Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Sống lại một hoàng cung

Tiêu Dao – Team Di sản Huế - 20:19, 06/01/2025

Sau đợt đại trùng tu, bằng tư duy của các nhà bảo tồn di sản cùng bàn tay tài hoa của các nghệ nhân, điện Thái Hòa - kiến trúc và văn hóa của triều đại nhà Nguyễn đang được “thay áo mới” bằng những hoa văn cũ. Những công trình nguy nga tráng lệ đang nâng bước cho TP. Huế hướng tới sự phát triển mới.

Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế phục dựng lại buổi thiết triều tại điện Thái Hòa sau khi trùng tu.
Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế phục dựng lại buổi thiết triều tại điện Thái Hòa sau khi trùng tu

Cuộc đại trùng tu di sản

Với lịch sử hình thành hơn 200 năm, điện Thái Hòa là ngôi điện quan trọng nhất trong khu vực Hoàng thành Huế còn được lưu giữ nguyên vẹn cho đến nay và là nơi đặt ngai vàng, nơi diễn ra các hoạt động lễ nghi triều chính của triều đình nhà Nguyễn. Đây được coi là đỉnh cao của nghệ thuật kiến trúc cung đình Huế. Qua hàng trăm năm tồn tại, trước các tác động của thời gian và khí hậu khắc nghiệt, mặc dù trải qua nhiều lần tu bổ, trùng tu nhưng điện Thái Hòa vẫn bị xuống cấp nghiêm trọng.

Hơn 3 năm qua, điện Thái Hòa trong Tử cấm thành của Kinh thành Huế được trùng tu. Có tới 111 nghệ nhân và thợ lành nghề ở nhiều lĩnh vực như sơn thếp, nề ngõa, chạm khắc gỗ… liên tục làm việc mỗi ngày 3 ca bằng tất cả tinh hoa và tâm huyết nghề nghiệp để cống hiến cho di sản. Dự án bảo tồn, tu bổ tổng thể di tích điện Thái Hòa đã được UBND tỉnh Thừa Thiên Huế phê duyệt thực hiện với tổng mức đầu tư hơn 129 tỷ đồng, gồm ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương và các nguồn huy động khác. Sau hơn 3 năm trùng tu, điện Thái Hòa dự kiến hoàn thành vào tháng 8/2025. Tuy nhiên, trước nỗ lực của các ngành chức năng cùng hàng trăm nghệ nhân, điện Thái Hòa đã được khánh thành và đón khách vào cuối tháng 11/2024.

Một nghệ nhân đang tỉ mỉ khắc họa hình tượng linh vật rồng lên một trụ cột bên trong điện Thái Hòa.
Một nghệ nhân đang tỉ mỉ khắc họa hình tượng linh vật rồng lên một trụ cột bên trong điện Thái Hòa

Ông Hồ Hữu Hành, Giám đốc Công ty CP Tu bổ Di tích Huế cho hay, điện Thái Hòa là di tích có giá trị quan trọng nên quá trình hạ giải, trùng tu được tiến hành hết sức cẩn trọng, công phu. Trước khi tháo dỡ, đơn vị thi công cũng đánh dấu vị trí trên từng cấu kiện trước khi hạ giải theo hồ sơ thiết kế được duyệt. Đơn vị trùng tu đã chụp ảnh hiện trạng, đo vẽ, can dập lại hoa văn trang trí trên cột thếp vàng hình rồng, hoa văn trang trí bờ mái, đo vẽ ghi nhận các thông số kỹ thuật của hệ khung gỗ, kết cấu mái…

Ngoài trùng tu các cấu kiện, sơn son lại chi tiết gỗ, khoảng 300 lượng vàng ta đã được dát lên các họa tiết bên trong điện Thái Hòa. Quá trình trùng tu, mọi chi tiết đều được scan 3D để lưu giữ toàn bộ dữ liệu thu thập được của công trình, sau đó số hóa toàn bộ hình ảnh 3D để phục vụ công tác trùng tu, lưu trữ, đồng thời phục vụ du khách trải nghiệm tham quan không gian ảo của công trình này. Đặc biệt, luôn có Hội đồng khoa học gồm các chuyên gia, nhà nghiên cứu hàng đầu của Huế trao đổi, thảo luận các giải pháp thi công để chọn ra phương án tối ưu, bảo đảm chuẩn xác, tôn vinh giá trị di tích.

 Điện Thái Hòa sau khi được trùng tu vô cùng lộng lẫy.
Điện Thái Hòa sau khi được trùng tu vô cùng lộng lẫy

Ông Trương Thế Lực, nghệ nhân trùng tu điện Thái Hòa chia sẻ: “Thời gian qua, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã triển khai dự án với một quy trình thận trọng, khoa học và bài bản nhằm đạt hiệu quả cao nhất trong công tác trùng tu. Với mỗi nghệ nhân xứ Huế, được góp sức vào việc bảo tồn, trùng tu một di sản vô cùng quý giá như thế này là vinh dự to lớn không dễ gì có được. Chính vì thế, chúng tôi nỗ lực hết sức, mang tất cả tinh hoa có được trong nghề để phục vụ công việc”.

Đáp lại sự nỗ lực ấy, dáng dấp điện Thái Hòa đã hiện lên nguy nga tráng lệ. Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã trang trọng trao tặng giấy khen cho hàng chục nghệ nhân và thợ lành nghề vì những đóng góp to lớn trong việc bảo tồn và tu bổ điện Thái Hòa suốt thời gian qua.

Toàn bộ các họa tiết trang trí, sơn son thếp vàng đều được các nghệ nhân có tay nghề cao làm thủ công, tỉ mỉ từng chi tiết.
Toàn bộ các họa tiết trang trí, sơn son thếp vàng đều được các nghệ nhân có tay nghề cao làm thủ công, tỉ mỉ từng chi tiết

Sống lại một hoàng cung

Cố đô Huế, biểu tượng của sự tráng lệ và cổ kính với diện tích hơn 500ha chứa đựng hàng trăm năm văn hóa và lịch sử của dân tộc. Trải qua biết bao thăng trầm của lịch sử, thời gian, cố đô Huế vẫn mang trong mình kiến trúc hài hòa giữa phong cách cổ điển và hiện đại. Văn hóa Huế đặc sắc và đa dạng, phong phú trong nhiều lĩnh vực như văn học, âm nhạc, sân khấu, mỹ thuật, phong tục, lễ hội, văn hoá ẩm thực, phong cách giao tiếp và lối sống…

Thừa Thiên Huế đang lưu giữ gần 1.000 di tích lịch sử văn hóa và hơn 500 lễ hội các loại. Cố đô Huế là biểu tượng của sự hoành tráng với thành quách, cung điện, đền đài, lăng tẩm và danh lam cổ tự. Vào tháng 12 năm 1993, quần thể di tích Cố đô Huế được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa thế giới, là Trung tâm Văn hóa, nghệ thuật của Việt Nam với cảnh đẹp tự nhiên và con người sáng tạo. Thừa Thiên Huế hiện có 7 di sản được UNESCO ghi danh, trong đó có 5 di sản của riêng Huế và 2 di sản chung với các địa phương khác.

Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế tặng giấy khen cho hàng chục nghệ nhân và thợ lành nghề vì những đóng góp to lớn trong việc bảo tồn và tu bổ Điện Thái Hòa sthời gian qua.
Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế tặng Giấy khen cho hàng chục nghệ nhân và thợ lành nghề vì những đóng góp to lớn trong việc bảo tồn và tu bổ Điện Thái Hòa thời gian qua

Những đóng góp của các nghệ nhân trong công tác bảo tồn, trùng tu không chỉ giúp bảo tồn vẻ đẹp độc đáo của di tích điện Thái Hòa mà còn góp phần gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa quý giá của Di sản Cố đô Huế”.


Ông Hoàng Việt Trung,Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế

Hiện nay, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân đang tập trung nguồn lực để xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Trong đó, di sản Huế và bản sắc văn hóa Huế là nền tảng, động lực để phát triển trong những năm tới. Những cuộc đại trùng tu điện Thái Hòa hay điện Kiến Trung và nhiều công trình khác càng làm nổi bật lên giá trị của di sản, khẳng định sức mạnh của văn hóa dân tộc ngày càng được bảo tồn, phát huy một cách đúng đắn.

Tin cùng chuyên mục
Những điểm sáng ở huyện miền núi Quế Phong

Những điểm sáng ở huyện miền núi Quế Phong

Tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, thu nhập bình quân đầu người tăng, cơ sở hạ tầng có nhiều khởi sắc… là những điểm sáng trong bức tranh kinh tế - xã hội huyện miền núi Quế Phong (Nghệ An). Trong đó một niềm vui lớn hơn đến từ việc chuyển biến về nhận thức, suy nghĩ của bà con dân bản, khi nơi đây từng "điểm nóng" về tảo hôn thì nay Quế Phong đã thành điểm sáng trong công tác phòng chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết.