẽ được tiếp nối, trao truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác.

Hiện nay, cùng với sự phát triển kinh tế, đời sống dân tộc Mông đã được nâng cao. Với các Chương trình: 135, 30a và Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới, văn hóa - xã hội được quan tâm, đời sống tinh thần ngày một đa dạng, phong phú. Tin rằng, nền văn hóa dân tộc Mông sẽ tiếp tục được bảo tồn, phát triển nhờ ý thức của chính họ ở gia đình, dòng họ và cộng đồng. Và, nền văn hóa ấy sẽ được tiếp nối, trao truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác.