Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Sự anh minh và tầm nhìn chiến lược của Đảng ta trong Đề cương về Văn hóa Việt Nam

PV - 10:10, 23/02/2023

Điều khẳng định đầu tiên chúng tôi muốn đề cập, đó là ý nghĩa có tính lịch sử cách mạng của Đề cương về Văn hóa Việt Nam năm 1943 - Bản Tuyên ngôn văn hóa của Đảng Cộng sản Việt Nam ngay khi chưa có chính quyền trong tay.

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm diễn viên Đoàn Văn công nhân dân Trung ương sau buổi biểu diễn tại Phủ Chủ tịch, ngày 31/12/1956. (Ảnh tư liệu)
Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm diễn viên Đoàn Văn công nhân dân Trung ương sau buổi biểu diễn tại Phủ Chủ tịch, ngày 31/12/1956. (Ảnh tư liệu)

Có thể đặt câu hỏi: Vì sao khi chưa giành được chính quyền, đất nước còn trong ách thực dân, phong kiến, cách mạng còn bao gian khổ hy sinh chống Pháp, đuổi Nhật, Hội nghị Trung ương Đảng lại bàn về văn hóa và thông qua Đề cương về Văn hóa Việt Nam như một cương lĩnh có tính chiến lược của Đảng? Trả lời câu hỏi này ta càng thấy sự sáng suốt của Đảng trong hoàn cảnh lúc bấy giờ, đồng thời tự hào về sự anh minh trong tầm nhìn chiến lược lâu dài cách mạng Việt Nam của Đảng ta.

Thứ nhất, Đảng ta tin tưởng với truyền thống chống ngoại xâm anh hùng của dân tộc, sức mạnh của toàn dân, việc đánh Pháp, đuổi Nhật nhất định thắng lợi. Để nhân dân hoàn toàn thoát ách thực dân, phong kiến, nhất thiết phải xây dựng xã hội mới, trong đó văn hóa là thành tố cấu thành xã hội nhất thiết phải là văn hóa mới.

Thứ hai, ngay trong thời điểm năm 1943, khi cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng chưa giành được chính quyền, các phong trào yêu nước trước đó đều thất bại, các trào lưu tư tưởng khác nhau đang được truyền bá làm cho giới trí thức, văn nghệ sĩ phân hóa sâu sắc. Nhiều người mất phương hướng không biết tin vào đâu. Không ít người còn tin vào thuyết “Đại Đông Á” do người Nhật tuyên truyền về “máu đỏ, da vàng”, nghĩa là có thể nhờ vào Nhật mà giành độc lập, mà phát triển! Đề cương về Văn hóa Việt Nam khẳng định chỉ có Đảng lãnh đạo toàn dân chống Pháp, đuổi Nhật mới có thể giành được độc lập dân tộc, giải phóng nhân dân khỏi kiếp nô lệ, bần hàn. Sự khẳng định mạnh mẽ ấy là kim chỉ nam, có sức hấp dẫn to lớn để đông đảo trí thức, văn nghệ sĩ đi theo cách mạng, sẵn sàng vượt qua khó khăn, gian khổ cùng toàn dân tiến lên phía trước.

Vậy nền văn hóa mới ấy được xây dựng trên nguyên tắc nào? Đề cương về Văn hóa chỉ rõ: Dân tộc hóa, Khoa học hóa, Đại chúng hóa. Trên cơ sở ba nguyên tắc đó, có thể hiểu tính chất của nền văn hóa mới là nền văn hóa có tính dân tộc, khoa học, đại chúng. Một dân tộc có truyền thống văn hóa hàng nghìn năm, và chính nhờ truyền thống quý báu đó mà Việt Nam trường tồn trong lịch sử đầy thách thức nghiệt ngã.

Bởi thế, tính dân tộc được đặt lên hàng đầu là hoàn toàn đúng đắn. Mặt khác, văn hóa không thể xây dựng trên một nền tảng trống rỗng, nó phải được kế thừa truyền thống văn hóa của cộng đồng dân tộc từ đời này qua đời khác. Tính dân tộc của văn hóa khẳng định bản sắc riêng có, căn cước của sự tồn tại và phát triển của một dân tộc; sợi dây gắn kết cộng đồng qua thăng trầm lịch sử mà có sự thống nhất quốc gia.

Nền văn hóa mới phải được xây dựng trên cơ sở khoa học mà nền tảng là chủ nghĩa Mác-Lê-nin. Bác Hồ đã khẳng định chỉ có chủ nghĩa Mác-Lê-nin mới giải phóng được dân tộc! Và nền văn hóa mới phải do nhân dân xây dựng, vì toàn dân, phục vụ quảng đại nhân dân chứ không phải thứ văn hóa riêng cho ai đó, thứ nghệ thuật “tắc tị, chối bỏ, trốn khỏi cuộc sống thực của nhân dân”.

Kết quả là hàng loạt các nhà văn, nhà thơ, các trí thức văn nghệ sĩ theo cách mạng và đã đi vào lịch sử văn hóa dân tộc với các tên tuổi lớn như Xuân Diệu, Cù Huy Cận, Chế Lan Viên, Nguyễn Đình Thi, Văn Cao, Nam Cao, Nguyễn Tuân, Tô Hoài… Và Đề cương về Văn hóa Việt Nam còn nguyên giá trị đến hôm nay. Trên thực tế, dù trong những điều kiện chính trị, kinh tế-xã hội khác nhau, trong những giai đoạn khác nhau, quan điểm của Đảng vẫn nhất quán và có tính xuyên suốt về vị trí, vai trò của văn hóa trong sự nghiệp cách mạng.

Trong Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 1946, nghĩa là ngay sau khi khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Bác Hồ khẳng định: “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”. Đến Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ hai năm 1948, Bác kêu gọi “kháng chiến hóa văn hóa”, “văn hóa hóa kháng chiến” để khẳng định vai trò to lớn của văn hóa trong sự nghiệp cách mạng.

Thời kỳ đổi mới, Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII của Đảng khẳng định xây dựng nền văn hóa Việt Nam, tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, thống nhất mà đa dạng trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Nền văn hóa ấy có thể hiểu là sự kế thừa và phát huy nguyên tắc dân tộc hóa, khoa học hóa, đại chúng hóa của Đề cương về Văn hóa Việt Nam năm 1943. Vị trí vai trò hàng đầu của văn hóa được khẳng định lại phù hợp nhận thức sâu sắc hơn về văn hóa trong điều kiện mới: “Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội”.

Với tư duy, nhận thức ngày càng toàn diện và sâu sắc hơn trên nền tảng Đề cương về Văn hóa Việt Nam năm 1943 của Đảng, văn hóa Việt Nam thời kỳ đổi mới có nhiều khởi sắc đáng ghi nhận. Các nghị quyết, quan điểm của Đảng, chính sách của Nhà nước về văn hóa được thể chế hóa, luật hóa thuận lợi cho việc thực thi đường lối của Đảng về văn hóa trong hoạt động thực tiễn.

Từ khi ban hành Luật Di sản, công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa trên phạm vi toàn quốc được triển khai một cách bài bản và hiệu quả hơn. Một loạt các di sản văn hóa được xếp hạng cấp tỉnh, cấp quốc gia và nhiều di sản được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới. Điều đó không chỉ khẳng định vị thế của văn hóa Việt Nam trên trường quốc tế mà còn là sức mạnh mềm của Việt Nam trong hội nhập và phát triển.

Cộng đồng quốc tế hiểu hơn về con người Việt Nam, dân tộc Việt Nam; gần gũi, thân thiện, tin tưởng và chia sẻ là tài sản, vốn liếng có giá trị trong kinh tế thị trường thời mở cửa và hội nhập. Văn hóa, nghệ thuật truyền thống Việt Nam ngày càng đến nhiều hơn với nhân dân các nước trên thế giới. Ngược lại, văn hóa các nước cũng được quảng bá rộng rãi trong xã hội Việt Nam.

Rõ ràng, đường lối của Đảng về giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại đang hiện hữu trong đời sống văn hóa của đất nước. Luật Điện ảnh ban hành, điện ảnh Việt Nam đã đi những bước dài so với thời gian trước. Nhiều tác phẩm điện ảnh đã được giải trong các cuộc thi quốc tế! Âm nhạc, hội họa và nhiều loại hình nghệ thuật đương đại cũng được thế hệ trẻ thể hiện ở trình độ cao hơn, tiệm cận với trình độ tiên tiến của thế giới. Nhìn chung, văn hóa, nghệ thuật Việt Nam đang khẳng định vị trí không thể thiếu trong thế giới hiện đại.

Tuy nhiên, các tác phẩm văn học nghệ thuật xuất sắc vẫn còn vắng bóng, chưa tương xứng với tầm thời đại ngày nay. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 cũng đặt kỳ vọng vào giới trí thức, văn nghệ sĩ sẽ cho ra đời những tác phẩm văn học, nghệ thuật tầm cỡ, phản ánh được sâu sắc hiện thực đổi mới vĩ đại của đất nước, có ý nghĩa tích cực trong việc xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam hiện nay.

Nhiều người đến Việt Nam vài chục năm trước, nay trở lại thấy ngỡ ngàng về sự thay da đổi thịt của Việt Nam. Nhiều tổ chức quốc tế đã xếp Việt Nam và nhiều địa phương của Việt Nam là điểm đến hấp dẫn, là nơi đáng sống trong điều kiện hiện nay. Trên thực tế, có nhiều người nước ngoài chọn Việt Nam là nơi sống và làm việc lâu dài, điều mà trước đây chắc không ai có thể hình dung được!

Trong hội nghị, Tổng Bí thư đã dẫn từ tác phẩm Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du, đọc thơ của Tố Hữu như là sự gợi ý về những tác phẩm có giá trị to lớn trong văn học, nghệ thuật Việt Nam và mong muốn thời gian tới, trên văn đàn sẽ xuất hiện nhiều tác phẩm nghệ thuật đặc sắc.

80 năm Đề cương về Văn hóa Việt Nam, tám mươi năm một chặng đường cách mạng đầy gian khổ hy sinh nhưng cũng rất đỗi tự hào và hạnh phúc. Việt Nam từ một nước thuộc địa, phong kiến, nghèo nàn, lạc hậu nay đã là một nước độc lập, hòa bình, thống nhất và đang phát triển mạnh mẽ, xóa đói, giảm nghèo ngoạn mục, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày một nâng cao.

Trong cộng đồng quốc tế, Việt Nam đã trở thành đối tác tin cậy, người bạn thủy chung, thân thiết của nhiều quốc gia, dân tộc trên thế giới. Văn hóa Việt Nam, con người Việt Nam đang được cộng đồng quốc tế đón nhận một cách trân trọng và tin tưởng. Tất cả điều đó như một nền tảng vững chắc xây dựng niềm tin về một tương lai tươi đẹp cùng khát vọng Việt Nam sẽ trở thành nước phát triển vào năm 2045!