Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Sức hút từ "Ngày cuối tuần cùng dân"

PV - 14:42, 13/06/2023

Trong nhiều năm qua, cán bộ chủ chốt của tỉnh, huyện xuống với dân, cùng lao động sản xuất, cùng dự sinh hoạt chi bộ vào ngày cuối tuần đã thành nền nếp ở tỉnh Yên Bái. Qua đó, cán bộ, đảng viên tạo được sự gắn bó chặt chẽ, thân thiết, gần gũi với Nhân dân.

Cán bộ huyện Yên Bình (tỉnh Yên Bái) tham gia tu sửa đường giao thông nông thôn trong hoạt động "Ngày cuối tuần cùng dân" tại thôn Nà Ké, xã Ngọc Chấn
Cán bộ huyện Yên Bình (tỉnh Yên Bái) tham gia tu sửa đường giao thông nông thôn trong hoạt động "Ngày cuối tuần cùng dân" tại thôn Nà Ké, xã Ngọc Chấn

Sự lan tỏa của "Ngày cuối tuần cùng dân" ở Yên Bái đã tạo chuyển biến mạnh mẽ, rõ nét từ nhận thức đến hành động của cấp ủy, chính quyền, cán bộ, công chức, viên chức về xây dựng ý thức tôn trọng nhân dân, phát huy dân chủ, chăm lo đời sống Nhân dân.

Cán bộ chủ chốt đi đầu nêu gương

Tại bản Trống Là, xã Hồ Bốn, huyện Mù Cang Chải, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Tạ Văn Long tham gia trồng cây và dự lễ ra mắt mô hình "Bản hạnh phúc". Ðây là mô hình mới được xây dựng nhằm góp phần thay đổi nếp sống, tư duy của cán bộ, đảng viên và nhân dân trong bản.

Cùng lao động với đồng bào Mông trong bản, nắm bắt thực tế, trò chuyện, chia sẻ khó khăn do vùng cao địa hình chia cắt, ít đất sản xuất, đời sống còn nhiều vất vả, đồng chí Tạ Văn Long động viên bà con tiếp tục đoàn kết, giúp đỡ nhau trong lao động, phát huy tinh thần sáng tạo, chủ động, nỗ lực vươn lên thoát nghèo, từ đó góp phần xây dựng thành công và nhân rộng các mô hình "Bản hạnh phúc".

Theo đó, đến năm 2025, bản Trống Là phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu về xây dựng "Bản hạnh phúc", tất cả các hộ gia đình trong bản sử dụng nước sạch hợp vệ sinh, 100% hộ dân có nhà vệ sinh; bản có bãi đổ rác; toàn bộ cống, rãnh đường bản được khơi thông, 40-50% số hộ gia đình có thu nhập từ 100 triệu đồng mỗi năm trở lên; các tuyến đường bản được bê-tông hóa, được trồng hoa hoặc trồng cây xanh. Năm 2025, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống dưới 12%; các gia đình có nhà ở bảo đảm ba cứng (cứng nền, cứng khung, cứng mái), không có hộ sinh sống ở nơi mất an toàn về thiên tai, mưa lũ.

Sự lan tỏa của "Ngày cuối tuần cùng dân" ở Yên Bái đã tạo chuyển biến mạnh mẽ, rõ nét từ nhận thức đến hành động của cấp ủy, chính quyền, cán bộ, công chức, viên chức về xây dựng ý thức tôn trọng nhân dân, phát huy dân chủ, chăm lo đời sống Nhân dân.

Cây tre măng Bát độ là một trong những chương trình kinh tế nông nghiệp trọng điểm của huyện Trấn Yên. Ðến nay, trên địa bàn huyện đã hình thành vùng trồng tre măng Bát độ tập trung với diện tích hơn 3.800 ha. Sản lượng măng thương phẩm đạt hơn 30.000 tấn, giá trị thu nhập hơn 100 tỷ đồng. Huyện phấn đấu đến năm 2025, diện tích tre măng Bát độ đạt 4.000 ha, sản lượng khai thác hằng năm đạt 40.000 tấn măng thương phẩm; tạo liên kết xây dựng các nhà máy chế biến sâu sản phẩm, nâng cao giá trị sản phẩm, góp phần tăng thu nhập cho người dân.

Tham gia trồng tre măng Bát độ trong "Ngày cuối tuần cùng dân" ở thôn Nam Hồng, xã Hồng Ca, huyện Trấn Yên, đồng chí Ðỗ Ðức Duy, Ủy viên Trung ương Ðảng, Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái cho rằng, mô hình này tạo sự gắn kết hơn giữa cán bộ, đảng viên với nhân dân; đồng thời giúp lãnh đạo tỉnh, các cấp, các ngành nắm bắt tình hình, thấu hiểu và lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người dân, từ đó có những điều chỉnh phù hợp.

"Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân hưởng lợi" được Ðảng bộ tỉnh Yên Bái vận dụng sáng tạo, hiệu quả trong thời gian qua. Cán bộ, đảng viên gần dân, làm cùng dân, lắng nghe dân, để hiểu dân và làm cho họ tin theo mình bởi đồng bào dân tộc vùng cao chỉ cần "ưng cái bụng" là "ruột gan" họ bộc bạch hết mình. Mặt khác, thực hiện chủ trương cán bộ chủ chốt không phải là người địa phương, cán bộ được luân chuyển từ nơi khác đến, chưa quen cơ sở nơi phụ trách thì càng phải gần dân, làm cùng dân để thâm nhập thực tiễn, sớm nắm bắt tình hình.

Với "Ngày cuối tuần cùng dân", cán bộ có dịp gần gũi, hiểu được dân nghĩ gì, cần gì, họ bộc bạch những điều không nói được trong các hội nghị đông người. Nhờ đó, các cán bộ luân chuyển rèn luyện phong cách lãnh đạo sâu sát, trách nhiệm, không còn là "cán bộ hai sáu" (đi thứ hai về thứ sáu) như ngày trước nữa!

Qua thực tiễn nêu trên cho thấy, cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp ở địa phương đã có sự gắn bó, đồng hành cùng nhân dân, góp phần thực hiện thường xuyên, nền nếp, hiệu quả các nhiệm vụ chính trị tại địa phương, cơ sở; kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc, đề xuất, kiến nghị chính đáng của người dân; xây dựng phong cách người cán bộ "gần dân, trọng dân, hiểu dân, vì dân", tạo niềm tin trong nhân dân. Khối đại đoàn kết toàn dân được củng cố, phát huy ý chí tự cường và khát vọng vươn lên mạnh mẽ trong các tầng lớp nhân dân, cùng chung sức, đồng lòng với cấp ủy, chính quyền vượt qua khó khăn, thử thách, quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.

Rõ phần việc, sát thực tế

Tỉnh Yên Bái quy định, hằng quý các đồng chí Tỉnh ủy viên phụ trách xã đều có buổi "Ngày cuối tuần cùng dân" và tham gia sinh hoạt chi bộ ở cơ sở. Chánh Văn phòng Tỉnh ủy Trần Ngọc Luận được phân công phụ trách xã Tân Nguyên, một xã khó khăn, có đông đồng bào dân tộc Dao, Nùng sinh sống của huyện Yên Bình.

Qua khảo sát thực tế, có năm hộ nghèo đặc biệt khó khăn cần hỗ trợ xóa nhà dột nát, 18 hộ nghèo khác cần trợ giúp con giống để thoát nghèo, đồng chí tham mưu cùng Ðảng ủy xã xây dựng kế hoạch, giải pháp giúp đỡ cụ thể, phù hợp để hỗ trợ các hộ nghèo thoát nghèo trong năm 2022. Hộ ông Bàn Văn Lẹng, dân tộc Dao quần trắng, trú tại thôn Khe Nhàn, được hỗ trợ 50 triệu đồng xây dựng nhà ở (công trình có tổng kinh phí hơn 170 triệu đồng).

Tết Quý Mão 2023, gia đình đã làm lễ ăn mừng nhà mới. Cán bộ Văn phòng Tỉnh ủy cũng tham gia hỗ trợ 20 triệu đồng xây dựng nhà văn hóa thôn Khe Nhàn, hỗ trợ 10 triệu đồng xây dựng công trình thắp sáng đường quê dài 1,5 km tại thôn Tân Phong, góp phần đưa xã Tân Nguyên về đích nông thôn mới năm 2022. 

