Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Soọng cô - một thứ "men" của đồng bào Sán Dìu: Soọng cô đang trở lại với chính mình (Bài 3)

Văn Hoa - 16:11, 28/07/2022

Trước thực trạng làn điệu Soọng cô đang dần bị mai một, có nguy cơ thất truyền, cộng đồng người Sán Dìu, chủ yếu là những người lớn tuổi đã nỗ lực gìn giữ bằng những việc làm cụ thể, dần dần tạo thành phong trào hát và bảo tồn tiếng hát Soọng cô một cách sôi động, bước đầu đã có những kết quả khá tích cực, tạo sức lan tỏa rộng rãi.

NNƯT Lê Đại Năm (ngoài cùng bên trái) nỗ lực truyền dạy tiếng hát Soọng cô (Ảnh: Thái Sinh Trần - Khổng Yến Anh)
NNƯT Lê Đại Năm (ngoài cùng bên trái) nỗ lực truyền dạy tiếng hát Soọng cô (Ảnh: Thái Sinh Trần - Khổng Yến Anh)

Từ nổ lực của những người có trách nhiệm

Trong cộng đồng dân tộc Sán Dìu, Nghệ nhân Ưu tú (NNƯT) Lê Đại Năm, nay đã gần 60 tuổi, ở xã Đạo Trù, huyện Tam Đảo (Vĩnh Phúc) là người tiêu biểu trong nỗ lực bảo tồn tiếng hát Soọng cô. 

Nghệ nhân Lê Đại Năm chia sẻ: Từ nhỏ, ông đã được nghe mẹ của mình hát ru, đọc truyện cổ, truyện thơ… Những bài hát ru của mẹ khiến ông yêu thích và thuộc nhiều bài hát Soọng cô, Soọng cô là một phần trong cuộc sống của ông. Trước tình trạng làn điệu Soọng cô bị mai một, ông vô cùng trăn trở, day dứt. Năm 2010, Câu lạc bộ (CLB) dân ca xã Đạo Trù ra đời. Từ thời điểm này, ông dồn hết tâm sức, đam mê vào công việc sưu tầm, và truyền dạy Soọng cô cho thế hệ trẻ.

“Hơn 10 năm nay, ông đã đứng lên mở nhiều lớp truyền dạy miễn phí tiếng Sán Dìu và hát Soọng cô, thu hút được nhiều bạn trẻ trên địa bàn theo học. Tuy nhiên, có nhiều cháu vì đi học, đi lấy chồng nên đã không còn duy trì được, cũng có nhiều cháu đã tích cực học hát nên hát đã khá thuần thục”, ông Năm bày tỏ.

Ngoài ra, ông Năm còn dày công nghiên cứu, sưu tầm và biên soạn, sáng tác nhiều tác phẩm thơ, ca, truyện cổ, các làn điệu Soọng cô... Các tác phẩm của ông được in sách hoặc tài liệu để phát miễn phí cho người có nhu cầu tìm hiểu về văn hóa dân tộc. Gần đây, ông có hai tập sách mới được xuất bản gồm: Sưu tầm biên dịch các bài hát Thềnh Xèn Cô của dân tộc Sán Dìu và sáng tác hát giao duyên lời mới (2015); Sưu tầm biên dịch và sáng tác dân ca Sán Dìu (2019) do Nhà xuất bản Hội Nhà văn Việt Nam phát hành.

Đặc biệt, trong lĩnh vực sáng tác các làn điệu Soọng cô, những ca khúc của ông đều được đồng bào nhiệt tình đón nhận. Bài hát “Ngỏ duyên bến núi” do ông sáng tác theo lời mới về chủ đề tình yêu đôi lứa không chỉ đi vào lòng người Sán Dìu mà còn tạo được cảm xúc cho nhiều người khi có dịp nghe bài hát này.

“Tôi dự tính sẽ tiếp tục công việc sưu tầm, biên dịch và truyền dạy văn hóa dân tộc Sán Dìu cho thế hệ trẻ để kế thừa, gìn giữ di sản văn hóa truyền thống của cha ông, tránh nguy cơ bị mai một, thất truyền”- ông Lê Đại Năm bày tỏ.

Cũng giống như NNƯT Lê Đại Nam, NNƯT Lục Văn Bảy, nay đã 69 tuổi (Sơn Dương, Tuyên Quang) là một trong những người truyền lửa cho phong trào hát Soọng cô ở địa phương. Ông đã có nhiều sưu tầm, nghiên cứu, thực hiện nhiều phóng sự về hát Soọng cô, tích cực truyền dạy tiếng hát Soọng cô cho thế hệ trẻ.

Những video của vợ chồng Nghệ sĩ Thái Sinh Trần- Khổng Yến Anh là những tư liệu quý về tiếng hát Soọng cô
Những video của vợ chồng Nghệ sĩ Thái Sinh Trần- Khổng Yến Anh là những tư liệu quý về tiếng hát Soọng cô

Đối với vợ chồng nhiếp ảnh Thái Sinh Trần, Khổng Yến Anh (Lập Thạch, Vĩnh Phúc) bảo tồn tiếng hát Soọng cô là ghi lại những bức ảnh, những video các cuộc hát Soọng cô, sau đó đưa lên mạng xã hội, YouTube. Gần chục năm nay, chỉ cần CLB nào có cuộc hát giao lưu, tổng kết hay các chương trình liên quan đến Soọng cô là cả hai vợ chồng Thái Sinh Trần đều tham dự, bất kể nắng hay mưa, xa hay gần. Những hình ảnh, video mà hai vợ chồng Thái Sinh Trần có được là những tư liệu quý, góp phần bảo tồn tiếng hát Soọng cô trên nền tảng công nghệ.

Qua thực tế cho thấy, bằng trách nhiệm của mình, đã có rất nhiều NNUT, Người có uy tín trong cộng đồng, các ông, các bà, các mẹ nay đã lớn tuổi vẫn đã và đang cố gắng hết mình, làm tất cả những gì còn có thể để gìn giữ tiếng hát Soọng cô. Chính những cá nhân tích cực với những việc cụ thể đã là những hạt nhân truyền lửa, thôi thúc ý thức, phong trào gìn giữ tiếng hát Soọng cô ở mỗi CLB, mỗi địa phương.

Đến ý thức của cả cộng đồng

Kể từ những năm 2010, những người có chung niềm đam mê bảo tồn văn hóa Sán Dìu, với Soọng cô và đã tập hợp với nhau để thành lập các CLB Soọng cô. Theo thống kê ở 5 tỉnh có người Sán Dìu sinh sống, hiện nay có khoảng 70 CLB dân ca, trên 4.000 hội viên, 99% hội viên là người đã lớn tuổi, độ tuổi trung bình khoảng 60 tuổi.

Hầu hết hội viên các CLB Soọng cô đều đã lớn tuổi (Ảnh: Thái Sinh Trần)
Hầu hết hội viên các CLB Soọng cô đều đã lớn tuổi (Ảnh: Thái Sinh Trần)

Các CLB đã thường xuyên tổ chức sinh hoạt với nhiều nội dung phong phú, đa dạng như: thường xuyên tổ chức hát giao lưu giữa các thành viên CLB, tổ chức giao lưu, học hỏi kinh nhiệm giữa CLB này với CLB khác trong xã, trong huyện, trong tỉnh và giữa tỉnh này với tỉnh khác. 

Bên cạnh đó, trong tất cả các dịp lễ tết, lễ cưới, các ngày lễ lớn của địa phương, các CLB đều tham gia tích cực, mở các lớp dạy tiếng Sán Dìu và làn điệu Soọng cô cho thế hệ trẻ… Tất cả việc thành lập CLB đều tự phát, xuất phát từ tình yêu, niềm đam mê với văn hóa dân tộc của mỗi hội viên, do đó, các hoạt động đều do các hội viên tự đóng góp.

Đối với CLB Soọng cô thôn Trung Mầu (Bình Xuyên, Vĩnh Phúc), việc truyền dạy Soọng cô là công việc của cả CLB. Mỗi hội viên CLB sẽ chịu trách nhiệm truyền dạy từ 3-5 cháu, chính là con, cháu của mình. Hàng tháng, CLB sẽ kiểm tra việc học của từng cháu, từ đó sẽ đánh giá hiệu quả của mỗi hội viên. Nhờ sự tích cực của mỗi hội viên, các cháu nhỏ được nói tiếng Sán Dìu, được nghe chính ông, bà mình hát trong cuộc sống hằng ngày, các cháu thêm yêu và tự hào về tiếng hát Soọng cô. Hiện nay, CLB có hàng chục cháu có thể hát Soọng cô lưu loát và biểu diễn tại các ngày lễ lớn của địa phương.

Để bảo tồn làn điệu Soọng cô, các CLB khắp các tỉnh có người Sán Dìu sinh sống đã liên kết thành lập Ban liên lạc cấp tỉnh và cả nước, tạo thành một tổ chức chặt chẽ, chuyên nghiệp. Đặc biệt, năm 2015, nhóm Trí thức người Sán Dìu đã thành lập Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và Phát triển văn hóa Sán Dìu, đây là một dấu mốc quan trọng trong việc bảo tồn các giá trị văn hóa dân tộc, trong đó có bảo tồn làn điệu Soọng cô. Hàng năm, các CLB, cộng đồng người Sán Dìu sẽ tổ chức giao lưu cộng đồng, từ đó tạo ra cơ hội sưu tầm, chia sẻ kinh nghiệm trong việc bảo tồn làn điệu Soọng cô.

Việc linh hoạt không gian diễn xướng đang là giải pháp tích cực trong việc gìn giữ làn điệu Soọng cô
Việc linh hoạt không gian diễn xướng đang là giải pháp tích cực trong việc gìn giữ làn điệu Soọng cô

Có thể thấy, dù nhiều người đã lớn tuổi, nhưng bằng tâm huyết, trách nhiệm của mình, họ vẫn cố gắng, nỗ lực truyền lửa, hun đúc thêm tình yêu Soọng cô cho thế hệ trẻ bằng nhiều cách làm khác nhau, phương thức khác nhau. Đặc biệt, các nghệ nhân, những người yêu Sọong cô đã linh hoạt trong không gian diễn xướng, khuyến khích lớp trẻ thể hiện trong những sự kiện, như trong lễ cưới, lễ hội, thể hiện trên sân khấu… tất cả để duy trì, bảo tồn, phát huy được giá trị văn hóa  đặc biệt này.

Tin cùng chuyên mục
Chương trình MTQG 1719 góp phần giữ vững, nâng chất tiêu chí NTM ở vùng biên giới biển tỉnh Sóc Trăng

Chương trình MTQG 1719 góp phần giữ vững, nâng chất tiêu chí NTM ở vùng biên giới biển tỉnh Sóc Trăng

Thị xã Vĩnh Châu nằm ở khu vực ven biển tỉnh Sóc Trăng, có đông đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) sinh sống (chiếm hơn 70% dân số), trong đó dân tộc Khmer chiếm trên 53%. Những năm qua, triển khai thực hiện hiệu quả các dự án, nội dung Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025 (Chương trình MTQG 1719), diện mạo vùng nông thôn của thị xã đã đổi thay đáng kể, cuộc sống của đồng bào đã ấm no và đang ngày càng khởi sắc. Bên cạnh đó, nguồn lực đầu tư, hỗ trợ lồng ghép từ Chương trình góp phần giữ vững và nâng chất các tiêu chí nông thôn mới.