Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Số ca tử vong tại Campuchia tiếp tục tăng, gần 3/4 số người tiêm vaccine COVID-19 hàng ngày là ở châu Á

PV - 10:12, 24/06/2021

Đến sáng 23/6, thế giới có trên 179,8 triệu người mắc COVID-19, trong đó hơn 3,89 triệu trường hợp đã tử vong vì đại dịch này.

Hơn 179,8 triệu người trên thế giới đã nhiễm virus SARS-CoV-2. (Ảnh: AP)
Hơn 179,8 triệu người trên thế giới đã nhiễm virus SARS-CoV-2. (Ảnh: AP)

Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi dịch COVID-19 vẫn là Mỹ với trên 34,4 triệu ca mắc và hơn 617.700 trường hợp tử vong. Trong ngày qua, Mỹ ghi nhận thêm hơn 4.800 người nhiễm virus SARS-CoV-2.

Ngày 22/6, Tiến sĩ Anthony Faucity, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm của Mỹ, khẳng định biến thể Delta của virus SARS-CoV-2 được tìm thấy đầu tiên ở Ấn Độ là mối đe dọa lớn nhất đối với nỗ lực của Mỹ nhằm chấm dứt đại dịch COVD-19 ở trong nước. Trong một cuộc họp báo, ông Fauci cho biết: "Không thể nghi ngờ gì về khả năng lây lan lớn hơn của biến chủng Delta so với chủng virus ban đầu của dịch COVID-19", đồng thời cho rằng, điều này có liên quan tới việc gia tăng mức độ nghiêm trọng của bệnh. Tuy nhiên, theo Tiến sĩ Fauci, các loại vaccine hiện nay được cấp phép sử dụng ở Mỹ như Pfizer-BioNTech có hiệu quả đối với các biến thể mới của SARS-CoV-2.

Cùng ngày, chính quyền Tổng thống Joe Biden thừa nhận sẽ không thể đạt được mục tiêu đề đề ra, theo đó khoảng 70% người dân Mỹ trưởng thành sẽ được tiêm ít nhất 1 liều vaccine ngừa COVID-19 trước hạn chót là ngày Lễ Quốc khánh 4/7. Tính tới ngày 22/6, 65,4% người trên 18 tuổi đã tiêm một hoặc hai liều vaccine ngừa COVID-19 của hãng Pfizer, Moderna hoặc Johnson & Johnson. Tỷ lệ tiêm chủng đã giảm kể từ tháng 4 khi đạt mức trung bình cao nhất là 3,4 triệu mũi/ngày. Mức trung bình mới nhất chỉ khoảng 850.000/ngày.

Tại tâm dịch COVID-19 lớn thứ hai thế giới Ấn Độ, vào ngày 22/6, nước này ghi nhận hơn 29.200 ca mắc mới COVID-19 và 393 trường hợp tử vong. Đây là ngày đầu tiên trong 91 ngày qua, số ca nhiễm mới ghi nhận hàng ngày tại Ấn Độ ở mức dưới 50.000 ca. Tổng số ca mắc COVID-19 tại nước này lên tới trên 30 triệu trường hợp, trong khi đó số bệnh nhân không qua khỏi đã lên tới hơn 389.600 người.

Ấn Độ đã tiêm 8,5 triệu liều vaccine phòng COVID-19 trong ngày 21/6, mức cao nhất trong một ngày kể từ khi nước này khởi động chiến dịch tiêm chủng từ giữa tháng 1. Bộ Y tế Ấn Độ cho biết, việc tiêm kỷ lục số liều vaccine diễn ra trong ngày đầu tiên nước này triển khai giai đoạn phổ cập mới vaccine ngừa COVID-19 bắt đầu từ ngày 21/6. Theo đó, Chính phủ Ấn Độ sẽ mua 75% vaccine từ các nhà sản xuất và phân phối cho các bang để tiêm miễn phí cho toàn bộ người trưởng thành.

Trước đó, Chính phủ Ấn Độ chỉ cung cấp vaccine miễn phí cho người từ 45 tuổi trở lên và các nhân viên tuyến đầu. Đến nay, 17,1% dân số trong gần 1,4 tỷ dân của Ấn Độ đã được tiêm ít nhất một liều vaccine COVID-19 và 3,7% dân số được tiêm đủ liều.

Trong 24 giờ qua, Brazil ghi nhận trên 84.800 ca mắc COVID-19. Đến nay, hơn 504.700 bệnh nhân COVID-19 đã không qua khỏi trong tổng số trên 18 triệu người nhiễm bệnh ở quốc gia này.

Ban phòng chống COVID-19 của Liên bang Nga cho biết, trong vòng 1 ngày qua, nước này đã ghi nhận 16.715 ca mắc mới COVID-19. Các địa phương có số ca mắc mới nhiều nhất trong ngày là thủ đô Moscow (6.555 ca), tỉnh Moscow (1.871) và thành phố St.Petersburg (1.065).

Trong ngày qua, tại Nga có 546 ca tử vong mới, số ca tử vong cao nhất trong ngày kể từ ngày 11/2 (553 người). Đáng chú ý, trong 24 giờ qua, thủ đô Moskva đã ghi nhận tới 86 ca tử vong, con số kỷ lục trong toàn bộ thời kỳ đại dịch, vượt kỷ lục ngày 19/1 là 84 ca. Ngày 22/6 cũng là ngày Nga ghi nhận số ca tử vong trong ngày cao nhất kể từ giữa tháng 2 với 546 trường hợp. Nguyên nhân được cho là do biến thể Delta khiến dịch lây lan nhanh.Đến nay, Nga ghi nhận tổng cộng trên 5,35 người nhiễm virus SARS-CoV-2, trong đó 130.347 người tử vong và hơn 4,88 triệu người được chữa khỏi bệnh.

Giới chức thủ đô Moscow cho biết sẽ siết chặt kiểm soát. Người dân chỉ được phép tới các nhà hàng và quán cà phê khi đã tiêm chủng, có kết quả xét nghiệm âm tính COVID-19 hoặc đã mắc bệnh trong vòng 6 tháng qua. Cụ thể, do tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, Thị trưởng thủ đô Moscow, ông Sergei Sobyanin, ngày 22/6 cho biết, kể từ ngày 28/6, thành phố này sẽ áp dụng mã QR để cho phép chỉ những người đã tiêm vaccine ngừa COVID-19, những người khỏi bệnh trong vòng 6 tháng qua hoặc có kết quả xét nghiệm PCR âm tính có giá trị trong 3 ngày có thể đến các cơ sở dịch vụ ăn uống trong thành phố.

Hoạt động tiêm chủng quy mô lớn ngừa COVID-19 đã diễn ra ở Nga từ ngày 18/1. Tất cả người dân đều được tiêm phòng miễn phí. Hiện tại, người dân Nga có thể chọn 4 loại vaccine đã được đăng ký trong nước là Sputnik V, Sputnik Light, EpiVacCorona và KoviVak.

Ngày 22/6, Ấn Độ ghi nhận số ca mắc mới/ngày thấp nhất trong 3 tháng qua. (Ảnh: AP)
Ngày 22/6, Ấn Độ ghi nhận số ca mắc mới/ngày thấp nhất trong 3 tháng qua. (Ảnh: AP)

Bộ trưởng Y tế Anh Matt Hancock ngày 22/6 thông báo, tình hình dịch bệnh COVID-19 ở nước này đang ghi nhận những tín hiệu khả quan, cho thấy hoàn toàn có thể dỡ bỏ phong tỏa vùng England như đúng kế hoạch vào ngày 19/7. Phát biểu trên đài phát thanh BBC, ông Hancock khẳng định, hiện nước Anh đang trên đường mở cửa trở lại vào ngày 19/7 và nhà chức trách nước này sẽ theo dõi sát sao tình hình COVID-19, đặc biệt là bắt đầu vào tuần tới. Tuy nhiên, số liệu thống kê trong hơn tuần qua cho thấy tín hiệu rất tích cực, đặc biệt là số ca tử vong ở mức "rất, rất thấp", cho thấy hiệu quả của vaccine.

Trong bối cảnh số ca mắc mới và nhập viện do COVID-19 giảm dần, Chính phủ Italy thông báo sẽ dỡ bỏ quy định đeo khẩu trang bắt buộc ở ngoài trời từ ngày 28/6, thời điểm các chuyên gia dự đoán, toàn bộ nước này sẽ trở thành "vùng trắng" (vùng có nguy cơ thấp về COVID-19). Quy định này được áp dụng từ tháng 10/2020, khi "đất nước hình chiếc ủng" bắt đầu đối mặt với làn sóng lây nhiễm thứ 2 dịch COVID-19. Đến nay, Italy ghi nhận trên 4,2 triệu ca mắc và gần 127.300 trường hợp tử vong vì COVID-19.

Trước nguy cơ dịch COVID-19 tái bùng phát, Israel sẽ tăng cường khâu xét nghiệm tại sân bay quốc tế Ben Gurion, đồng thời kiểm soát cách ly đối với người nhập cảnh. Tại một cuộc họp diễn ra vào tối 21/6 giữa Thủ tướng Naftali Bennett với các quan chức cấp cao của các bộ Y tế và Giao thông, các ý kiến đều cảnh báo về nguy cơ dịch COVID-19 tái lây lan do biến thể Delta du nhập từ các nước khác, cũng như tình trạng buông lỏng kiểm soát dịch bệnh đối với người nhập cảnh.

Thủ tướng Israel Bennett đã yêu cầu bổ sung 250 nhân viên an ninh để tăng cường kiểm soát cách ly sau nhập cảnh, lắp đặt thêm trạm xét nghiệm tại sân bay quốc tế Ben Gurion, trang bị thêm cho các trạm lấy mẫu xét nghiệm, đồng thời tăng cường thông tin tuyên truyền để người dân hiểu rõ nguy cơ đến từ những người trở về từ nước ngoài. Bên cạnh đó, ông cũng cho biết, Chính phủ Israel sẽ xem xét xử phạt các phụ huynh không giám sát việc cách ly của trẻ em tại trường học, đồng thời chuẩn bị cho khả năng xảy ra một làn sóng dịch bệnh mới.

Sau chiến dịch tiêm phòng hiệu quả, dịch COVID-19 tại Israel cơ bản đã được kiểm soát. Hầu hết các biện pháp giãn cách xã hội được dỡ bỏ, hoạt động kinh tế xã hội trở lại bình thường. Tuy nhiên, chiến dịch tiêm vaccine cho trẻ em dưới 16 tuổi vẫn chưa thu hút được sự tham gia đầy đủ của các phụ huynh. Một số nguồn tin cho rằng, có thể Bộ Y tế Israel sẽ áp dụng trở lại một số quy định phòng chống COVID-19 như đeo khẩu trang bắt buộc trong trường học, sân bay và các điểm công cộng khác.

Số ca tử vong vì COVID-19 tại Campuchia tiếp tục tăng, ngày 22/6, nước này ghi nhận số ca tử vong vì dịch bệnh cao thứ hai từ trước đến nay với 18 người. Trước đó, Bộ Y tế Campuchia ghi nhận số ca tử vong cao nhất là 20 ca vào ngày 19/6. Ngày 22/6, Bộ Y tế Campuchia thông báo ghi nhận thêm 678 ca mắc (bao gồm 58 trường hợp nhập cảnh và 620 trường hợp lây nhiễm cộng đồng). Hiện tổng số người nhiễm bệnh tại Campuchia là 44.124 trường hợp, trong đó 38.766 người đã khỏi bệnh và 459 bệnh nhân tử vong.

Để ngăn chặn nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh từ bên ngoài, đặc biệt là người nhập cảnh bất hợp pháp, Cơ quan Kiểm soát và phòng ngừa COVID-19 các tỉnh của Lào giáp biên với Thái Lan đang tiếp tục đẩy mạnh hoạt động tuần tra đường thủy trên sông Mekong. Cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh ở các trạm kiểm soát biên giới được yêu cầu lưu lại toàn bộ thông tin về những người lao động nhập cảnh, trong khi ngành y tế tiến hành các biện pháp sàng lọc và đưa họ đi cách ly tập trung. Ở các bản, chính quyền địa phương cũng đang vận động người dân nhanh chóng thông báo trường hợp nghi ngờ nhập cảnh trái phép từ Thái Lan qua sông Mekong.

Trong một diễn biến khác liên quan, hãng Hàng không quốc gia Lào Lao Airlines thông báo sẽ nối lại các chặng bay nội địa kể từ ngày 25/6 sau hơn hai tháng đình chỉ hoạt động do sự bùng phát của dịch COVID-19. Quyết định này của hãng hàng không quốc gia Lào xuất phát từ bộ quy tắc phòng dịch mới do Chính phủ vừa nước này công bố, trong đó cho phép người dân sử dụng dịch vụ vận tải hành khách đường bộ, hàng không và đường thủy giữa thành phố Vientiane và các tỉnh nếu đã tiêm đủ hai mũi vaccine ngừa COVID-19.

Bộ Y tế Lào cho biết, ngày 22/6, nước này đã ghi nhận 13 ca mắc mới, nâng tổng số ca mắc tại Lào đến nay lên 2.067 trường hợp, trong đó có 2 ca lây nhiễm cộng đồng tại thủ đô Vientiane và 11 ca nhập cảnh được cách ly ngay tại các tỉnh khác.

Malaysia đã phát hiện hàng nghìn ổ dịch COVID-19 trên toàn quốc. (Ảnh: AP)
Malaysia đã phát hiện hàng nghìn ổ dịch COVID-19 trên toàn quốc. (Ảnh: AP)

Bộ Y tế Malaysia cho biết, tính đến ngày 19/6, Malaysia phát hiện tổng cộng 2.604 ổ dịch COVID-19, trong đó 824 ổ dịch vẫn đang lây lan. Trong khoảng 1 tháng qua, số ổ dịch phát hiện hàng ngày ở Malaysia vẫn ở mức cao, cao nhất là 30 ổ dịch vào ngày 6/6. Một trong những nguyên nhân khiến Malaysia khó kiểm soát tốt sự lây lan của dịch bệnh là những ca nhiễm lẻ tẻ, không thuộc ổ dịch nào tăng mạnh trong thời gian qua, nhất là tại thung lũng Klang. Malaysia đang đẩy nhanh chiến dịch tiêm chủng. Đến nay, nước này đã tiêm cho hơn 6 triệu người, trong đó hơn 1,6 triệu người đã tiêm đủ 2 liều.

Ngày 22/6, Chính phủ Hàn Quốc đã tiến hành thảo luận phương án đối phó với đại dịch COVID-19 như đẩy mạnh giám sát và phân tích về biến thể mới của virus SARS-CoV-2, chuẩn bị cho việc nới lỏng giãn cách xã hội dự kiến bắt đầu từ tháng 7 tới. Phát biểu tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Y tế và Phúc lợi Hàn Quốc (MOHW) kiêm Phó Chủ tịch Ủy ban phòng chống tai nạn và quản lý an toàn trung ương Kwon Deok-cheol cho rằng, biến thể mới của virus SARS-CoV-2 là yếu tố đe dọa nghiêm trọng tới công tác phòng dịch của Hàn Quốc. Mặc dù những ảnh hưởng từ biến thể mới này tới công tác phòng dịch hiện vẫn ở mức hạn chế nhưng Chính phủ Hàn Quốc sẽ tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình lây nhiễm của loại biến thể này ở các nước.

Bộ trưởng Kwon Deok-cheol cho biết thêm, hiện Chính phủ Hàn Quốc đang áp dụng biện pháp cách ly tập trung với người nhập cảnh từ các quốc gia có nguy cơ lây nhiễm cao. Nếu phát hiện có virus biến thể, nhóm đối phó chung liên ngành và chính quyền địa phương sẽ hợp tác để ngăn chặn sự lây lan.

Số liệu thống kê của Cơ quan Quản lý và Phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) cho thấy, ngày 22/6, Hàn Quốc ghi nhận 395 ca mắc COVID-19 mới, trong đó có 351 ca lây nhiễm trong cộng đồng, nâng tổng số người nhiễm ở nước này lên 151.901 trường hợp, bao gồm 2.006 bệnh nhâ tử vong. Cũng theo KDCA, tính đến thời điểm hiện tại, Hàn Quốc đã hoàn tất việc tiêm mũi thứ nhất vaccine ngừa COVID-19 cho hơn 15,03 triệu người (tương đương 29,3% dân số). Số người đã hoàn tất việc tiêm chủng (đủ số mũi theo khuyến nghị tùy từng loại vaccine) là 4,16 triệu người (khoảng 8,1% dân số).

Xét về độ bao phủ vaccine, châu Á vẫn còn thua kém một số khu vực trên thế giới. Đến nay, mới có khoảng 1/5 người dân châu Á đã tiêm một liều vaccine, so với 37% ở châu Âu và 40% ở Bắc Mỹ. Tuy nhiên, tốc độ tiêm phòng ở châu Á đang có dấu hiệu cải thiện. Gần 3/4 số ca tiêm vaccine COVID-19 hàng ngày trên thế giới đang được thực hiện ở châu Á, tăng gấp đôi so với vài tuần trước.

Các chuyên gia nhận định, mặc dù mở cửa biên giới hoàn toàn là việc khó có thể thực hiện trong năm nay, nhưng tăng tốc tiêm vaccine có nghĩa là các hạn chế đi lại chặt chẽ ở một số khu vực của châu Á có thể được nới lỏng nhanh hơn dự kiến, giúp nền kinh tế phục hồi.

Đầu năm nay, Trung Quốc mới chỉ phân phối 1 triệu liều vaccine mỗi ngày, một phần là do hạn chế năng lực sản xuất. Các đợt bùng phát gần đây đã khiến người dân không thể lơ là việc tiêm vaccine. Cùng với các biện pháp khuyến khích, Trung Quốc hiện đang phân phối khoảng 17 triệu mũi tiêm mỗi ngày, chiếm khoảng một nửa của thế giới, với 4/5 người trưởng thành ở Bắc Kinh được tiêm ít nhất một liều.

Ngày 22/6, Trung Quốc xác nhận 25 ca mắc mới, nâng tổng số người nhiễm bệnh lên 91.629 trường hợp. Đến nay, 4.636 cư dân Trung Quốc đã tử vong vì COVID-19.

Cách đây 6 tuần, chỉ có 2% dân số Nhật Bản được tiêm một liều vaccine. Đến nay, con số này đã tăng lên 16%. Hiện Nhật Bản, tính trên quy mô dân số, đang triển khai số liều tiêm hàng ngày nhiều hơn cả Mỹ và Israel. Ngày 22/6, Nhật Bản không ghi nhận ca nhiễm COVID-19 mới. Tổng cộng 785.287 người ở Nhật Bản đã nhiễm virus SARS-CoV-2, trong đó có 14.423 ca tử vong.