Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Tấm lòng của một dũng sĩ Trường Sa

PV - 14:28, 01/08/2018

Sinh năm 1966, từng là sĩ quan quân đội nhiều năm bảo vệ Trường Sa, được phong danh hiệu dũng sĩ. Trong một trận chiến bảo vệ biển đảo, Nguyễn Văn Dũng bị thương nặng một chân trở thành thương binh hạng 2/4. Chỉ còn lại một chân lành, ông Dũng phục viên về ở tại Đường Đệ (Nha Trang, Khánh Hòa) lao vào nghiên cứu các biện pháp lai tạo các loại giống hải sản và xây nhà giúp người nghèo, người DTTS ở vùng sâu, vùng xa.

dũng sĩ Trường Sa Một ngôi nhà ở huyện miền núi Khánh Vĩnh được ông Dũng hỗ trợ xây dựng.

Vượt lên từ gian khổ

Ngoài 20 tuổi đang là một sinh viên ĐH Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh nhưng quá khát khao được ra quần đảo Trường Sa để chiến đấu và bảo vệ vùng đảo thiêng liêng nên Nguyễn Văn Dũng đã nhen nhóm ý định. Ý nguyện của Nguyễn Văn Dũng rồi cũng thành hiện thực khi lá đơn tình nguyện ra đảo của anh được xét duyệt. Tháng 2/1987, Dũng lên đường nhập ngũ. Trong nhiều trận chiến với các tàu lạ để bảo vệ đảo, Dũng đã bị đứt lìa một chân, giám định mất sức lao động đến hơn 60%.

Sau khi được tổ chức cho phục viên trở về, kinh tế lại khó khăn, anh như người đi trên dây. “Tôi chẳng có gì ngoài hai bàn tay trắng. Tiền phụ cấp rất khiêm tốn và cứ trở trời những vết thương tái phát hành hạ làm tôi đau đớn rồi việc đi lại bằng chân giả như một cực hình. Những đêm mưa tầm tã nằm trong căn gác xép cũ kỹ và đơn sơ, tôi cứ vò võ một mình. Chính những đêm như thế đã hun đúc cho tôi quyết tâm phải vươn lên với tinh thần “tàn nhưng không phế”, anh Dũng chia sẻ.

Trong gác xép nhìn ra những ruộng mỳ mất trắng vì thời tiết, những đìa tôm cũng năm mất năm được. Hàng ngàn người dân nơi đây lâm cảnh khổ cực. Không hiểu sao lúc đó tôi trỗi dậy khát vọng phải làm gì đó để giúp bản thân mình và những người dân này bớt đi khổ cực. Nghĩ thế nên tôi quyết định vượt lên số phận bằng ý chí và nghị lực đã được tôi luyện trong quân ngũ. Tôi vạch hướng làm ăn và động viên hàng trăm dân nghèo cùng làm theo dựa trên những tiềm năng sẵn có của địa phương”, Nguyễn Văn Dũng tâm sự.

Miệt mài giúp người nghèo

Sau khi đã nghiên cứu kỹ lưỡng địa hình, năm 1993, anh Dũng nghĩ ra sáng kiến thiết kế cầu phao, làm bè nuôi trồng thủy sản theo công nghệ mới bằng vật liệu nhựa hỗn hợp kết hợp với nhiều vật dụng khác. Hệ thống bè này có thể chống chọi lại được với bão tố. Kiểu làm lồng bè này nhanh chóng được nhiều hộ dân ủng hộ. Anh Dũng cho biết: Ban đầu, nhiều người ái ngại nhưng thực tế đã mang lại nhiều kết quả ngoài mong đợi nên ai cũng hồ hởi làm theo.

dũng sĩ Trường Sa Ông Dũng (đứng giữa) trong một chuyến đi làm từ thiện.

Ông Hồ Văn Nam ở Vĩnh Hòa, Nha Trang chia sẻ: Chúng tôi đều nghèo nhưng lành lặn cả mà chẳng nghĩ ra được gì hay ho để thoát nghèo. Thế mà một thương binh nặng như anh Dũng lại luôn sáng tạo. Hàng trăm dân nghèo chung tay làm theo các mô hình anh Dũng vạch ra đều trở thành khá giả cả. Đúng là chỉ có sáng tạo mới làm nên kỳ tích mà thôi.

Năm 2004, với những kinh nghiệm và những mô hình đã học hỏi được và sáng tạo nên, Nguyễn Văn Dũng mạnh dạn thành lập doanh nghiệp tư nhân Văn Dũng. Doanh nghiệp của anh Dũng chuyên dịch vụ giải trí trên biển, câu cá bằng ca nô và hỗ trợ kỹ thuật nuôi trồng thủy hải sản trên biển. Cơ sở của anh nhanh chóng được nhiều người lựa chọn dịch vụ. Để phục vụ tốt cho nhu cầu của khách, cơ sở của Dũng luôn có gần 50 lao động làm việc. Đặc biệt hầu hết các lao động này đều là người khuyết tật hoặc con em của các đồng đội cũ là thương binh. Dũng bảo, không có tiền cho trực tiếp thì đành giúp bằng cách này vậy, giúp được là vui lắm. Bản thân bị thương nặng nên tôi biết, con em của các thương binh nặng hoặc người khuyết tật rất khó tiếp cận việc làm. Bởi thế nên tôi nhận hết họ về làm.

Tất cả số tiền lời có được từ giai đoạn mới đi vào hoạt động, Nguyễn Văn Dũng đều chia hết cho các nhân viên của mình, bởi với anh những nhân viên đó cũng như người ruột thịt. Họ cũng có thiệt thòi về thân thể cũng như nhiều mặt khác nên anh luôn cận kề động viên và chia sẻ kịp thời.

Nhiều con em của đồng đội bị co quắp chân tay, khi nhận vào không thể làm việc, Dũng lại tận tâm đào tạo và huấn luyện cho đến khi tự tin và làm được việc mới thôi. Anh Dũng bộc bạch: “mình cũng là phận lá rách thôi. Ngày nào cũng tự hứa với bản thân sẽ quyết tâm vươn lên nên có điều kiện hơn người khác. Như vậy mới có thể đùm bọc và giúp đỡ được họ”.

Khi doanh nghiệp đi vào hoạt động ổn định, toàn bộ tiền lời thu được, anh Dũng lại dùng để rong ruổi đi vùng sâu, vùng xa xây nhà cho người nghèo, người DTTS. Từ năm 2012 đến nay, trung bình mỗi dịp Tết, anh Dũng đều dành tặng 5-8 tấn gạo cho người nghèo vùng sâu, mỗi năm hỗ trợ xây 8-12 căn nhà cho đồng bào DTTS vùng sâu.

ĐÔNG HƯNG

Tin cùng chuyên mục