Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Tạ ơn rừng thiêng

Kim Sa - 11:08, 03/09/2020

Trong khi tình trạng chặt phá rừng tự nhiên đâu đó vẫn xảy ra, thậm chí có nơi đang trở thành điểm “nóng”, thì ở các huyện miền núi, vùng cao của tỉnh Bắc Giang vẫn còn những khu rừng “thiêng”, rừng “cấm” nguyên sinh với nhiều cây gỗ quý được đồng bào các dân tộc gìn giữ và xem như báu vật.

Rừng Pò Chùa, xã Hữu Sãn với hàng trăm cây lim cổ thụ
Rừng Pò Chùa, xã Hữu Sãn với hàng trăm cây lim cổ thụ

Gửi ước vọng nơi rừng già

Tôi đã đến các khu rừng nguyên sinh được xem là “rừng cấm”, nơi gắn liền với đời sống của đồng bào dân tộc Tày, Nùng, Cao Lan (một nhóm địa phương của dân tộc Sán Chay) hàng trăm năm qua. Đó là rừng Khuôn Nghiều, xã Khuôn Thần; rừng Thó, xã Đèo Gia thuộc huyện Lục Ngạn; rừng Pò Chùa, xã Hữu Sản, huyện Sơn Động và rừng Đá Húc, xã Bình Sơn, huyện Lục Nam. Nơi đó, rừng xanh như suối nguồn thấm vào từng mạch nước, vỉa đất, gắn bó truyền đời, truyền kiếp với mỗi con người vùng cao. 

Điểm chung ở các khu rừng ấy là còn rất nguyên sơ, mang đặc trưng của rừng nhiệt đới vùng Đông Bắc Việt Nam. Dây leo, cây bụi mọc chằng chịt trên các thân cây gỗ lớn, chúng quấn lấy thân cây to mà vươn lên. Rừng xanh có vô số những kỳ hoa dị thảo, cảnh quan thiên nhiên kỳ thú. Và đặc biệt, nơi xanh thẳm ấy dù không cần sự canh gác, tuần tra của lực lượng Kiểm lâm song vẫn xanh tươi đời đời, bởi rừng được cả cộng đồng chung tay bảo vệ.

Tại rừng Thó của đồng bào Cao Lan, xã Đèo Gia (Lục Ngạn) rộng hơn 2ha có hàng trăm cây gỗ quý như lim, táu, sến, dẻ... Vào các ngày lễ, đồng bào dân tộc chuẩn bị lễ vật lên khu rừng này làm lễ cúng Thổ công, các thần linh và cúng gia tiên. Họ cầu cho mưa thuận, gió hòa, mùa màng tươi tốt, đời sống người dân ấm no, may mắn, bình an, đồng thời tưởng nhớ đến công ơn của tổ tiên đã khai hoang, lập làng, giữ đất, bảo vệ rừng. Những người cao tuổi ở đây kể: Mỗi thành viên trong làng đều có ý thức trông coi, bảo vệ rừng, nhờ vậy cánh rừng ngày một xanh tốt, những thân cây gỗ quý to lớn được bảo vệ đến ngày nay.

Theo lối mòn, chúng tôi luồn lách dưới những tán cây lim ở Pò Chùa, xã Hữu Sản, huyện Sơn Động. Rừng Pò Chùa rộng hơn 5ha, được chính quyền giao cho Hội Người cao tuổi xã trực tiếp quản lý, bảo vệ. Tại đây có nhiều loài gỗ quý như lim, táu, sến, dẻ, trám hồng... Có những cây mấy người ôm không xuể, tuổi cây bằng mấy đời người. 

Anh Vi Văn Tiến, cán bộ khuyến nông - khuyến lâm xã Hữu Sản, người dân tộc Tày cho biết: Thường ngày đi làm, ngoài việc bảo vệ chặt chẽ khu rừng, người dân còn đến chắp tay trước từng cây gỗ lớn cầu khấn thần cây, thần rừng phù hộ cho dân an, vật thịnh. Rừng có nhiều cây gỗ dù để khô nhưng không ai lấy về. Đồng bào còn lưu truyền nhiều câu chuyện ly kỳ về khu rừng này và từng có một số cá nhân đã vi phạm vào điều cấm kỵ và bị thần rừng trừng phạt. 

