Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Sốt rét gia tăng do thói quen ngủ rẫy

PV - 15:33, 25/12/2018

Bệnh sốt rét ở Gia Lai liên tục gia tăng, diễn biến phức tạp và nhiều ca bệnh chuyển thành sốt rét ác tính, biến chứng nguy hiểm, khó khăn trong việc điều trị. Đặc biệt là ở các xã vùng sâu, vùng xa. Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là thói quen ở rừng, ngủ rẫy của người dân, ý thức phòng chống dịch chưa được nâng cao.

sốt rét Đồng bào DTTS ở Gia Lai có thói quen ngủ chòi nhưng không mắc màn nên dính sốt rét do muỗi đốt.

Quản lý bệnh tuyến cơ sở chưa chặt chẽ

Theo báo cáo của Trung tâm Phòng chống Sốt rét-Ký sinh trùng-Côn trùng tỉnh Gia Lai, riêng trong năm 2018, đã có hơn 680 người bị sốt rét, nhiều người chuyển thành sốt rét ác tính, phải nhập viện cấp cứu nhiều ngày. So với các tỉnh Tây Nguyên, sốt rét ở Gia Lai tăng mạnh, năm 2018, tăng hơn 40% so với năm 2017.

Có đến 164 xã trong tỉnh Gia Lai thuộc vùng sốt rét lưu hành, hàng triệu người dân đã có mầm bệnh sốt rét, gần 1.000 buôn có nguy cơ sốt rét bùng phát trong các khu dân cư. Những điểm nóng về sốt rét tập trung ở Krông Pa, Ia Pa, Đức Cơ, Chư Prông, Ia Grai. Các huyện này đều có tỷ lệ dân cư đi rừng, ngủ rẫy cao.

Theo đánh giá của ông Rơ Mah Huân, Giám đốc Trung tâm Phòng chống Sốt rét-Ký sinh trùng-Côn trùng Gia Lai thì thời tiết thất thường đã xuất hiện nhiều loại ký sinh trùng khác nhau. Đáng lo ngại là có nhiều ký sinh trùng sốt rét kháng thuốc artemisinin. Đây là loại thuốc trọng yếu để điều trị sốt rét ở Gia Lai và Tây Nguyên. Thực tế cho thấy, loại thuốc này phát huy rất tốt tác dụng, nhưng giờ đây cũng bị ký sinh trùng kháng lại.

Ông Ka Manh và hàng chục người dân ở vùng biên giới Ia Dom (huyện Đức Cơ) từng dính sốt rét chia sẻ, đồng bào nơi đây đang rất lo ngại dịch sốt rét sẽ lan rộng, công tác dập dịch và nắm bắt mầm bệnh là rất quan trọng. Vậy nhưng, nhiều tuyến y tế cơ sở chưa làm tốt được điều này, công tác điều tra, khảo sát mầm bệnh chưa được thực hiện thường xuyên. Đến khi bệnh bùng phát mới cuống lên đi tuyên truyền thì hiệu quả sẽ không cao.

sốt rét Cấp màn tẩm hóa chất và tuyên truyền người dân ngủ màn là một trong những giải pháp phòng, chống sốt rét hiệu quả. Ảnh TL

Cần sớm thay đổi  thói quen

Theo khảo sát ở nhiều xã có tỷ lệ sốt rét lưu hành cao thì đều có 35-50% người dân có thói quen đi làm rừng và ngủ lại ở các chòi canh rẫy. Các chòi canh rẫy lại không được phun hóa chất chống dịch, người dân không thích ngủ màn. Đó là nguyên nhân chính dẫn đến sốt rét tăng cao.

Tại xã Đất Bằng (huyện Krông Pa), trong năm 2018 phát hiện gần 10 ca mới nhiễm bệnh sốt rét thì có đến 6 ca nhiễm bệnh vì ngủ rẫy, không dùng màn chống muỗi và côn trùng. Tại xã Đăk Kơ Ning (huyện Kông Chro) cũng có trên 40% người dân có thói quen ngủ rẫy.

Ông Đinh Tùng, xã Đăk Kơ Ning cho biết: dẫu đã được cán bộ y tế tuyên truyền nhưng vì chủ quan nên thường xuyên ngủ rẫy, dính sốt rét nặng dẫn đến biến chứng rối loạn chức năng gan, lách xưng to. Giờ sức khỏe giảm sút nghiêm trọng. Bà H’Mén ở xã Chư Răng (huyện Krông Pa) sau nhiều ngày ngủ cùng chồng ở chòi canh rẫy để thuận tiện trong việc canh tác cũng đã dính sốt rét nặng, đến khi bị phù chân, mệt mỏi, suy thận mới đi khám. Tại xã này, từ năm 2017 đến nay cũng có gần 10 người dính sốt rét do thói quen ngủ chòi canh rẫy mà không sử dụng phương tiện chống muỗi, côn trùng.

Theo Trung tâm Y tế Krông Pa, người dân cần sớm thay đổi thói quen, hạn chế tối đa việc ngủ lại ở chòi canh rẫy, nếu ngủ thì phải mắc màn, mặc quần áo dài. Khi có các triệu chứng sốt, toát mồ hôi, ớn lạnh, đau đầu, buồn nôn, đau cơ… thì nên đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám, tư vấn điều trị.

HÀ VĂN ĐẠO