Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Sóc Trăng: Xác lập kỷ lục buổi trình diễn nhạc Ngũ âm lớn nhất Việt Nam

Tào Đạt - 05:54, 12/11/2024

Trong khuôn khổ Lễ hội Óoc Om Bóc - Đua ghe Ngo Sóc Trăng, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long lần thứ VI và Tuần Văn hóa, Thể thao và Du lịch Sóc Trăng lần thứ I - năm 2024, tối 11/11, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Sóc Trăng đã tổ chức trình diễn nhạc Ngũ âm của đồng bào dân tộc Khmer với quy mô lớn nhất Việt Nam.

Hơn 200 nghệ nhân diễn tấu nhạc Ngũ âm trong chương trình.
Hơn 200 nghệ nhân diễn tấu nhạc Ngũ âm trong Chương trình

Buổi trình diễn nhạc Ngũ âm của đồng bào Khmer tỉnh Sóc Trăng lần này quy tụ hơn 200 nghệ nhân, nghệ sĩ, diễn viên.

Phát biểu tại buổi lễ, ông Trần Minh Lý - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Sóc Trăng, cho biết: Nhạc Ngũ âm là loại hình âm nhạc cổ truyền, mang tính phổ biến và lâu đời của đồng bào Khmer Nam Bộ. Trải qua quá trình hình thành, tồn tại và phát triển, loại hình nghệ thuật này được lưu giữ và chứa đựng nhiều giá trị. 

Ông Trần Minh Lý, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Sóc Trăng phát biểu tại buổi trình diễn
Ông Trần Minh Lý, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Sóc Trăng phát biểu tại buổi trình diễn

Ngày nay, do nhu cầu phát triển của xã hội, đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân ngày càng được nâng lên, dàn nhạc Ngũ âm cũng được mở rộng phạm vi hoạt động.

Nhạc Ngũ âm đã tham gia phục vụ trong các chương trình biểu diễn ca - múa - nhạc chuyên nghiệp, được kết hợp một số nhạc cụ khác để hòa âm phối khí âm nhạc, sử dụng trong các vở diễn sân khấu Dù kê, trong các lễ hội truyền thống của dân tộc hay những sinh hoạt văn hóa - nghệ thuật khác… trong cộng đồng người Khmer.

Nhạc Ngũ âm trước đây chỉ phục vụ nghi lễ trong chùa.
Nhạc Ngũ âm trước đây chỉ phục vụ nghi lễ trong chùa

Với sự hỗ trợ từ Dự án "Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch", tỉnh Sóc Trăng đã đầu tư kinh phí mua sắm nhiều dàn ngũ âm để hỗ trợ cho các câu lạc bộ, chùa Khmer trong tỉnh.

Tỉnh Sóc Trăng đã tổ chức nhiều lớp đào tạo, truyền dạy các loại hình di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, trong đó có nghệ thuật trình diễn dân gian nhạc Ngũ âm. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Sóc Trăng còn đào tạo, bồi dưỡng cho con em đồng bào dân tộc Khmer có thêm kiến thức cơ bản, hiểu biết hơn về loại hình nghệ thuật đặc sắc này.

Ngày nay nhạc Ngũ âm đã được biểu diễn phục vụ lễ hội cộng đồng
Ngày nay nhạc Ngũ âm đã được biểu diễn phục vụ lễ hội cộng đồng

Ông Trần Minh Lý nhấn mạnh: Nhạc Ngũ âm xứng đáng trở thành một trong những di sản văn hóa phi vật thể quốc gia rất quan trọng và tiêu biểu của cộng đồng người Khmer. Trải qua thời gian, dòng chảy của di sản văn hóa này không ngừng được tiếp nối, bồi đắp và lan tỏa trong cộng đồng người Khmer.

Các đại biểu tham gia biểu diễn
Các đại biểu tham gia biểu diễn

Dịp này, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam đã xác lập kỷ lục trình diễn nhạc Ngũ âm của đồng bào Khmer tỉnh Sóc Trăng có quy mô lớn nhất Việt Nam.

Nhạc Ngũ âm truyền thống của người Khmer (Pinn Peat) là một dàn nhạc được hợp thành bởi 5 bộ nhạc cụ được làm từ 5 loại chất liệu khác nhau tạo nên 5 âm sắc riêng biệt: Bộ đồng, bộ sắt, bộ mộc, bộ hơi và bộ da. Điều này được quan niệm bắt nguồn từ sự gắn liền với 5 yếu tố trong nguyên lý ngũ hành là Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ.

Trong đó, mỗi bộ sẽ có 1, 2 hoặc 3 loại nhạc cụ tham gia, tạo nên biên chế hoàn chỉnh của dàn nhạc Ngũ âm truyền thống gồm loại 9 nhạc cụ: Kèn Srolai Pinn Peat (bộ hơi); đàn Rôneat Ek, Rôneat Thung (bộ mộc); Rôneat Đek (bộ sắt); Kuông Vông Tôch, Kuông Vông Thum, Chhưng (bộ đồng); trống Samphô, trống Skô Thum (bộ da).

Ngày 20/12/2019, Nhạc ngũ âm của người Khmer ở Sóc Trăng đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.