Ăn của rừng rưng rưng nước mắt

Trong đời sống tâm linh của mỗi bản làng vùng cao đều có một vị thần rừng ngày đêm che chở, bảo hộ cho cuộc sống của họ. Nơi đó có những khu “rừng thiêng”, “rừng cấm”, người dân vào đó không được đốt lửa, chặt gỗ, phát vén, săn bắt thú, lấy mật ong nhưng không bắt ong già, ong chúa để chúng sinh sôi nảy nở... 

Ở bản Khuôn Nghiều, xã Khuôn Thần, nơi 100% số dân là người Nùng là một ví dụ. Các hộ gia đình tập trung ở nếp nhà đất nâu ven sườn núi. Lễ cúng thần rừng ở đây được tổ chức vào ngày 29/10 âm lịch tại khu rừng thiêng với nhiều cây gỗ cổ thụ, quý hiếm. Từ sáng sớm, các thanh niên, trai tráng khỏe mạnh được chọn ra suối chặt những cây tre đẹp về để dựng các bàn thờ ngay dưới gốc cây cổ thụ to nhất trong khu rừng cấm. 

Theo ông Hoàng Văn Thành (81 tuổi), dân tộc Nùng tại Khuôn Nghiều: Khu rừng này được bà con bảo vệ nghiêm ngặt, không ai dám chặt cây, bẻ cành hay làm những chuyện phạm pháp tại đây. Lễ cúng truyền thống có một quy định chung là, mỗi gia đình đều phải góp với làng thịt lợn hoặc thịt gà và rượu trắng. Ngoài ra còn các loại bánh, hoa quả... Mỗi gia đình cử một người đại diện, tập trung lên khu rừng thiêng của làng để làm lễ cúng. Khi đi, mỗi người mang theo 1 bát cơm và 1 đôi đũa. Đồng bào cầu cho mưa thuận, gió hòa, mùa màng tươi tốt, đời sống người dân ấm no, hạnh phúc, may mắn và bình an. Họ cùng nhau tưởng nhớ đến công ơn của tổ tiên đã khai khoang, lập làng để con cháu có được cuộc sống như ngày hôm nay, giáo dục con cháu biết quý trọng và bảo vệ rừng “thiêng”.

Ở huyện Lục Nam, khu rừng nguyên sinh với hàng trăm cây lim xanh và các loài gỗ quý khác tại bản Đá Húc, xã Bình Sơn được đồng đồng bào Cao Lan tôn thờ, bảo vệ nghiêm ngặt. Rừng rộng hơn 6ha, tại đây có một ngôi đình cổ thờ thần Cao Sơn, thần rừng, thần đất, thần nông và cô bé cửa rừng. Những câu chuyện ly kỳ vẫn được bà con người Cao Lan tạc nhớ và truyền lại cho con cháu, giáo dục thế hệ trẻ phải biết quý trọng rừng thiêng. Vào ngày lễ của bản, đại diện các gia đình sắm sửa lễ vật lên rừng khấu đầu trước đình, thề sẽ không vào rừng thiêng chặt cây, lấy củi, săn bắt chim, thú... Ai quên lời thề, vi phạm vào quy ước của cộng đồng sẽ bị thần rừng trừng phạt.

Anh Tơ Văn Thành, Trưởng bản Đá Húc cho biết: “Người dân trong bản không lấy bất cứ thứ gì từ rừng. Mọi người luôn coi khu rừng là nơi bất khả xâm phạm”.

Trước thực trạng nhiều rừng tự nhiên, rừng đầu nguồn bị khai thác cạn kiệt thì những khu rừng “thiêng” còn tương đối nguyên vẹn chính là nơi có giá trị to lớn trong bảo vệ nguồn sinh thủy, tạo sự cân bằng sinh thái, bảo tồn những nguồn gien quý hiếm. Qua đó cũng góp phần bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc. Những nét đẹp văn hóa ấy cần được nhân rộng và phát huy.