Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Sức sống bền bỉ của những bản nhạc xuân

PV - 17:20, 07/02/2022

Nhạc xuân với giai điệu rộn ràng, là phong vị không thể thiếu trong những ngày Tết, góp phần đem đến cho ngày Tết cổ truyền thêm đa sắc. Trong những ngày đầu năm, dường như đi đến đâu, từ phố phường đô hội tới thôn quê xa vắng, người ta cũng dễ dàng bắt gặp những ca khúc quen thuộc ấy.

Sức sống bền bỉ của những bản nhạc xuân

Trong các nhạc phẩm viết về chủ đề mùa xuân thì Anh cho em mùa xuân (thơ: Kim Tuấn, nhạc: Nguyễn Hiền) được xem là bản nhạc hay nhất. Dù đã ra đời cách đây gần 60 năm nhưng tác phẩm vẫn được rất nhiều người yêu thích,…

Bài hát có tiết tấu vui tươi qua điệu tango rộn rã, ca từ trong sáng, yêu đời: Anh cho em mùa xuân/ Trẻ nô đùa khắp trời/ Niềm yêu đời phơi phới/ Bàn tay thơm sữa ngọt/ Dải đất hiền chim hót/ Mái nhà xinh kề nhau/Anh cho em mùa xuân/ Đường hoa vào phố nhỏ/ Nhạc chan hòa đây đó/ Tình yêu non nước này/ Bài thơ còn xao xuyến/ Rung nắng vàng ban mai/ Anh cho em mùa xuân/ Nhạc thơ tràn muôn lối.

Theo các tài liệu ghi chép lại cho biết, nhạc sĩ Nguyễn Hiền (1927-2005) sáng tác ca khúc này vào Mùng 5 Tết năm 1962, khi nơi nơi vẫn còn mùi vị Tết. Trong ngày đầu tiên đến nhiệm sở, trên bàn làm việc của ông có một tập thơ của nhiều tác giả. Ông đọc lướt qua từng bài và dừng lại ở bài thơ Nụ hoa vàng ngày xuân, một bài thơ 5 chữ đầy ắp hình tượng và rất giàu cảm xúc… Vậy là chỉ trong buổi sáng hôm đó, ông phổ nhạc xong bài thơ. Một ngày sau, tức Mùng 6 Tết, có một nhà thơ còn rất trẻ, xưng tên là Kim Tuấn (1940-2003) đến gặp nhạc sĩ Nguyễn Hiền và hỏi: “Tôi có gửi cho nhạc sĩ một tập thơ, không biết đã nhận được chưa?” Ông đáp: “Tôi nhận được rồi và riêng bài thơ Nụ hoa vàng ngày xuân của Kim Tuấn, tôi đã phổ thành ca khúc”…

Có lẽ mối duyên gặp gỡ của nhà thơ và nhạc sĩ nhẹ nhàng, thơm thảo như chính bài thơ, ca khúc và như chính cái cách mà tác phẩm nghệ thuật này đi vào lòng người suốt mấy chục năm qua. Với nhạc sĩ Nguyễn Hiền và cả nhà thơ Kim Tuấn, ca khúc Anh cho em mùa xuân phổ nhạc từ bài thơ Nụ hoa vàng ngày xuân có thể được coi là một trong những tác phẩm quan trọng và nổi tiếng nhất trong suốt sự nghiệp sáng tác của cả hai người. Trải qua 6 thập kỷ, giai điệu rộn ràng của Anh cho em mùa xuân vẫn làm rung động người nghe nhạc vào mỗi mùa xuân đến. 

Nhạc sĩ Minh Kỳ có 2 ca khúc xuân nổi tiếng là Xuân đã về sáng tác năm 1954 và Cánh thiệp đầu xuân sáng tác 1963. Cho đến nay cả hai tác phẩm đều trở thành quen thuộc trong lòng công chúng yêu nhạc. Xuân đã về là nhạc phẩm vui tươi thể hiện tâm trạng hân hoan của mọi người khi mùa xuân lại về. Nếu Anh cho em mùa xuân của Nguyễn Hiền có giai điệu đằm thắm, ngọt ngào, như lời tự tình, thể hiện tình yêu đôi lứa thì Xuân đã về lại ẩn chứa mùa xuân của đất nước, của quê hương, là niềm hân hoan khi đất trời tưng bừng đón thêm một mùa xuân mới. Lời ca khúc có đoạn: Xuân đã về, xuân đã về/ Kìa bao ánh xuân về tràn lan mênh mông/ Trên cánh đồng, chim hót mừng/ Đang thướt tha từng đàn tung bay vui say/ Xuân đã về, xuân đã về!/ Ngàn hoa hé môi cười vui đón gió mới/ Xuân đã về, xuân đã về!/ Ta hát vang lên câu ca mừng chào xuân...

Sức sống bền bỉ của những bản nhạc xuân 1

Tương tự, những ca từ trong Cánh thiệp đầu xuân cũng khiến người nghe trở nên lạc quan, yêu đời khi đón nhận lời chúc xuân hòa trong điệu nhạc rộn rã: Hoa lá nở thắm đẹp làn môi hồng/ Xuân đến rồi đây nào ai biết không/ Mang những hoài mong đi vào ngày tháng/ Bao nhiêu mơ ước đến khi mùa xuân sang/ Tôi chúc gì đây vào mùa xuân này/ Khi nắng vàng tươi nhuộm làn tóc ai/ Khi gió nhẹ lay hoa đào hồng thắm/ Trong khi xuân ấm mới tô đẹp tháng năm…

Nhắc đến các nhạc phẩm mùa xuân, sẽ thiếu sót nếu bỏ qua Đoản ca xuân của Thanh Sơn, Xuân họp mặt của Văn Phụng, Ước nguyện đầu xuân của Hoàng Trang, Câu chuyện đầu năm của Hoài An, Lắng nghe mùa xuân về của Dương Thụ, Hoa cỏ mùa xuân của Bảo Chấn, Điệp khúc mùa xuânBài ca Tết cho em của Quốc Dũng…và còn rất nhiều ca khúc nữa. Đáng chú ý, ngay khi ca khúc Bài ca Tết cho em xuất hiện qua tiếng hát ngọt ngào, tình tứ và da diết của danh ca Bảo Yến vào năm 1987 đã nhanh chóng thu hút sự chú ý của khán giả. Bài ca Tết cho em nhanh chóng trở thành ca khúc được yêu thích và được nhiều ca sĩ chọn thể hiện mỗi khi Tết đến xuân về… Đây còn là ca khúc gắn liền với mối tình lãng mạn của cặp đôi tài hoa nhạc sĩ Quốc Dũng và ca sĩ Bảo Yến, được giới văn nghệ sĩ ngưỡng mộ.

Có thể nói, ca khúc mùa xuân với những giai âm tình tự hòa quyện với những lời ca giản dị, hiền hòa thuần Việt từ ý thơ đến ngôn từ đã thu trọn cả tâm tình, ký ức, tình yêu quê hương xứ sở của những người con Việt. Chính sự dung dị, thân thuộc đó mà các ca khúc dù đã trải qua thời gian, nhưng mỗi dịp Tết đến xuân về, lại được hát vang lên, hòa quyện vào tâm hồn người Việt từ già tới trẻ, từ phố thị đến nông thôn, làm cho không khí mùa xuân càng trở nên rộn ràng, ý nghĩa…