Với "Ngày cuối tuần cùng dân", cán bộ có dịp gần gũi, hiểu được dân nghĩ gì, cần gì, họ bộc bạch những điều không nói được trong các hội nghị đông người. Nhờ đó, các cán bộ luân chuyển rèn luyện phong cách lãnh đạo sâu sát, trách nhiệm, không còn là "cán bộ hai sáu" (đi thứ hai về thứ sáu) như ngày trước nữa!

Là cán bộ trẻ, được luân chuyển về huyện vùng cao đặc biệt khó khăn làm người đứng đầu cấp ủy, xa gia đình gần 200 km, Bí thư Huyện ủy Mù Cang Chải Nông Việt Yên phải học rất nhiều, từ tiếng nói và phong tục tập quán đồng bào Mông, địa danh, địa vật ở các bản làng xa đến hiểu gia cảnh của cán bộ chung quanh để thực hiện mô hình "Ngày cuối tuần cùng dân" sao cho cụ thể, thiết thực, sát với yêu cầu nhiệm vụ chính trị của địa phương, nhất là tạo chuyển đổi rõ nét những việc mới hoặc việc khó cần tập trung giải quyết.

"Trước hết cần phải nêu cao vai trò trách nhiệm, tinh thần tự nguyện, tự giác, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, nhất là tính tiền phong gương mẫu của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị trong việc tổ chức, triển khai thực hiện mô hình gắn với tập trung giải quyết những đề xuất, kiến nghị của nhân dân theo phương châm "làm hết việc, chứ không làm hết giờ". Qua đó tạo được sự gắn bó chặt chẽ, thân thiết, gần gũi giữa cán bộ, đảng viên với nhân dân, xây dựng được hình ảnh đẹp của người cán bộ, đảng viên trong lòng nhân dân, gần dân, sâu sát với cơ sở, được nhân dân tin yêu, quý trọng", Bí thư Huyện ủy Mù Cang Chải Nông Việt Yên chia sẻ.

Năm 2022, huyện Yên Bình đã triển khai thực hiện thường xuyên, nền nếp "Ngày cuối tuần cùng dân và doanh nghiệp" với gần 400 buổi, gần 6.000 lượt cán bộ đảng viên, cán bộ công chức, viên chức tham gia; đã kiên cố hóa được gần 105 km đường giao thông nông thôn (trong đó có khoảng 20 km là đường mở rộng, mở mới mặt đường 5 m); xóa được 208 nhà tạm, nhà dột nát, trồng 30 km đường hoa; thắp sáng gần 40 km đường điện nông thôn; hỗ trợ, vận động gần 200 hộ di dời chuồng, trại khỏi nhà ở; hỗ trợ xây mới được 80 nhà vệ sinh…

Bí thư Huyện ủy An Hoàng Linh cho biết, do gần dân và làm tốt công tác dân vận, được nhân dân đồng thuận, ủng hộ hiến đất, tài sản trên đất, bàn giao mặt bằng thi công cho nên các dự án nâng cấp, mở rộng đường Yên Thế - Vĩnh Kiên, dự án nâng cấp, mở rộng đường Vũ Linh - Yên Bình - Bạch Hà cùng nhiều công trình, dự án mở rộng, kiên cố hóa đường giao thông nông thôn được khởi công đúng tiến độ, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội các xã, xây dựng nông thôn mới bền vững.

"Ngày cuối tuần cùng dân" thật sự là mô hình hiệu quả không chỉ với sự phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương mà còn tạo điều kiện để cán bộ rèn luyện, cọ sát thực tiễn, xây dựng mối quan hệ gắn bó với người dân, kịp thời nắm bắt, giải quyết kiến nghị chính đáng của Nhân dân. Từ đó cấp ủy, chính quyền và người cán bộ ở cơ sở, nhất là người đứng đầu tạo được uy tín với người dân, động viên Nhân dân chấp hành nghiêm chủ trương, đường lối của Ðảng, chính sách, pháp luật của nhà nước, tích cực thi đua lao động sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, hướng tới mục tiêu xây dựng tỉnh Yên Bái "Xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc".