Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Sơn La: Đa dạng hình thức tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật

Thanh Vân - 19:45, 18/10/2023

Thời gian qua, để đảm bảo thực chất, hiệu quả, các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh Sơn La đã tăng cường đổi mới hình thức, đa dạng hóa nội dung tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL). Nhiều hoạt động PBGDPL được tổ chức rộng rãi, tạo sức lan tỏa trong Nhân dân, được Nhân dân đồng tình hưởng ứng, góp phần nâng cao nhận thức chấp hành pháp luật, tích cực thực hiện các phong trào thi đua sản xuất thoát nghèo, nâng cao chất lượng sống, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước, thuộc Sở Tư pháp tỉnh Sơn La tổ chức tuyên truyền trợ giúp pháp lý tại bản Nà Dạ, xã Chiềng On, huyện Yên Châu - Ảnh: Quàng Hùng.
Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước, thuộc Sở Tư pháp tỉnh Sơn La tổ chức tuyên truyền trợ giúp pháp lý tại bản Nà Dạ, xã Chiềng On, huyện Yên Châu - Ảnh: Quàng Hùng.

Củng cố thế trận an ninh Nhân dân

Là tỉnh miền núi, Sơn La có 274,065km đường biên giới quốc gia, tiếp giáp hai tỉnh Hủa Phăn và Luông Pha Băng nước bạn Lào. Dân số toàn tỉnh có khoảng 1,239 triệu người, gồm 12 thành phần dân tộc anh em, sinh sống tại 204 xã/phường/thị trấn, trong đó có 17 xã biên giới và 73 bản giáp biên thuộc địa bàn 6 huyện.

Theo ông Thào Xuân Nếnh, Phó trưởng Ban Dân tộc tỉnh Sơn La, những năm qua, từ nguồn lực đầu tư của Nhà nước, sự nỗ lực phấn đấu, khắc phục khó khăn của toàn Đảng bộ và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh, tình hình KT – XH của Sơn La tiếp tục tăng trưởng toàn diện, bản sắc văn hóa các dân tộc được gìn giữ, phát huy; tình hình an ninh chính trị được giữ vững, đời sống Nhân dân từng bước được cải thiện.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được thì vẫn còn tồn tại một số vấn đề bức xúc xã hội, như các tội phạm liên quan đến ma túy, truyền đạo và học đạo trái phép, di dịch cư tự do, buôn bán trái phép qua biên giới,… Cùng với đó, đời sống của một bộ phận Nhân dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, khu vực biên giới còn nhiều khó khăn, các thế lực thù địch thường lợi dụng để lôi kéo, kích động.

Đông đảo đồng bào DTTS ở bản Nà Dạ, xã Chiềng On, huyện Yên Châu tham gia các buổi tuyên truyền, trợ giúp pháp lý - Ảnh: Quàng Hùng
Đông đảo đồng bào DTTS ở bản Nà Dạ, xã Chiềng On, huyện Yên Châu tham gia các buổi tuyên truyền, trợ giúp pháp lý - Ảnh: Quàng Hùng

Để củng cố thế trận an ninh Nhân dân, song song với việc thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án phát triển KT – XH, các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh Sơn La đã tích cực, chủ động triển khai công tác tuyên truyền, vận động và PBGDPL. Trên địa bàn tỉnh đã thành lập và duy trì nhiều mô hình PBGDPL mang lại hiệu quả. Tiêu biểu như các mô hình: “Nhóm liên gia tự quản”, “Tiếng loa Biên phòng”, “Tổ hòa giải”, “Tổ trợ giúp pháp lý”, “Đội tự quản đường biên mốc giới”… Những mô hình này đã tạo sức lan tỏa, góp phần hạn chế vi phạm pháp luật, bảo đảm an ninh trật tự (ANTT) trên địa bàn.

Cán bộ Đồn Biên phòng Mường Lạn phát tờ gấp tuyên truyền pháp luật cho bà con DTTS tại xã biên giới Nậm Lạnh, huyên Sốp Cộp. Ảnh: Quàng Hùng.
Cán bộ Đồn Biên phòng Mường Lạn phát tờ gấp tuyên truyền pháp luật cho bà con DTTS tại xã biên giới Nậm Lạnh, huyên Sốp Cộp. Ảnh: Quàng Hùng.

Phó trưởng Ban Dân tộc tỉnh Sơn La - ông Thào Xuân Nếnh chia sẻ, với vai trò là cơ quan quản lý Nhà nước về lĩnh vực công tác dân tộc, thực hiện chính sách dân tộc trên địa bàn, những năm qua, Ban Dân tộc tỉnh đã chủ động, tích cực phối hợp với các cơ quan, đơn vị tăng cường tuyên truyền, vận động và PBGDPL ở vùng đồng bào DTTS và miền núi của tỉnh. 

Đối với địa bàn biên giới, Ban Dân tộc và Bộ Đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh đã tập trung tuyên truyền, hướng dẫn đồng bào các dân tộc thực hiện tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đồng thời vận dụng hiệu quả các chính sách đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước để vươn lên.

Tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật

Là tỉnh có đông đồng bào DTTS (chiếm 83,51% dân số toàn tỉnh), đồng thời cũng là địa phương có số lượng địa bàn đặc biệt khó khăn nhiều (125 xã khu vực III, 1.449 thôn đặc biệt khó khăn), tỉnh Sơn La xác định việc tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật cho người dân có vai trò đặc biệt quan trọng. Đây là điều kiện cần thiết để các chương trình, dự án đầu tư, hỗ trợ phát triển KT – XH được triển khai hiệu quả ở những địa bàn này.

Ban Dân tộc tỉnh Sơn La đã chủ trì, phối hợp với các ngành và các địa phương tăng cường tuyên truyền, PBGDPL đến vùng đồng bào DTTS trong tỉnh. Trong đó, Ban đã tổ chức hàng chục hội nghị tập huấn, bồi dưỡng về nghiệp vụ công tác dân tộc; Hội nghị phổ biến cung cấp thông tin cho Người có uy tín trong vùng đồng bào DTTS của tỉnh.

Quần chúng Nhân dân xã Mường Cai, huyện Sông Mã cùng lực lượng Biên phòng tuần tra biên giới. (Ảnh: Báo Sơn La)
Quần chúng Nhân dân xã Mường Cai, huyện Sông Mã cùng lực lượng Biên phòng tuần tra biên giới. (Ảnh: CTV)

Đặc biệt, thực hiện Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng DTTS giai đoạn 2015 - 2025” và Đề án “Hỗ trợ hoạt động Bình đẳng giới vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2018 - 2025”, Ban Dân tộc đã tổ chức 65 hội nghị tuyên truyền với trên 5.600 đại biểu tham gia. 

Đồng thời, cũng đã tổ chức 44 cuộc thi tìm hiểu, tuyên truyền về Luật Hôn nhân và Gia đình, nhận thức về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống thông qua hoạt động ngoại khóa của các trường phổ thông dân tộc bán trú và dân tộc nội trú tại các xã trong tỉnh; các cuộc thi thu hút trên 15.500 cán bộ giáo viên, học sinh và phụ huynh học sinh tham gia...

Trong 6 tháng đầu năm 2023, theo Báo cáo số 147/BC-BDT ngày 7/6/2023 của Ban Dân tộc tỉnh, Ban Dân tộc đã chủ động phối hợp với các sở, ban ngành liên quan và các địa phương đã triển khai thực hiện có hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của nhà nước trong vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, đã tổ chức được 4 lớp tập huấn về nghiệp vụ công tác dân tộc cho hơn 156 đại biểu tại các thôn bản đặc biệt khó khăn về nội dung công tác vận động đồng bào DTTS bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới, nâng cao cảnh giác không để kẻ xấu lợi dụng, lôi kéo gây mất đoàn kết, an ninh trật tự vùng biên giới, những vấn đề liên quan đến tôn giáo và công tác tôn giáo hiện nay; tổ chức được 05 cuộc thi tiềm hiểu pháp luật về nhằm giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống tại các trường Tiểu học và Trung học cơ sở của các xã vùng đồng bào DTTS, thu hút được hơn 2.500 giáo viên và học sinh tham gia…

Thành lập mô hình “Tổ phụ nữ tham gia bảo vệ đường biên, cột mốc” tại xã Mường Cai, huyện Sông Mã.
Ra mắt mô hình “Tổ phụ nữ tham gia bảo vệ đường biên, cột mốc” tại xã Mường Cai, Sông Mã.

Mới đây nhất, từ ngày 28/9/2023 đến 06/10/2023, Ban Dân tộc tỉnh Sơn La đã phối hợp với các sở ngành và UBND các huyện, thành phố tổ chức 05 Hội nghị tuyên truyền phổ biến về kiến thức, kỹ năng truyền thông, vận động tư vấn pháp luật liên quan về hôn nhân, gia đình, phòng chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng DTTS&MN trên địa bàn tỉnh Sơn La năm 2023. Theo đó, có 369 đại biểu là Bí thư hoặc Phó Bí thư chi bộ; Trưởng hoặc phó trưởng bản; Trưởng Ban công tác Mặt trận và các đoàn thể ở bản; Người có uy tín và các hộ dân đồng bào DTTS tại các xã trên địa bàn tỉnh; Đoàn Thanh niên; cán bộ cơ sở tham gia tuyên truyền, ngăn ngừa tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống..., tham gia các hội nghị này.

Ông Thào Xuân Nếnh, Phó trưởng Ban Dân tộc tỉnh Sơn La cho biết, hiệu quả của hoạt động tuyên truyền, vận động, PBGDPL đã góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ trọng tâm của chiến lược, kế hoạch phát triển KT - XH của tỉnh. Thông qua công tác tuyên truyền, vận động, PBGDPL, Ban Dân tộc cũng như các sở ngành, địa phương nắm bắt tình hình đời sống và kết quả thực hiện các chương trình, chính sách tại vùng đồng bào DTTS, từ đó kịp thời tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo các cấp, các ngành và địa phương tháo gỡ những khó khăn trên địa bàn, thúc đẩy tiến độ thực hiện các chương trình, dự án đầu tư, hỗ trợ phát triển KT – XH vùng đồng bào DTTS của tỉnh.

Theo Báo cáo số 242/BC-BDT ngày 7/9/2023, từ đầu năm đến nay, đời sống đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh ổn định; việc thực hiện các Chương trình, chính sách an sinh, xã hội vào vùng DTTS đảm bảo đầy đủ, kịp thời, đáp ứng được tâm tư nguyện vọng của các DTTS. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội vùng DTTS luôn ổn định; công tác nắm tình hình đồng bào các DTTS tiếp tục được quan tâm, tăng cường và giữ vững.